Điều tra bổ sung vụ việc “chuyển giao” giữa Grab và Uber tại Việt Nam

GD&TĐ - Theo Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam đã nghiên cứu hồ sơ và tiến hành nhiều phiên làm việc để các bên liên quan trình bày quan điểm về những vấn đề pháp lý, cũng như thực tiễn. 

Chuyển giao giữa Uber và Grab đã hoàn tất từ năm 2018, nhưng đến nay cơ quan chức năng Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vẫn tiếp tục điều tra về hành vi tập trung kinh tế
Chuyển giao giữa Uber và Grab đã hoàn tất từ năm 2018, nhưng đến nay cơ quan chức năng Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vẫn tiếp tục điều tra về hành vi tập trung kinh tế

Xét thấy có một số tình tiết mới phát sinh từ các thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp, hồ sơ vụ việc đã được trả để Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) điều tra bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có thời hạn là 60 ngày (kể từ ngày ban hành Quyết định số 08/QĐ-HĐCT) để tiến hành các trình tự liên quan tới việc điều tra bổ sung.

Đầu năm 2019, cơ quan chức năng cũng đã có quyết định thành lập Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam. Theo đó, 2 doanh nghiệp bị điều tra là: Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam. Trước đó, sau khi làm việc với Công ty GrabTaxi Việt Nam xung quanh vấn đề liên quan đến hành vi tập trung kinh tế, tháng 4/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức làm việc với đại diện hợp pháp của Công ty Uber Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Uber cho biết từ 23 giờ 59 phút ngày 8/4/2018, Uber đã chính thức chấm dứt hoạt động của ứng dụng Uber tại Việt Nam và hiện tại Văn phòng Uber Việt Nam cũng đã đóng cửa. Như vậy, giao dịch tập trung kinh tế giữa Grab và Uber đã chính thức hoàn tất tại thị trường Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ