Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV họp từ ngày 20-29/7/2016 đã tiến hành các nội dung quan trọng. Đó là: Xem xét quyết định tổ chức nhân sư cấp cao của nhà nước; bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; xem xét điều chỉnh chương trình thông qua Luật, dự án Luật trong năm 2016, 2017; thông qua nghị quyết chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017.
Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri đã thể hiện sự thống nhất cao với những nội dung của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, cử tri đặc biệt tâm đắc với bài tuyên thệ nhậm chức của những người đứng đầu Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Coi đây chính là những cam kết trước nhân dân và tin tưởng sẽ biến thành hành động trong thực tiễn.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung dành sự quan tâm cho những vấn đề lớn của đất nước như chủ quyền quốc gia, quản lý vốn vay ODA, tình trạng tham nhũng, lãng phí, kỷ cương phép nước, chất lượng cán bộ…
Những vấn đề gần gũi với đời sống của cử tri như chế độ chính sách với lực lượng thanh niên xung phong, vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng được đề cập với mong muốn các cấp, các ngành và địa phương có sự quan tâm đúng mức.
Đối với ngành giáo dục, cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa đến việc thiết kế chương trình và giảng dạy môn Lịch sử cho các cấp học, đưa môn học này trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT hàng năm. Ngoài ra, cử tri cũng quan tâm tới vấn đề đánh giá học sinh, thông tư 30, chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện cùng cử tri huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định
Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi lại theo từng vấn đề, nhóm vấn đề mà cử tri quan tâm. Các vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết, Bộ trưởng hứa sẽ trình lên Quốc hội và làm việc với các bộ, ngành liên quan để có hướng giải quyết.
Riêng các vấn đề của ngành, Bộ trưởng đã có ý kiến trả lời hết sức cụ thể. Đó là việc sẽ quan tâm hơn nữa tới việc đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức giảng dạy môn Lịch sử, để việc học Lịch sử sẽ trở thành nhu cầu tự thân của học sinh. Đó là việc Bộ đang trong quá trình chỉnh sửa, bổ sung Thông tư 30 và sẽ chính thức công bố trong thời gian tới. Đó là những nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo mà ngành đã và đang triển khai như quy hoạch lại mạng lưới trường lớp; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục; quan tâm phát triển cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp học, công tác phân luồng, hướng nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…