Nên điều chỉnh trường, không nên điều chỉnh ngành học
Theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tương đối đẹp, thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Từ ngày 19/9, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần duy nhất. Vì thế, nếu điều chỉnh nguyện vọng, các em cần xem lại tổ hợp điểm thi của mình và nên chọn tổ hợp cao điểm nhất.
“Thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19 - 25/9) và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 9 ngày (từ ngày 19 - 27/9). Như vậy, thời gian còn nhiều, các em không nhất thiết phải điều chỉnh ngay, mà nên suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng” - TS Võ Thanh Hải trao đổi.
TS Võ Thanh Hải chia sẻ: Trên cơ sở tham khảo điểm thông báo xét tuyển của các cơ sở đại học, thí sinh mới quyết định có nên điều chỉnh nguyện vọng hay không. Nếu điểm của mình quá gần với điểm xét tuyển của các trường có thể điều chỉnh nguyện vọng bằng cách, chọn những tổ hợp môn nào có điểm cao nhất. Trường hợp điểm thi cao hơn nhiều so với điểm xét tuyển của các trường công bố, các em nên chờ đợi kết quả, không nhất thiết phải điều chỉnh.
“Nếu điều chỉnh nguyện vọng nên điều chỉnh trường, không nên điều chỉnh ngành mình đã chọn. Bởi vì nguyên tắc là các em phải chọn ngành, rồi mới đến chọn trường. Ngành học sẽ quyết định tương lai của các em. Còn trường thì phụ thuộc vào uy tín, chính sách học bổng, cơ hội việc làm với thí sinh” - TS Võ Thanh Hải khuyến cáo.
Đưa ra lời khuyên với các thí sinh khi điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng phòng Công tác Chính trị và HSSV, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Trước hết, thí sinh phải nắm chắc thời gian điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT (cả trực tuyến và bằng phiếu). Thí sinh chỉ được phép sử dụng một trong 2 hình thức điều chỉnh nguyện vọng. Với hình thức trực tuyến, thí sinh cần lưu ý: Số nguyện vọng ĐKXT không tăng so với đăng ký ban đầu. Nếu muốn tăng số nguyện vọng, các em phải sử dụng điều chỉnh bằng phiếu ĐKXT.
“Trước khi điều chỉnh, thí sinh cần xác định được ngành học mà mình có đủ đam mê. Sau đó, các em lựa chọn và phân loại ngành học, nhóm những ngành có liên quan với nhau. Ngoài ra, các em cần tìm hiểu về điểm chuẩn đầu vào những năm trước với từng ngành học của cơ sở đào tạo mình dự định ĐKXT” – TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, đồng thời đặc biệt lưu ý thí sinh cần quan tâm đến ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của các trường đại học. Từ đó, đối chiếu với điểm thi của mình và sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
Không nhất thiết phải điều chỉnh
Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên đặt nguyện vọng đầu tiên là ngành học mà mình yêu thích nhất. Sau đó đến nguyện vọng cùng ngành hoặc nhóm ngành liên quan ở mức ưu tiên thấp hơn. Ngoài ra, các em cũng nên tham khảo thêm những ngành liên quan nhưng có điểm thấp hơn. Chẳng hạn, điểm sàn thấp hơn hoặc điểm trúng tuyển một vài năm gần đây thấp hơn.
“Căn cứ vào điểm của mình, “điểm sàn” của các trường đại học và nguyện vọng của bản thân, các em lựa chọn những ngành nghề, trường học phù hợp nhất với bản thân và hoàn cảnh gia đình” – TS Nguyễn Thanh Bình khuyến nghị, đồng thời trao đổi: Thí sinh không nhất thiết phải điều chỉnh nguyện vọng.
Chẳng hạn, nếu điểm thi đạt ở ngưỡng từ 27 trở lên, các em không cần phải điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, với những thí sinh đạt từ 20 đến dưới 25 điểm, nhưng trước đó các em đăng ký ở những ngành “hot” hoặc ngành Công nghệ thông tin, y khoa… nên tính đến phương án thay đổi nguyện vọng.
Với thí sinh được 20 điểm trở xuống nên xem những trường có “điểm sàn” thấp hơn 2 đến 3 điểm so với tổ hợp điểm mà mình định xét tuyển để có điều chỉnh hợp lý. Các em không nên lựa chọn ngành hoặc trường có “điểm sàn” gần với điểm thi của mình, vì xác suất trượt đại học sẽ rất cao.
Cũng theo TS Nguyễn Thanh Bình, tuyệt đối không nên vừa mở máy tính, vừa xem xét, tìm hiểu các nguyện vọng ĐKXT và các ngành nghề đào tạo. Lưu ý, sau khi điều chỉnh xong, các em nhớ lưu thông tin; bởi thực tế, những năm trước có thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT xong rồi, nhưng không lưu thông tin nên cuối cùng vẫn như ban đầu.