Điều chỉnh nguyện vọng làm sao để không sai sót?

GD&TĐ - Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học là cơ hội đặc biệt để thí sinh đến gần hơn với mục tiêu trúng tuyển của bản thân, nhất là những em có điểm thi không cao hoặc không như dự kiến ban đầu. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để đưa ra quyết định điều chỉnh phù hợp và đúng đắn nhất.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Long An). Ảnh: C.Chương
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Long An). Ảnh: C.Chương

Chọn lối nào

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT), việc điều chỉnh nguyện vọng lần này có ảnh hưởng lớn đến kết quả xét tuyển của thí sinh. Do đó, nếu chủ quan hoặc sơ ý, thí sinh có thể không trúng tuyển nguyện vọng nào hoặc có thể không trúng tuyển vào trường, ngành mà mình mong muốn (dù đủ điểm).

Theo thầy Tuấn, trước khi điều chỉnh, thí sinh nên dành thời gian để xem điểm chuẩn các năm trước ngành của trường mà mình yêu thích và muốn xét tuyển, so sánh với điểm của mình. Năm nay, đề thi có phần dễ hơn năm 2019 nên điểm chuẩn các trường có thể tăng. Vì vậy, các em cần theo dõi điểm sàn xét tuyển của các trường năm 2020. Sau khi xác được nguyện vọng vào các trường, thí sinh chú ý đến việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng.

Theo đánh giá chung, điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 tăng mạnh so với năm 2019, cụ thể là phổ điểm 8, 9 xuất hiện nhiều. Điều này cho thấy, điểm xét tuyển theo tổ hợp của các trường ĐH cũng dự kiến sẽ tăng. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cho rằng: Mức điểm thi ở khối A, B tăng 3,5; khối C, D tăng 2,5 điểm. Do đó, dự kiến điểm chuẩn khối A, B sẽ tăng 3 - 4 điểm; khối C, D tăng 2 - 3 điểm.

Trong tình hình này, Hiệu trưởng HCMUTE lưu ý thí sinh cần cân nhắc về nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH. “Các em nên đăng ký ít nhất 10 nguyện vọng, theo thứ tự ngành khó, trường khó để ở trên; trường dễ, ngành dễ ở dưới” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng đưa ra lời khuyên.

Nhận định về đề thi và Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng: “Một số người có tư tưởng chê bai nhưng theo tôi đề thi chuẩn! Trước tiên, nó phù hợp với việc xét tốt nghiệp. Cần lưu ý là các em đã trải qua một năm học cực kỳ khó khăn vì dịch bệnh nên đề thi cũng phải phù hợp với điều kiện học tập thời gian qua. Chẳng hạn, đề Toán hoàn toàn giúp phân loại tuyển sinh qua các câu khó. Thật ra đề khó dễ cỡ nào cũng xét tuyển vào ĐH được hết. Đề khó thì điểm chuẩn 24 - 25, đề dễ thì 29 - 30…”.

Tương tự, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung – Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho hay: Phổ điểm thi THPT năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 1 - 3 điểm, đồng thời các trường ĐH đều tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ nên dự đoán mức điểm sàn xét tuyển ĐH năm nay sẽ tăng cao, có thể lên đến 3 - 5 điểm. Do đó, việc lựa chọn để điều chỉnh nguyện vọng là một việc làm cần hết sức cẩn thận, vì “sai một ly sẽ đi một dặm”.

“Để bảo đảm cơ hội của bản thân, sau khi nhắm được trường đại học có đào tạo ngành yêu thích, thí sinh nên đăng ký theo 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm ngành và trường mà thí sinh yêu thích nhất. Nhóm thứ hai gồm các trường có điểm xét tuyển tương đương (hoặc chênh lệch không nhiều) điểm so với điểm của bản thân. Cuối cùng, nhóm thứ ba gồm các trường có điểm xét tuyển thấp hơn điểm số của bản thân để tạo “khoảng an toàn” và bảo đảm khả năng trúng tuyển. Thí sinh cũng có thể tham khảo những ngành gần với lĩnh vực mà mình quan tâm - chẳng hạn, thí sinh yêu thích Công nghệ thông tin có thể chọn thêm An toàn thông tin, Hệ thống thông tin mà các trường có đào tạo. Việc trải nguyện vọng ở nhiều mức điểm là giải pháp an toàn giúp thí sinh đảm bảo cơ hội vào đại học”, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng tư vấn xét tuyển ĐH cho HS tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NVCC
PGS.TS Đỗ Văn Dũng tư vấn xét tuyển ĐH cho HS tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NVCC

Có nên chọn trường tốp trên, ngành hot?

Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, vào mỗi mùa tuyển sinh, luôn có những thí sinh chấp nhận chọn những ngành lấy điểm không cao của những trường đại học tốp đầu, trường “hot” vì theo bạn bè hoặc có khi vì… sĩ diện. Tuy nhiên, việc cố gắng theo học một ngành mà bản thân không yêu thích, chỉ khiến các em mệt mỏi, chán nản và áp lực. Trong khi đó, nếu học ngành yêu thích, chắc chắn sinh viên sẽ có cảm giác thoải mái, học tập chủ động và tất nhiên là kết quả cao hơn. Chính vì vậy, điều đầu tiên khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần giữ vững lập trường với ngành học yêu thích - nền tảng đầu tiên để phát triển tối đa bản thân.

Bên cạnh đó, các em nên tìm hiểu những trường đại học có đào tạo ngành yêu thích với mức điểm phù hợp với điểm số của bản thân. Cần lưu ý, do phổ điểm năm nay cao hơn năm 2019 nên điểm chuẩn của các trường dự kiến cũng sẽ tăng 1 - 3 điểm. Do đó, nếu thấy mức điểm của mình cao hơn điểm chuẩn năm ngoái khoảng 1 - 3 điểm thì thí sinh cũng không nên quá chắc chắn về khả năng trúng tuyển. Tốt nhất, thí sinh nên theo dõi điểm chuẩn của trường trong 3 - 4 năm liên tục, đặc biệt là các năm còn tổ chức kỳ thi tuyển sinh tách riêng với kỳ thi tốt nghiệp để có cái nhìn toàn diện nhất, đồng thời ước lượng cho mình một khoảng chênh lệch điểm an toàn hơn nữa.

Đồng thời, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung lưu ý: “Trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh một lần duy nhất. Chọn nguyện vọng như thế nào để cân bằng với “vốn” điểm thi của bản thân và ngành học yêu thích không phải là nhiệm vụ dễ dàng, các em phải cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ càng trước khi lựa chọn và quyết định điều chỉnh. Cùng với điều chỉnh nguyện vọng, tận dụng thêm các phương thức xét tuyển riêng, đặc biệt là phương thức xét tuyển học bạ đang được áp dụng tại nhiều trường đại học, cũng là một cơ hội đáng giá để thực hiện ước mơ vào đại học…”.

Tương tự, TS Nguyễn Anh Tuấn (HUFLIT) lưu ý các thí sinh điều chỉnh trực tuyến cần cẩn thận trong việc chọn trường, ngành và thứ tự nguyện vọng. Việc điều chỉnh trực tuyển chỉ cho phép thực hiện 1 lần duy nhất và không có cơ hội sửa sai. Do đó, việc đăng ký quá ít nguyện vọng có thể dẫn đến rủi ro cho thí sinh.

Ngoài ra, TS Nguyễn Anh Tuấn lưu ý thí sinh nên cân nhắc một số ưu thế về điểm của các môn thi trong việc xét tuyển vào ngành học của các trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.