Điều trị thành công bệnh nhân 7 tháng ngủ ngồi

GD&TĐ - Bệnh viện Quân y 175 vừa điều trị thành công ca bệnh 7 tháng liên tiếp ngủ ngồi vì hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

Trung uý, bác sĩ Nguyễn Công Trường theo dõi tình trạng của bệnh nhân sau thở máy.
Trung uý, bác sĩ Nguyễn Công Trường theo dõi tình trạng của bệnh nhân sau thở máy.

Vừa qua, Khoa lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân Lưu X. T., 70 tuổi, với biểu hiện không thể nằm được do ho và khó thở và phải ngủ ở tư thế ngồi 7 tháng liên tiếp.

Trước đó, bệnh nhân T. được Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận trong tình trạng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày và không thể nằm do khó thở, chất lượng cuộc sống giảm sút nặng. Bệnh nhân đã đi khám tại nhiều bệnh viện và thực hiện rất nhiều xét nghiệm khác nhau tuy nhiên không chẩn đoán được nguyên nhân.

Do đó, đã được chẩn đoán và điều trị theo nhiều bệnh khác như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; Hen phế quản; Xơ phổi… nhưng triệu chứng bệnh không cải thiện và ngày càng tiến triển nặng.

Theo Trung uý, bác sĩ Nguyễn Công Trường - Khoa Lao và Bệnh phổi, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân T., sau khi nhập viện, qua thăm khám kĩ và hội chẩn khoa đã nghi ngờ bệnh nhân có hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

Sau đó, bệnh nhân được hội chẩn chuyên môn và thực hiện kĩ thuật đo đa ký giấc ngủ. Kết quả đã xác định chẩn đoán hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ mức độ nặng, với chỉ số ngưng thở khi ngủ cao.

Bệnh nhân đã được tiến hành can thiệp điều trị bằng hỗ trợ thở máy áp lực dương liên tục không xâm nhập (CPAP) và đáp ứng tốt.

Hiện tại sau điều trị, bệnh nhân đã nằm được tư thế bình thường, ngủ ngon giấc hơn, chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt và xuất viện.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Công, Trưởng khoa Khoa Lao và Bệnh phổi: “Máy thở CPAP giúp tạo ra một dòng khí áp lực dương, liên tục thổi vào đường hô hấp.

Áp lực khí giúp nâng đỡ cơ vùng hầu họng và đường hô hấp, không cho cơ xẹp xuống.

Do đó, đường thở của người bệnh luôn được mở thông và đảm bảo cho quá trình hô hấp không bị tắc nghẽn. Máy sẽ được nối với bệnh nhân bằng sonde mũi, cannula mũi hoặc mặt nạ.

Triệu chứng ngưng thở tắc nghẽn chỉ xảy ra chủ yếu khi đang ngủ, do đó người bệnh chỉ sử dụng máy hỗ trợ mỗi khi đi ngủ”.

Trung uý, Th.s Bác sĩ Trịnh Đức Lợi- Khoa Lao và Bệnh phổi, BVQY175 khuyến cáo: “Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là mặt bệnh còn tương đối mới ở Việt Nam, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tim mạch trầm trọng như tăng huyết áp kháng trị, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải, đột quỵ, tăng tỉ lệ đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Đặc biệt, bệnh nhân cảm thấy luôn mệt mỏi, giảm khả năng tập trung và làm giảm hiệu quả công việc. Đồng thời, cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tai nạn giao thông khi lái xe và tai nạn nghề nghiệp”.

“Vì vậy, khi bệnh nhân có yếu tố nguy cơ và triệu chứng nghi ngờ như thừa cân, ngủ ngáy, giảm khả năng tập trung ban ngày, thường xuyên buồn ngủ… cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám và thực hiện kĩ thuật đo đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán và điều trị sớm để giảm thiểu các biến chứng nặng hoặc tai nạn liên quan”, bác sĩ Lợi chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ