Diệu kỳ những em bé được sinh ra 2 lần

Nhiều người khi con quấy quá thường thốt lên rằng phải chi có thể phẫu thuật nhét “nó” trở lại vào bụng, và cứ nghĩ là mình chỉ đang nói chơi mà thôi.

Diệu kỳ những em bé được sinh ra 2 lần
Hóa ra, vượt ngoài tưởng tượng của chúng ta, việc đưa con ra rồi nhét trở lại vào bụng là có thật! Dạng phẫu thuật này đã và đang được thực hiện, nhờ tay nghề của các bác sỹ cũng như sự hỗ trợ của các thiết bị, công nghệ hiện đại.
phẫu thuật thai nhi
(Ảnh: Internet)

Năm 2009 tại bệnh viện Wuhan Tongji, Trung Quốc, đã diễn ra một ca phẫu thuật hy hữu: Sản phụ tên Zhang, 32 tuổi ở Hubei, mang thai đến tuần thứ 31 thì bất ngờ nhận được tin thai nhi có vấn đề. Gia đình và các bác sỹ quyết định thực hiện ca phẫu thuật đầy nguy cơ: đưa bé ra khỏi tử cung của mẹ, thực hiện phẫu thuật, sau đó đưa lại vào bụng mẹ để tiếp tục nuôi dưỡng cho đủ tháng đủ ngày.  
Sau khi phẫu thuật, các bác sỹ bơm lại nước ối vào để tiếp tục nhiệm vụ bảo bọc thai nhi - việc làm này mang nhiều rủi ro, không chấp nhận dù chỉ một sai sót nhỏ nhất nào, bởinhau thai nằm ở đáy tử cung, nếu bơm nước vào quá nhanh hoặc không đúng lực, đúng cách sẽ rất dễ khiến nó bị bong khỏi thành tử cung, cắt đứt nguồn cung cấp máu và dưỡng chất cho thai nhi. Nếu tình huống này xảy ra, bác sỹ chỉ có thể cắt cuống rốn, đưa hẳn thai nhi ra ngoài như một ca sinh non chứ không thể đưa trở ngược vào tử cung của mẹ. 
Trước đó 1 năm, cũng đã có một thai nhi được cứu sống theo cách tương tự khi vợ chồng Chad và Keri McCartney - sống tại Laredo, bang Texas (Mỹ) - đi siêu âm thăm dò giới tính thai nhi ở tuần thứ 23 thì phát hiện một khối u trên cơ thể con mình. Tuy không phải ung thư nhưng với kích thước khá lớn, khoảng bằng quả bưởi, nếu không nhanh chóng loại bỏ thì khối u này sẽ tranh giành lượng máu mà thai nhi cần để phát triển và có thể chấm dứt thai kỳ một cách đầy đau đớn. 
Quyết định hành động nhanh để cứu con, chị Keri cần được gây mê rất sâu, gấp 7 lần so với trong các ca phẫu thuật khác. Ca phẫu thuật được gấp rút thực hiện liền sau đó chỉ trong vòng 20 phút - bao gồm tìm vị trí tử cung để có thể mở một cách an toàn, không ảnh hưởng đến nhau thai, đưa thai nhi ra, cắt bỏ khối u, rồi đưa trở lại bụng mẹ, trong khi đó phải bảo đảm dịch ối không bị thất thoát để tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ trong 10 tuần sau đó, đến khi bé Macie Hope McCartney chính thức chào đời.
phẫu thuật thai nhi
(Ảnh: Internet)

Việc phẫu thuật hở như kể trên, được thực hiện lần đầu vào năm 1981, cho đến nay vẫn rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con - người mẹ có nguy cơ sinh non, những thai kỳ tiếp theo sẽ buộc phải sinh mổ; còn thai nhi khi đưa ra khỏi tử cung của mẹ sẽ có nguy cơ cao bị ngưng tim. Vậy nên không có nhiều người chấp nhận phương án điều trị này, phần lớn là người chồng, người cha muốn từ chối nguy cơ cao đến với cả vợ và con mình, tuy rằng có những trường hợp đây là lựa chọn đem lại nhiều cơ hội nhất.
Trong những trường hợp khả dĩ hơn, các bác sỹ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi cho thai nhi - là một hình thức can thiệp khác, ít rủi ro hơn do không phải lấy thai nhi ra nhưng vẫn là điều thần kỳ khó tưởng. Việc phẫu thuật sẽ được thực hiện với ống nội soi xuyên qua cơ tử cung đến nơi cần can thiệp. Chẳng hạn vào cuối tháng 10/2014, truyền thông Ấn Độ đã đưa tin về kỳ tích phẫu thuật tim cho thai nhi 27 tuần tuổi bị dị dạng tim nghiêm trọng. “Lúc thai nhi 25-26 tuần, tâm thất trái bắt đầu xấu đi, bị hẹp lại, và vấn đề này sẽ không thể khắc phục bằng phẫu thuật sau khi sinh,” Tiến sỹ Nageswara Rao, trưởng khoa tim nhi, cũng là trưởng kíp phẫu thuật cho biết. “Thường trong trường hợp này, người mẹ sẽ được khuyên phá thai nhưng chúng tôi đã đề nghị can thiệp để cứu bé.”
Một kỳ tích khác cũng xảy ra vào năm 2007, với thai nhi còn nhỏ hơn: mới chỉ tuần thứ 20, và mẹ của bé bị vỡ ối. Không còn sự bảo vệ của khối nước ối, phổi của bé có nguy cơ ngừng phát triển do bị các cơ quan nội tạng khác đè lên, không những thế còn bị tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng và đe dọa đến mạng sống. Các bác sỹ tại bệnh viện Đại học Bonn đã thực hiện phương pháp phẫu thuật được áp dụng lần đầu tiên trên thế giới với thai nhi trong bụng mẹ: đưa một thiết bị mổ chuyên dụng có kích thước chỉ nhỏ bằng đầu bút bi vào màng thai qua một rãnh nhỏ trên bụng của người mẹ, sau đó đưa qua miệng và khí quản của thai nhi trước khi một quả bóng rất nhỏ được bơm phồng lên, chặn ở đường hô hấp để ngăn dịch phổi thoát ra ngoài, thay vào đó được giữ tạo áp lực kích thích phổi phát triển. Thai nhi sau đó được sinh ở tuần thứ 33, và được cho về nhà sau hai tuần chăm sóc đặc biệt.
Theo ttvn.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ