Điệp khúc... xếp hàng!

Điệp khúc... xếp hàng!

Những năm gần đây, dư luận vẫn nhắc tới chuyện tuyển sinh vào lớp đầu cấp, dẫn tới tình trạng "chạy trường", "chạy lớp". Mùa tuyển sinh năm 2009, nhiều trường mầm non vẫn gặp tình trạng quá tải, bức xúc trong tuyển sinh.
 
Từ bốc thăm để xin học Nếu như vài năm trước, tình trạng xếp hàng từ nửa đêm để đăng ký cho con, cháu vào lớp mẫu giáo chỉ có ở vài trường nội thành, giờ đã lan cả về huyện ngoại thành. Năm học trước, tại Trường mầm non Phù Đổng, huyện Gia Lâm, do quá đông học sinh đăng ký học, Ban giám hiệu nhà trường đã phải chọn cách bốc thăm tuyển sinh. Đây chỉ là biện pháp “tình thế” mà nhà trường phải đề ra trong điều kiện “lực bất tòng tâm” dù qui định tuyển sinh không có phương án này. Cũng cảnh ăn trực nằm chờ, cứ đến thời điểm tuyển sinh (từ 1-15/7) là phụ huynh muốn cho con vào học ở các trường mầm non Hoa Hồng, Kim Liên (quận Đống Đa), Hoạ My, Tuổi Thơ, MN A (quận Ba Đình)… lại chen vai sát cánh quyết tâm “mua” bằng được lá đơn xin học cho con. Điều này khiến cho nhiều lớp mầm non, nhà trẻ có sĩ số gấp 2- 3 lần so với qui định. Tại Trường mầm non công lập Kim Liên, theo phản ánh của một số phụ huynh, có lớp ở đây xấp xỉ…70 cháu. Tương tự, các trường mầm non Họa My, Tuổi Thơ (quận Ba Đình) cũng luôn trong tình trạng quá tải học sinh. Thống kê cuối năm học 2007-2008, quận này có hơn 7.000 trẻ học tại 135 lớp mẫu giáo và 26 lớp nhà trẻ công lập. Sĩ số trung bình là 50 trẻ/lớp mẫu giáo và 35 trẻ/lớp nhà trẻ. Nếu thực hiện đúng quy định của Điều lệ trường mầm non, 35 trẻ/lớp mẫu giáo và 25 trẻ/lớp nhà trẻ, quận Ba Đình cần thêm 60 phòng học, tương đương với… 6 trường học. Với sự quá tải như thế này, thì chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở những trường được coi là “điểm” này có thực sự đảm bảo? Phụ huynh biết nhưng cũng “đành ru lòng mình vậy” vì đúng là có nhiều phụ huynh chọn trường “điểm” cho con theo học, nhưng phần lớn phụ huynh cho con theo học chỉ bởi đó là trường đúng tuyến trên địa bàn gia đình họ đang sinh sống.Tới “trắng” trường! Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 775 trường mầm non thuộc nhiều loại hình, trong đó 645 trường công lập; 130 trường tư thục, dân lập, 5 cơ sở mầm non 100% vốn nước ngoài. Tính đến tháng 12.2008, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 26,8%; Trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến trường đạt 83,5%. Tuy nhiên, mạng lưới giáo dục các trường mầm non phân tán nhiều điểm lẻ, nhất là ở khu vực ngoại thành, có trường có tới 10 điểm lẻ. Nhu cầu gửi trẻ của người dân ngày càng nhiều, trong khi đó các trường, nhóm, lớp mầm non thiếu trầm trọng. Hiện có khoảng 17% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và gần 80% trẻ nhà trẻ chưa được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tình trạng mỗi lớp phải “nhồi” từ 60 đến 70 trẻ khá phổ biến ở các huyện. Theo quy định, mỗi phường, xã đều có một hệ thống trường từ mầm non, tiểu học tới THCS. Nhưng chỉ tính riêng khu vực nội thành vẫn còn 6 phường “trắng” trường mầm non công lập, đó là phường Trung Liệt, Láng Thượng, Phương Mai, Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); phường Lê Đại Hành, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Phụ huynh học sinh ở những phường này năm nào cũng khóc dở mếu dở khi đi xin học cho con. Những năm trước, một số trường của địa bàn lân cận còn “linh động” nhận các cháu vào học, nhưng thời gian gần đây, học sinh trên địa bàn họ còn chưa đảm bảo nhận hết, nói gì đến học sinh ngoài địa bàn nên đã từ chối thẳng thừng… Điều này là hoàn toàn đúng qui định, thế nhưng nếu tình trạng “trắng” trường mầm non cứ kéo dài mãi thì học sinh trên địa bàn này phải chịu quá nhiều thiệt thòi, quyền học tập của con em các gia đình cũng không được đảm bảo. Cực chẳng đã, họ phải cho con theo học trong các trường tư thục, học phí thì cao mà chất lượng lại không tương xứng. Trường học mầm non ở Hà Nội đang gặp nhiều nghịch cảnh trong quá trình phát triển. Nhiều trường học, lớp học ở vùng nội, ngoại thành cũ của Hà Nội luôn rơi vào tình trạng quá tải, còn ở nhiều nơi, nhất là vùng Hà Nội mới mở rộng điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên còn hạn chế, thiếu thốn trăm bề. Để đạt mục tiêu phấn đấu năm học tới, không còn tình trạng học 3 ca; Đến năm 2010, 100% trẻ được đến trường, xây mới 1.800 phòng học thay thế phòng học tạm, học nhờ, gom các điểm lẻ để thuận tiện cho công tác quản lý, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành. Trước hết, thành phố cần ưu tiên quỹ đất để quy hoạch xây dựng trường mầm non; Cho phép nâng từ 3 lên 5 tầng đối với những nơi không mở rộng được quỹ đất; Hỗ trợ kinh phí làm thêm giờ cho giáo viên...
Hà My

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.