Điều bất ngờ về hoa hướng dương

GD&TĐ - Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, đó là sự thật hiển nhiên ai cũng biết, nhưng phải mất nhiều thế kỷ cho tới nay, các nhà khoa học mới thực sự tìm hiểu được chính xác nguyên nhân dẫn tới hiện tượng đặc biệt này.

Điều bất ngờ về hoa hướng dương

Một nhóm nghiên cứu cho biết, một bên của thân cây có thể đã phát triển nhanh hơn, tuỳ thuộc vào khoảng thời gian trong ngày, giúp cho phần hoa có thể cử động. Ví dụ như vào buổi sáng, một số gene tập trung với mật độ lớn ở phía Đông thân cây. Đến chiều, thì ngược lại, phía Tây lại nhiều hơn.

Thực tế hoàn toàn khác xa so với những gì mọi người tưởng tượng. Hoa hướng dương sở dĩ luôn hướng về phía Mặt trời chủ yếu do nhịp sinh học bên trong. Chuyển động hàng ngày không chỉ giúp cải thiện kích thước lá mà còn khiến những cây hoa hướng dương trở nên thu hút côn trùng hỗ trợ thụ phấn hơn.

Nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu, Stacey Harmer đến từ Đại học.California, Mỹ khẳng định: "Đây là ví dụ đầu tiên cho thấy đồng hồ sinh học của cây trồng có thể điều chỉnh tốc độ tăng trưởng trong môi trường tự nhiên".

Các nhà nghiên cứu ở Đại học California và Đại học Virginia đã phát hiện thấy rằng việc hoa hướng dương luôn thay đổi vị trí của nó so với sự chuyển động của Mặt trời là để thu hút càng nhiều côn trùng thụ phấn. Họ đã công bố phát hiện của mình trên tạp chí khoa học Science.

Các nhà sinh học ở 2 trường đại học trên đã làm thí nghiệm để xác định chính xác xem khả năng hoa quay về hướng Mặt trời trong ngày có tác động như thế nào đến loài cây này. Để giải thích nguyên nhân trên, Stacey L. Harmer và các cộng sự đã bó một phần hoa lại để nó không thể di chuyển được cũng như quay chậu hoa chỉ định hướng Mặt trời mọc.

Hóa ra khi bị hạn chế vận động, lá hẹp đi hơn 10% so với những cây tự do di chuyển, ngoài ra ở cây chỉ quay về hướng Mặt trời một số côn trùng bay đến thụ phấn đông gấp 5 lần cây chỉ quay về hướng Tây.

Họ cũng quyết định kiểm tra hoạt động của hoa theo cái gọi là đồng hồ sinh học của hướng dương dưới tác động của ánh sáng. Họ bố trí đèn chiếu sáng mô tả ánh sáng Mặt trời theo chu kỳ tắt và bật, nhưng với khoảng cách dài hơn, cỡ 30 giờ/ngày.

Với chu kỳ 30 giờ/ngày, hoa hướng dương không hề phản ứng gì và chỉ vận động theo hướng ánh sáng Mặt trời khi diễn ra chu kỳ ngày đêm 24 giờ. Công trình nghiên cứu này đã giúp cho các nhà khoa học hiểu được nhịp sinh học gắn với những biến động ngày và đêm có ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng của thực vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ