Điều gì khiến ông bố Hà Nội thay đổi suy nghĩ “đích tôn phải có con trai“?

Anh Quốc Anh thú nhận ngày biết vợ không mang bầu con trai, anh cố giấu nỗi buồn. Nhưng giờ anh hạnh phúc vì có con gái.

Điều gì khiến ông bố Hà Nội thay đổi suy nghĩ “đích tôn phải có con trai“?

Chia sẻ của anh Trương Quốc Anh, 33 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội, về việc "có con gái sướng nhất đời" đang gây sốt trên mạng xã hội với hàng chục nghìn lượt yêu thích. 

Mình là cháu đích tôn. Nghĩa là theo truyền thống phong tục từ thời các cụ để lại, sẽ là người nối dõi tông đường. Nhiệm vụ nặng nề trên vai được san đều sang 2 bên. Vai trái phấn đấu để bằng anh bằng chị cho gia đình nở mày nở mặt, vai phải không kém phần quan trọng là... làm sao duy trì nòi giống.

Nghe thì đơn giản thôi, nhưng đôi khi đó là sự phấn đấu hy sinh cả đời. Mình lập gia đình năm 30 tuổi, khi đã kiếm được một công việc ổn định và tài sản là một căn nhà riêng. Nhiệm vụ cho quãng đời còn lại là tìm nốt thằng cu để sau còn có đứa chống gậy cho mình...

Anh Quốc Anh dần thay đổi suy nghĩ từ khi có con gái. Ảnh: Q.A.

Anh Quốc Anh dần thay đổi suy nghĩ từ khi có con gái.

Ngày trước làm gì có máy siêu âm 4 chiều hay siêu âm 7 màu gì đó. Mình nghe mọi người kể lại thì khi biết mang bầu, bố mẹ tặc lưỡi: con nào cũng là con, cứ đẻ, chứ quyết không phá, vì trước đó nhà mình đã có 2 chị gái. Đẻ mình bố ngày đó bị phạt lên phạt xuống. Còn mẹ vì mang bầu mà bà bỏ lỡ cơ hội đi tu học bên Liên Xô.

Và cái giá là vậy. Cơ hội phát triển cho bố mẹ cũng khép lại vào cái ngày mình cất tiếng khóc chào đời. Có lẽ tài sản quý giá nhất với bố mẹ ngày ấy chính là mình - đích tôn. Mình nghĩ vậy. 

Lớn lên, mình cũng ám ảnh việc phải sinh ra một thằng cu để tiếp nối truyền thống gia đình. Ngày vợ mang bầu, mình đinh ninh chắc chắn nó là con trai. Mình chỉ hình dung ra những đôi giầy, những bộ quần áo để con trai mặc, rồi đưa con trai đi đá bóng cùng... Chứ tuyệt nhiên không nghĩ sẽ đón chào một bé gái nào cả.

4 tháng mang bầu, vợ chồng lục tục đi siêu âm, khám sức khoẻ. Cái cảm giác hôm đó của mình buồn 9, mà chỉ vui có một  phần. Cái tính mình thẳng, không giấu được biểu cảm.

Đã cố lắm, gắng lắm để vợ không phát hiện. Mà thế nào cứ bị lộ ra. Tự an ủi bản thân, động viên vỗ về vợ và sẵn sàng tư tưởng chào đón thành viên bé nhỏ này. Đã là con mình, dù xấu hay đẹp nó vẫn là thiên thần trong mắt bố mẹ.

Con ra đời trong niềm hân hoan, hạnh phúc của vợ chồng, ông bà 2 bên nội ngoại. Nhưng lại phải thú thật một lần nữa, ngày đó mình vẫn muốn con trai hơn...

Thời gian trôi mà chẳng đợi chờ ai. Con gái giờ đã gần 3 tuổi. Con quấn bố như sam. Hàng xóm, bạn bè ai cũng nói nó giống hệt bố - tức là mình, mẹ chỉ đẻ thuê thôi. Mình cũng vui vì điều ấy. 

Con bé suốt ngày "Quốc Anh ơi, Quốc Anh đút cơm cho Bông ăn đi. Bố tắm cho Bông cơ"; "Quốc Anh ơi, muộn rồi đi ngủ thôi..."... Từ việc ăn, ngủ, vệ sinh, lúc nào cũng phải: "Quốc Anh ơi..."

Và đến giờ phút này, thật lòng mình không quan trọng việc phải kiếm bằng được thằng cu nối dõi nữa. Có đứa thiên thần như này mình hạnh phúc lắm rồi. Và cũng vì con gái đáng yêu quá, bố mẹ mình cũng không quan trọng việc cần cháu trai nữa.

Nếu có cơ hội, mình muốn đẻ thêm 3 đứa nữa. Nhưng công việc chỉ cho một lựa chọn, là đứa thứ 2. Và chắc chắn rằng, mình không hề nặng nề việc phải có thêm một thằng cu".

Chia sẻ với VnExpress, anh Trương Quốc Anh, công tác tại Viện kiểm sát Hà Nội, cho biết anh lập gia đình năm 2015 và hiện có cô con gái dễ thương 3 tuổi tên Trương Bảo Anh. Anh nói từ khi con gái ra đời, anh đã quên mất khái niệm buộc phải sinh một thằng cu để nối dõi, vì bé ngoan ngoãn, thông minh và cực kỳ tình cảm.

"Thời gian đầu bé sinh ra tôi vẫn buồn vì không như mình kỳ vọng. Nhưng càng chăm sóc con, tôi càng cảm nhận sâu sắc tình cảm máu mủ. Mỗi khi tôi đi làm về, con lại chạy ra hét to rồi ôm chặt, còn hạnh phúc nào hơn thế", anh Quốc Anh nói.

Ông bố trẻ cho biết từng ngày, từng phút, anh cảm nhận được sinh con gái là điều tuyệt vời. Cô bé đã khiến anh thay đổi tư duy và quan niệm từ trước tới giờ.

Anh chia sẻ vợ chồng anh dự định sang năm sẽ sinh con thứ hai. "Nếu tiếp tục là con gái thì tôi vẫn vui và vẫn yêu các con. Bố tôi là con trưởng nhưng giờ rất tiến bộ, ông nói không nhất thiết phải có cháu trai. Cháu nào ông vẫn quý và yêu thương như thường", anh Quốc Anh nói.

Giáo sư Vũ Gia Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch, từng chia sẻ với VnExpress rằng những gia đình hiện nay vẫn cố sinh con trai bằng mọi giá là kết quả của một nhu cầu văn hóa lạc hậu.

Đặc biệt, những gia đình dù khó khăn về kinh tế hay sức khỏe vẫn cố có con trai chính là biểu hiện của cái dốt. Theo ông, để giải quyết vấn đề này, không nhất thiết trong gia đình, con cái phải theo họ cha, có thể cho đứa trẻ theo họ của ông ngoại.

Giáo sư dẫn chứng, nước Anh đã rất thành công trong việc này, nên mới có nữ hoàng. Sau đó, con của nữ hoàng lại mang họ ông ngoại để kế vị ngôi vua của dòng họ. 

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.