Với ông, thư pháp là nơi gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa, giúp tôn vinh được nét đẹp và hồn của dân tộc.
Dành niềm say mê cho thư pháp
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là cái tên không còn xa lạ đối với nhiều người yêu nghệ thuật thư pháp. Ông được biết đến là một nhà thư pháp với nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu.
![Rắn chào Xuân. doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-1.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f60037424819c01441992079b134bacee1842f4d5b90581d334bbdabb21d74a7eb779d7665e981a14620ab95d6c2ecab13cecc4/doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-1.jpg)
Thư pháp chữ Việt mang lại vẻ đẹp của văn tự, phản ánh những đặc trưng của văn hóa người Việt, thể hiện rõ những đặc tính linh hoạt, tính biểu cảm và tính tổng hợp. Ngoài ra, việc dùng sản phẩm của văn hóa phương Đông là bút lông để viết chữ Latinh - sản phẩm của văn hóa phương Tây cho thấy thư pháp có sự giao thoa và tích hợp văn hóa Đông - Tây.
Đặc biệt, ông có luận văn thạc sĩ về thư pháp chữ Việt, được bảo vệ xuất sắc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) năm 2006. Sau đó, ông đã xuất bản thành sách với tên gọi “Thư pháp là gì?”.
Cuốn sách “Thư pháp là gì?” được giới chuyên môn đánh giá cao khi những điều ông viết ra giúp công chúng tiếp cận và nâng cao trình độ thẩm mỹ về thư pháp. Hiện, ông vẫn tiếp tục theo học nghiên cứu sinh ngành văn hóa học với luận án về chủ đề liên quan đến nghệ thuật thư pháp chữ Việt.
Với niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp, mỗi mùa Xuân, thầy giáo sinh năm 1980 đều cho ra đời một bộ họa tự về linh vật của năm đó. Với năm Thân, ông sẽ vẽ những chú khỉ tinh nghịch.
Năm Tý, ông sẽ cho ra đời bộ họa tự những chú chuột vui mắt. Hay đối với năm Tuất, thầy giáo Tín vẽ những hình ảnh loài chó với nét khôn ngoan, năm Mão sẽ họa tự những chú mèo xinh xắn, năm Sửu là hình những chú trâu hiền lành.
Năm Giáp Thìn 2024, thầy giáo Tín đã để lại ấn tượng đối với người thưởng lãm bằng chữ “Long” - họa tự hình con rồng. Theo ông, với nét đặc trưng tính hư ảo của rồng nên biểu hiện nghệ thuật không bị hạn chế, từ đó mỗi sáng tác đều rất phong phú, đa dạng đến từ 12 kiểu chữ Long tạo thành 12 con rồng với dáng vẻ khác nhau, tượng trưng cho 12 tháng.
Hình tượng 5 “ông” rắn
![Rắn mừng Xuân. doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-2.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f60037424819c01441992079b134bacee1842f4d5b90581d334bbdabb21d74a7eb779d78a9fece8db6e7b4ab31670af88efe1c4/doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-2.jpg)
Năm Ất Tỵ 2025, ông cho ra mắt hình tượng 5 “ông” rắn độc đáo được nghệ thuật hóa bằng hình thức họa tự có tên là “Ngũ xà thư”. So với chữ Long – tạo ra hình rồng với đặc điểm hư ảo, chữ Tỵ năm Ất Tỵ tạo ra hình rắn tương đối khó. Tuy nhiên, sự di chuyển nhịp nhàng cũng như đường cong uyển chuyển của rắn khơi gợi cho thầy Tín trí tưởng tượng về hình thể chữ.
Bằng những động tác nhẹ nhàng, bút lực mạnh mẽ, những đường nét điêu luyện và sắc sảo từ đầu ngọn bút lông mềm mại, uyển chuyển, có sự phối hợp cương và nhu, lúc thanh thoát, lúc trầm bổng tự nhiên, ông đã tạo ra những tác phẩm hình tượng về rắn với nhiều dáng vẻ phong phú, vừa tinh vi, vừa khoáng đạt, đầy cá tính.
Những hình tượng rắn bằng chữ Tỵ cho năm Ất Tỵ gồm rắn chào xuân, rắn mừng xuân, cặp rắn hoàn hảo, rắn du xuân và rắn thần dược. Theo đó, rắn chào xuân được kết hợp khéo léo từ chữ T, Y và dấu nặng tạo thành hình ảnh cành đào rực rỡ.
Chú rắn quấn lấy cành đào, đầu rắn hướng lên trên trông rất mạnh mẽ, sung mãn. Bên cạnh đó, màu đen của mực xạ viết ra hình rắn tương phản với cành đào màu đỏ rực rỡ của mùa Xuân. Tất cả tạo nên một không khí vui tươi, may mắn, sung túc đang đón chào mùa Xuân mới trong năm rắn đăng quang.
![Rắn du Xuân. doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-4.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f60037424819c01441992079b134bacee1842f4d5b90581d334bbdabb21d74a7eb779d7935b9a5ec2adeb7a4e6c5ecbe261eb49/doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-4.jpg)
Cũng với 2 ký tự T, Y và dấu nặng, ông đã khéo léo biến tấu thành rắn mừng xuân với hình con rắn uyển chuyển, uốn lượn. Thoạt nhìn có thể thấy được đường đi của bút rất điệu nghệ và biến hóa.
Theo thầy Tín, đây là một trong những tác phẩm với bút pháp ấn tượng, nét bút rất khoan thai, liền lạc, kết nối nhau, khiến con chữ tự nhiên vừa thấy hình rắn rất rõ, đồng thời chữ Tỵ cũng hiện lên một cách điệu nghệ. Biểu tượng cho sự sáng tạo, đổi mới, mang lại những hiệu quả tích cực cho một năm mới khởi sắc.
Với cặp rắn hoàn hảo, tác giả thực hiện cách điệu chữ Tỵ thành 2 con rắn lồng vào nhau tạo thành hình vòng tròn thái cực - một biểu trưng triết lý âm dương của triết học phương Đông về sự biến dịch, quy luật vận hành của vũ trụ.
Mang thông điệp về sự trọn vẹn, hoàn hảo, may mắn trong năm mới. Riêng rắn du xuân, mặc dù vẫn là chữ Tỵ nhưng ông đã tạo hình chú rắn lao về phía trước, báo hiệu một năm mới với những thành công mới, hứa hẹn sự an lành, và hạnh phúc.
Cuối cùng là bức thư pháp với tên gọi rắn thần dược. Lấy ý tưởng từ biểu trưng ngành y tế, thầy Tín dùng chữ T tạo thành cây gậy thần nguyệt quế (theo truyền thuyết gậy nguyệt quế của vị thần Etquylap - Hy Lạp là vị thần y, điều hành sức khỏe - PV) và chữ Y tạo thành hình con rắn quấn quanh cây gậy thần (biểu hiện của sự thận trọng, khôn khéo, điều hòa tinh thần và thể xác, có công chống lại dịch bệnh) thể hiện tình trạng sức khỏe hoàn hảo của các nhà hiền triết cổ đại.
Do đó, các thầy thuốc và dược sĩ châu Âu đã lấy hình tượng con rắn và gậy thần làm biểu trưng cho ngành y tế. Hình ảnh chữ Tỵ thay cho lời chúc sức khỏe trong năm mới, nên hình rắn rất to khỏe, chắc chắn.
Để thư pháp Việt thăng hoa
![Rắn âm dương. doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-3.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f60037424819c01441992079b134bacee1842f4d5b90581d334bbdabb21d74a7eb779d7fc355593efe5eafd339bf9f0eda5a50e/doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-3.jpg)
Viết chữ nghệ thuật - thư pháp (Calligraphy - calligraphie - kalligraphiia) từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới coi trọng và xem là một loại hình “nghệ thuật cao cấp”, là biểu tượng thẩm mỹ của nền văn hóa dân tộc ở một số nước phương Đông. Thư pháp Trung Hoa được xem là “linh hồn của mỹ thuật”, ngang với nền nghệ thuật hội họa, âm nhạc.
Ở Nhật Bản, thư pháp được nâng lên thành Đạo - thư Đạo (Shodo), vượt khỏi khả năng thông tri để chuyển tải nội dung tâm pháp. Đối với các quốc gia Hồi giáo, sử dụng chữ Ả Rập, họ xem thư pháp là “nghệ thuật thị giác hàng đầu” và trở thành một phần trang trí chính trong các thánh đường Hồi giáo, lâu đài, trường học, dinh thự.
Đặc biệt, ở Tây Tạng, thư pháp được trân trọng và xem là linh tự của phương Đông, trở thành một pháp môn trong tu tập. Có thể nói, nghệ thuật thư pháp có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên thế giới.
Thầy giáo Nguyễn Hiếu Tín cho rằng, chữ Hán vốn là chữ tượng hình nên bản thân mỗi văn tự với những chấm, phẩy, sổ, ngang, khung, mác... hợp thành đã trở thành bức tranh sinh động, hay hình tượng cụ thể nào đó là điều đương nhiên.
Nhưng đối với chữ Latinh không có sự mô phỏng như chữ Hán, là chữ tượng thanh nhưng các nhà thư pháp Việt Nam vẫn có thể linh hoạt làm “thư pháp hóa” thành những hình tượng tuyệt vời, không kém phần nghệ thuật. Khuynh hướng sáng tác này ngày càng xuất hiện trong nhiều tác phẩm thư pháp chữ Việt.
Thầy Tín là một trong những người tìm tòi, sáng tạo, tìm hướng đi mới cho nghệ thuật này mà ông gọi là họa tự (vẽ chữ). Họa tự và thư pháp tuy cùng nói về nghệ thuật của chữ viết nhưng có điểm khác.
![Rắn thần dược. doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-5.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f60037424819c01441992079b134bacee1842f4d5b90581d334bbdabb21d74a7eb779d7aecac5104116568552772b7c8f664191/doc-dao-bo-thu-phap-ngu-xa-thu-5.jpg)
Trong khi thư pháp thiên về viết chữ đòi hỏi có sự ngẫu hứng sáng tạo, họa tự lại thiên về vữ chữ và cần nhiều ý tưởng sáng tạo, nó mang tính ước lệ nhiều hơn so với thư pháp. Chính điểm khác biệt này đã góp phần làm phong phú và độc đáo trong nghệ thuật viết chữ Việt Nam.
Do đó, khi thể hiện họa tự, đòi hỏi ý tưởng sáng tác khó hơn nhiều so với thư pháp. Với mỗi chữ, thầy giáo phải mất một tuần mới viết tạo ra hình, vì không chỉ cần tài năng điêu luyện của đôi bàn tay mà đòi hỏi cần phải có sự tinh tế.
Chưa kể, tác giả cần tìm tòi tra cứu tư liệu, hình ảnh và đặc biệt là phải biết đặc tính của con vật mà mình muốn thể hiện để đảm bảo cái hồn của linh vật đó mặc dù bằng những ký tự chứ không phải bằng hình vẽ.
Theo thầy Nguyễn Hiếu Tín, thư pháp, thư họa, họa tự đều có chung một ý nghĩa là nghệ thuật của chữ viết. Cụ thể hơn, nếu thư pháp thiên về viết chữ, thư họa thiên về vẽ tranh và ngẫu hứng sáng tạo, thì họa tự thiên về vẽ chữ và cần nhiều ý tưởng sáng tạo.
Họa tự mang tính ước lệ, tượng trưng hơn so với thư pháp, yêu cầu người sáng tác phải xem nhiều tài liệu về linh vật, có tư duy tạo hình, kết hợp đường nét của chữ khớp với hình thể thì mới tạo ra được tác phẩm phong phú và độc đáo. Bên cạnh đó, họa tự có độ khó riêng vì phải đảm bảo bút pháp tự nhiên, thanh thoát, chữ phải có hồn và không quá gượng ép.
Hình tượng 12 con giáp với muôn vàn dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, đã từng xuất hiện trong thơ ca, văn học, hội họa, điêu khắc và kiến trúc chùa chiền của các thời đại. Những họa tự về 12 con giáp của thầy giáo Tín cũng thể hiện phần nào bản sắc văn hóa Việt.
Với những hình ảnh này được xuất hiện trong thư pháp Việt bằng những nét đột phá, cách tân góp phần khai phá nền thư pháp cổ điển, mở ra một hướng đi mới, phong cách mới trong họa tự của nước ta.
Theo thầy Nguyễn Hiếu Tín, thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ thích, dám theo đuổi và cảm nhận được thư pháp là tín hiệu tốt, đáng quý, cần khuyến khích và có sự đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, nhà thư pháp này khuyên người chơi phải biết khiêm tốn, kiên trì và nhẫn nại, luôn trau dồi kiến văn, giao lưu, học hỏi ở những người đi trước. Tránh để nghệ thuật thư pháp mất đi sự đam mê mà trở thành thương mại hóa, làm con chữ viết ra sẽ mất “thiêng”.
“Trong năm Ất Tỵ, tôi dự định ra mắt những quyển sách về hình rắn trong các nền văn hóa, ấn phẩm về thư pháp do chính tôi viết và cống hiến những sáng tác nghệ thuật độc đáo của thư pháp Việt để lan tỏa nghệ thuật thư pháp của nước ta đến với tất cả mọi người trong nước và thế giới”, thầy Tín chia sẻ.
“Quá trình phát triển của nghệ thuật luôn có sự vận động để thích ứng với hoàn cảnh của thời đại. Nghệ thuật thư pháp chữ Việt đã minh chứng rõ nét điều đó trong những năm gần đây. Tuy thư pháp chữ Việt hiện nay còn “non tuổi”, đang định hình về phong cách, nhưng tôi nghĩ sẽ hứa hẹn nhiều điều thú vị ở tương lai”, ThS Nguyễn Hiếu Tín nhận định.