Hiện nay, toàn tỉnh có 460 cơ sở giáo dục; trong đó, riêng giáo dục mầm non, phổ thông có 441 cơ sở với quy mô trên 6.620 lớp, trên 211.800 học sinh.
Thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 127 trường, giảm 376 điểm trường; giảm 200 lớp, tăng trên 16.600 học sinh, tăng trên 8.500 học sinh bán trú;
Công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ được duy trì và nâng cao chất lượng; số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 47%; Công tác phân luồng học sinh sau giáo dục THCS và THPT đã có chuyển biến tích cực.
Chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao, năm học 2018 - 2019 Yên Bái có 24 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, trong đó, có em Nguyễn Đình Hoàng lớp 12 chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là 1 trong 4 học sinh của cả nước tham gia kỳ thi Olympic quốc tế lần thứ 51 môn Hóa học tại Cộng hòa Pháp.
Những năm qua, công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất; việc thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên, học sinh đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đúng quy định.
Đồng chí Vương Văn Bằng-Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ tại buổi làm việc.
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Sở GD&ĐT đã làm việc với Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại công nghiệp Việt Trì triển khai các bước để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế…
Tuy nhiên, tỷ lệ chuyên cần của học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; tỷ lệ giáo viên hiện có so với định mức chưa đảm bảo theo quy định và mất cân đối về cơ cấu; việc đầu tư xây dựng cơ bản ở một số huyện còn dàn trải, nhất là đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú…
Đồng chí Dương Văn Thống - Phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được của ngành GD&ĐT trong thời gian qua.
Đồng chí yêu cầu thời gian tới, ngành GD&ĐT cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện có hiệu quả Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020;
Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao đạo đức nhà giáo, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; đặc biệt quan tâm đến chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước mắt đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh ngành GD&ĐT Yên Bái cần chuẩn bị tốt các điều kiện cho kết thúc năm học 2018-2019, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.