Đoàn tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có về nước vào tháng 7/2020?

Đoạn trên cao gần nhà ga S1 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội
Đoạn trên cao gần nhà ga S1 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Ngày 28/5, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện đạt hơn 62% tiến độ tổng thể (đoạn đi trên cao và ngầm, Depot), trong đó đoạn đi trên cao đạt hơn 73%.

Theo kế hoạch, đoàn tàu đang được sản xuất, chế tạo tại Pháp sẽ được đưa về dự án vào tháng 7/2020 để vận hành thử, trước khi khai thác đoạn trên cao vào tháng 4/2021. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ dự án đang bị ảnh hưởng, khả năng lùi thời hạn đưa đoàn tàu về nước.

“Từ giữa tháng 2/2020, dự án bắt đầu bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt là gói thầu thiết kế, sản xuất và lắp đặt tàu, do đa phần thiết bị được sản xuất và nhập khẩu từ Pháp, bị chậm tiến độ sản xuất, chế tạo, nghiệm thu và vận chuyển thiết bị. Nhóm chuyên gia thiết kế của nhà thầu tại Pháp phải cho nhân viên nghỉ do dịch nên các chuyên gia nhà thầu chưa thể sang Việt Nam làm việc”, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội thông tin.

Bên cạnh đó, gói thầu thi công đoạn tuyến trên cao và Depot cũng bị chậm do nguồn cung cấp thiết bị, vật tư trong nước và nhập khẩu bị thiếu hụt. Một số ga đoạn trên cao đang gặp vướng mắc, xung đột về mặt bằng thi công tại vị trí chân cầu thang nhà ga.

Đoàn tàu tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được sản xuất, chế tạo tại Pháp

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cũng cho biết, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đi thị sát, kiểm tra thực tế thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Tại đây, ông Hùng yêu cầu các địa phương cuối tháng 6/2020 phải hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng; tháng 12/2020, đoàn tàu đầu tiên phải về đến Hà Nội; tháng 1/2021 bắt đầu thi công đào ngầm đoạn tuyến đi ngầm.

Dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.

Theo tiến độ điều chỉnh mới nhất của UBND TP.Hà Nội, thời gian thực hiện dự án 2009-2022, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, còn đoạn đi ngầm vào tháng 12/2022.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Ảnh minh họa ITN.

Dục tốc bất đạt

GD&TĐ - Đầu mùa tuyển sinh 2024, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố loạt kết luận liên quan đến việc mở và đào tạo ngành học mới với nhiều trường đại học.