Với vị trí đắc địa, được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và là một trong những công trình trọng điểm nhân dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội là công trình văn hóa nổi bật của thành phố nằm gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Vậy nhưng, mới đây Thủ tướng chính phủ đã quyết định điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quản lý thay cho UBND TP Hà Nội, với lý do bảo tàng đã khánh thành 10 năm vẫn chưa thể mở cửa đón khách. Câu chuyện Bảo tàng Hà Nội chỉ là một ví dụ, đa số bảo tàng ở Việt Nam đang ở trong tình trạng đìu hiu vắng khách.
Cảnh đìu hiu tái diễn nhiều năm nay để rồi câu nói “Bảo tàng vắng như chùa Bà Đanh” trở thành câu cửa miệng. Vì đâu nên nỗi mà nhiều năm rồi chúng ta vẫn loay hoay tìm lối thu hút khách cho bảo tàng?
“Hiện vật cần phải được công chúng tiếp cận, chiêm ngưỡng, cần được khai thác phát huy nhưng để có một bảo tàng trưng bày hoàn chỉnh tuỳ thuộc vào mức kinh phí”.
Thiếu kinh phí không phải câu chuyện riêng của hai bảo tàng này. Với khoảng kinh phí trung bình từ 300-500 triệu đồng/ năm cho 1 bảo tàng thì theo các chuyên gia không đủ để trang trải hoạt động thường xuyên như bảo quản, nghiên cứu, sưu tầm hiện vật chứ chưa nói đến các cuộc trưng bày chuyên đề, hoạt động trình diễn, trải nghiệm khiến hoạt động của nhiều bảo tàng rơi vào ngõ cụt.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng không kém khiến bảo tàng hoạt động không hiệu quả, theo T.S Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu văn hoá Thăng Long, đó chính là chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tàng hiện nay. “Hạn chế lớn nhất vẫn là do những người làm văn hoá, những người làm bảo tàng chưa thích ứng kịp với sự biến đổi của đời sống xã hội. Đó mới là quan trọng”, TS Nguyễn Viết Chức cho biết.
Hoạt động của bảo tàng hấp dẫn bởi có thể đánh thức những hiện vật bằng ngôn ngữ của bảo tàng để có thể kéo công chúng đến gần hơn với lịch sử. Thế nhưng thực tế ở phần lớn các bảo tàng hiện nay những câu chuyện kể chưa thực sự sống động, chưa hấp dẫn do thiếu sự đầu tư thực sự, thậm chí có hướng dẫn viên nói như đọc, rời rạc và không có hồn. Vậy làm sao có thể khiến hiện vật nhảy múa trong tâm trí người xem.
Một điểm đáng buồn nữa là hiện nay việc giải thích bàn luận một cách am hiểu, cặn kẽ sâu sắc bằng tiếng Anh cho khách quốc tế còn rất hạn chế. Một cán bộ công tác trong ngành bảo tàng tại TP HCM thừa nhận: “Với những vị khách nước ngoài có nghiên cứu, sau khi tham quan bảo tàng, họ rất muốn nói chuyện với những người có chuyên môn. Ở các bảo tàng nước ngoài, điều đó rất là dễ dàng nhưng ở Việt Nam thì còn nhiều hạn chế”.
Cùng với yếu tố con người, điều hấp dẫn công chúng là công tác trưng bày và những thông tin về hiện vật. Nhưng thực tế ở nhiều bảo tàng hiện nay, các hiện vật chỉ vẻn vẹn một cái tên: “Đầu rồng đất nung thế kỉ XII”, “Bình vôi gốm thế kỉ XVII”,…khiến người xem ngán ngẩm. Bởi muốn biết phải tìm hiểu thêm nhiều thông tin nữa và phải ước ao.
Thiếu kinh phí, thiếu nguồn nhân lực, thiếu chỗ trưng bày, thiếu công nghệ hỗ trợ tương tác,…Tất cả đều không sai nhưng chưa phải là tất cả. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia đầu ngành về bảo tàng, người đã dành nhiều tâm huyết cho hoạt động bảo tàng và cũng là người nhiều năm gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển của Bảo tàng Dân tộc học thì nguyên nhân cốt lõi nhất đó chính là vai trò của bảo tàng chưa được đánh giá đúng từ phía những nhà quản lý.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ: “Điều tôi muốn nói là sự nhận thức về bảo tàng và nhận thức về việc đầu tư cho bảo tàng chưa đúng tầm. Nếu như chúng ta làm cho bảo tàng phát huy được vai trò, vị trí là trung tâm văn hoá, nơi giới thiệu về lịch sử văn hoá và ở đó sẽ thu hút người dân địa phương và khách quốc tế đến thưởng thức, chiêm ngưỡng thì chúng ta sẽ có sự đầu tư đúng đắn. Nơi nào nhận thức được đúng thì người ta đầu tư cho bảo tàng đúng đắn”.
Cũng bắt nguồn từ chính việc chưa hiểu, chưa đánh giá đúng mức về một thiết chế văn hoá quan trọng là bảo tàng nên dẫn đến nhiều hệ luỵ như việc đầu tư chưa xứng tầm, thậm chí chưa đúng chỗ. Đó cũng là nhận định của T.S Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu văn hoá Thăng Long. “Xây bảo tàng người ta chỉ nghĩ đến xây cái nhà, cái vỏ của bảo tàng mà không nghĩ đến hoạt động của bảo tàng phải như thế nào để hấp dẫn. Như vậy tiền đầu tư đôi khi chỉ đầu tư vào chuyện xây cái vỏ. Nhân đây tôi muốn nói những nơi nào xây dựng bảo tàng thì hãy xây trước nội dung của bảo tàng, cách thức hoạt động của bảo tàng chứ dành tiền xây vỏ bảo tàng thì sẽ thất bại. Hãy dành tiền sưu tầm cổ vật, xây dựng kịch bản trưng bày”, T.S Nguyễn Viết Chức nhận định.
Đành rằng “cái khó bó cái khôn”, nhà quản lý chưa đánh giá đúng vai trò của bảo tàng, kinh phí đầu tư còn nhỏ giọt, trưng bày chưa hấp dẫn, công chúng chưa mặn mà. Tất cả những điệp khúc buồn này tạo nên khung cảnh đìu hiu vắng lặng của hầu hết các bảo tàng trên toàn quốc. Nhưng phải đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Huy rằng không nên đổ lỗi cho bất cứ điều gì khi chúng ta chưa tạo nên sản phẩm bảo tàng có chất lượng./.