(GD&TĐ) - Ngày 22/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII bắt đầu phiên chất vấn trực tiếp tại Hội trường với các thành viên Chính phủ. Từ 22/11 đến hết sáng 24/11, 4 Bộ trưởng: Công Thương, Y tế, Tài chính, Giao thông - Vận tải và Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Điện và những câu hỏi chưa có lời giải
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. |
Về vấn đề thiếu điện trong thời gian vừa qua khiến dư luận bức xúc, cũng như việc chậm tiến độ của một số nhà máy nhiệt điện mà đại biểu Quốc hội Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) nêu ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, tình hình thiếu điện diễn ra trên phạm vi rộng trong mùa khô vừa qua, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, có nguyên nhân là do chưa thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra trong Tổng sơ đồ điện VI.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, mục tiêu đề ra là đến năm 2015, năng lực của các nhà máy điện phải đạt khoảng 50.000 MW công suất. Tuy nhiên đến hết năm 2010, dự kiến mới đạt 20.900 MW công suất, đến tháng 6/2011, có khoảng 22.500 MW, và đến năm 2015 dự kiến chỉ đạt 80% công suất đề ra.
Nguyên nhân ông Hoàng đưa ra là có nhiều công trình điện đã bị chậm tiến độ so với quy định trong Tổng quy hoạch với lý do là chậm thu xếp vốn cho các công trình này, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch đúng vời thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để triển khai dự án, kể cả các dự án do Tập đoàn Điện lực và các Tập đoàn khác đầu tư. Bên cạnh đó, một số dự án đã đưa vào vận hành nhưng chưa ổn định, thời gian chạy thử kéo dài đã góp phần gia tăng tình trạng thiếu điện thời gian qua.
Về các giải pháp để phát triển ngành điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Hoàng cho biết, trước hết cần phải đẩy nhanh và thực hiện đúng tiến độ các công trình theo Tổng sơ đồ điện VI. Với những dự án đã đưa vào vận hành nhưng chưa ổn định thì phải tìm mọi biện pháp để nhanh chóng đưa các công trình này vào vận hành ổn định. Bên cạnh đó là vấn đề tái cơ cấu ngành điện, Bộ Công Thương đang hoàn chỉnh và phấn đấu đến đầu tháng 12/2010 trình với Chính phủ Đề án tái cơ cấu ngành điện, cũng như lộ trình điều chỉnh giá điện. Đi đôi với các giải pháp trên cần tăng cường hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí trong sử dụng điện.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) đề nghị cho biết quan điểm của Bộ về trách nhiệm của các nhà máy thuỷ điện xả lũ gây thiệt hại cho người dân thời gia qua ở miền Trung, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Qua rà soát, kiểm tra, đúng là có những dự án thuỷ điện làm chưa đúng với quy trình vận hành thuỷ điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Thuỷ điện sông Ba Hạ, khi vận hành xả lũ đã không kịp thời báo cáo với UBND tỉnh. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý.
Nhập siêu sẽ dưới 20%
Về vấn đề nhập siêu, giá cả hàng hóa biến động Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt để giữ con số dưới 20% theo yêu cầu của Chính phủ. Các ban ngành cũng đã nỗ lực kiểm tra, giám sát việc bình ổn giá, cân đối cung cầu để tránh sự khan hiếm đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề không thể đừng như tình hình gian lận thương mại diễn biến phức tạp, vi phạm về giá tăng cao. Bộ Công Thương đang chỉ đạo kiểm soát chặt và hứa sẽ giải quyết triệt để trong thời gian tới.
Ông Hoàng cho biết việc nhập siêu cao cũng có lý do rất xác đáng là: Việt Nam vẫn trong quá trình xây dựng, phát triển, việc nhập khẩu thiết bị mà trong nước chưa sản xuất được là việc không thể tránh. Hiện nay, ngành dệt may đang đặt tham vọng con số xuất khẩu 11 tỷ đôla. Để đạt con số này, VN phải nhập tới 60% nguyên vật liệu, trong nước chỉ đáp ứng được 40%. "Tôi cho rằng nhập siêu hiện nay chủ yếu là các nguyên vật liệu mà sản xuất trong nước không đáp ứng được. Các mặt hàng không thiết yếu khác như điện thoại di động, ôtô hóa mỹ phẩm chỉ chiếm khoảng 0,7%" – Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Băn khoăn về hiệu quả của dự án bô xít, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đăk Lắc) cho rằng sự cố bùn đỏ Hungary là bài học cảnh tỉnh để Việt Nam nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề an toàn, hiệu quả kinh tế và tác động tới môi trường, văn hóa xã hội. "Tôi rất lo ngại về hệ thống chống thấm ở các hồ chứa bùn đỏ. Điều này cần phải được xem xét cặn kẽ vì loại chất này rất độc hại, chỉ cần ngửi hơi bùn đỏ là có thể gây ung thư", Đại biểu Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Quang Anh