Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ngủ quá ít hoặc quá nhiều?

GD&TĐ - Theo một tuyên bố từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể tăng lên khi con người ngủ quá ít hoặc quá nhiều.  

Rối loạn giấc ngủ có liên quan đến bệnh tim mạch (Ảnh: KT)
Rối loạn giấc ngủ có liên quan đến bệnh tim mạch (Ảnh: KT)

Một nhóm bác sĩ hàng đầu Hoa Kỳ cho biết, giấc ngủ bất thường được gắn với một loạt vấn đề về sức khỏe, như tiểu đường và béo phì – có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bác sĩ Marie St-Onge, thuộc Đại học Columbia ở New York cho biết: “Chúng tôi không chắc chắn về lượng thời gian cần thiết cho giấc ngủ để giảm thiểu nguy cơ bệnh tim. Tuy nhiên, nếu chúng ta ngủ ít hơn 7 tiếng hoặc nhiều hơn 9 tiếng mỗi đêm thì nguy cơ mắc tim mạch sẽ rất cao”.

Nghiên cứu trước đó cho thấy, giấc ngủ bất thường có thể làm tăng rủi ro rối loạn tim mạch như tắc động mạch, cao huyết áp, nhịp tim không đều và đột quỵ; cũng như các vấn đề trao đổi chất như cholesterol cao, béo phì và bệnh tiểu đường.

“Chắc chắn có một vòng luẩn quẩn liên quan tới giấc ngủ và các bệnh mãn tính. Giấc ngủ dở có thể làm tăng nguy cơ béo phì, từ đó quay lại gây nguy cơ rối loạn giấc ngủ" – bác sĩ Marie St-Onge nói.

Phần lớn các nghiên cứu khoa học về giấc ngủ và sức khỏe tim mạch đều tập trung vào triệu chứng mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ.

Một người được chẩn đoán bị chứng mất ngủ khi họ cảm thấy khó khăn khi rơi vào trạng thái buồn ngủ, hoặc khó ngủ ít nhất 3 đêm trong 1 tuần trong vòng ít nhất 3 tháng.

Ngừng thở khi ngủ được chẩn đoán khi một người nào đó có trung bình nhiều hơn 5 lần tạm dừng thở, có thể kéo dài vài giây đến vài phút trong mỗi giờ của giấc ngủ. Những “tạm dừng” này phổ biến là do đường thở hẹp.

Các bác sĩ khuyên, nếu bệnh nhân cảm thấy không có giấc ngủ ngon hãy tìm đến bác sĩ ngay, không nên chờ đợi bác sĩ để hỏi về giấc ngủ của mình.

Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50 – 70 triệu người Mỹ trưởng thành thường xuyên ngủ không đủ giấc hoặc mắc chứng rối loạn giấc ngủ.

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ