Điện về thắp sáng ước mơ

GD&TĐ - Tin vui xã đảo An Bình (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có 100% hộ dân được sử dụng điện 24/24 giờ đã thôi thúc chúng tôi đến với hòn đảo tiền tiêu của dải đất nghèo miền Trung. Có lẽ đến tận bây giờ, đối với người dân xã đảo An Bình chưa có niềm hạnh phúc nào hơn khi vùng đảo nhỏ bé này có được nguồn điện sử dụng 24/24 giờ trong ngày.

Nguồn điện về với xã đảo An Bình giúp bà con thêm yên tâm về một cuộc sống đủ đầy trong tương lai
Nguồn điện về với xã đảo An Bình giúp bà con thêm yên tâm về một cuộc sống đủ đầy trong tương lai

Điện thắp sáng khát vọng về một cuộc sống đủ đầy đối với người dân vùng đảo, thắp sáng cả ước mơ của con em học sinh, thắp lên cả niềm tin của những người giáo viên nơi hải đảo xa xôi này.

Đảo Bé - niềm vui ngày mới

Ông Huỳnh Minh Hùng - Chủ tịch UBND xã An Bình (huyện đảo Lý Sơn) cho biết, vào mùa mưa bão, người dân trên xã đảo An Bình, cùng như huyện đảo Lý Sơn sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.

Sóng to gió lớn, không một tàu vào ra. Những lúc đó, mọi nguồn lương thực, thực phẩm tích trữ gần như bị cạn kiệt, cuộc sống người dân càng trở nên khó khăn hơn. Mấy năm trở lại đây, xã đảo An Bình đẩy mạnh phát triển du lịch nên cuộc sống có phần được cải thiện, tuy nhiên, làm sao để giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững là vấn đề mà chính quyền địa phương hết sức trăn trở.

Ông Hùng cho hay: Hiện nay, nhắc đến đảo Lý Sơn người ta thường nghĩ ngay đến một địa điểm du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, không phải người dân nào sống trên đảo cũng kiếm được thu nhập từ các nghề dịch vụ phục vụ du lịch. Hầu hết, người dân sống trên đảo Bé – An Bình chỉ sống bằng ngư nghiệp, nông nghiệp, tuy do điều kiện kinh tế khó khăn nên họ chỉ có những phương tiện đánh bắt hải sản gần bờ, thu nhập rất bấp bênh.

Chính vì vậy, sự học của con em huyện đảo Lý Sơn nói chung, xã đảo An Bình nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn. Con em người dân sống trên đảo An Bình muốn học lên cấp 2, cấp 3 phải qua đảo lớn Lý Sơn học tập. Điều kiện học tập, sinh hoạt hết sức thiếu thốn.

“Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ, cùng với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học ngày càng khang trang. Niềm vui của người dân như càng nhân lên khi lưới điện quốc gia đã ra đến đảo Lý Sơn. Xã đảo An Bình cùng hết cảnh tù mù khi hệ thống phát điện diezen, năng lượng mặt trời đã phủ sóng đến 100% hộ dân, cung cấp điện sinh hoạt 24/24 giờ trong ngày” - ông Hùng bày tỏ.

Thắp sáng sự học

Đến với huyện đảo Lý Sơn trong những ngày đầu bước vào năm học mới, chúng tôi được sống trong niềm vui chung của thầy trò các trường học trên hải đảo. Có hơn 35 năm sống, giảng dạy tại đảo Lý Sơn, tâm trạng của thầy Lê Nhụ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lý Sơn, cũng như bao người giáo viên cắm bản nơi đây cũng ngập tràn niềm vui khi điện lưới quốc gia, điện năng lượng mặt trời, dieze được phủ sóng đến tòa bộ các địa bàn trên huyện đảo Lý Sơn.

“Bước vào năm học mới 2018 - 2019, trước tin vui xã đảo An Bình có nguồn điện 24/24 bản thân tôi, cũng như bao thầy cô giáo trên huyện đảo Lý Sơn cảm thấy rất phấn khởi. Dẫu rằng hiện nay cuộc sống người dân, cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn…

Tuy vậy, khi điện lưới về, thắp sáng trường học, niềm vui ấy như càng thắp thêm niềm tin cho một cuộc sống sung túc đến với con em, nhân dân huyện đảo. Niềm vui này cũng là niềm động lực cho đội ngũ giáo viên các trường học trên huyện đảo Lý Sơn tiếp tục thực hiện đổi mới công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo bước phát triển mới cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng hải đảo còn lắm gian khó này” - thầy Lê Nhụ tâm sự.

Nói về tình hình trường lớp học trên xã đảo An Bình hiện nay, thầy Lê Nhụ cho biết: Năm học 2018 - 2019, trên xã đảo An Bình có 35 học sinh gồm 2 bậc học mầm non và tiểu học. Năm học này, số lượng học sinh giảm hơn nhiều so với các năm học trước nhưng ngành, địa phương vẫn quyết tâm duy trì trường lớp học trên xã đảo, mà không đưa các em qua đảo lớn Lý Sơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em, cũng như để gia đình, người thân tiện bề chăm sóc.

Ngày ngày đứng chân dạy học ở xã đảo này có 11 giáo viên. Điều kiện cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu tối thiểu cho hoạt động dạy học của giáo viên, học sinh. Mong muốn rằng, khi lưới điện về với xã đảo thì hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xã hội, cùng với hệ thống cơ sở vật chất trường học nơi đây sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư hoàn thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ