Điền kinh Việt Nam 'tụt dốc không phanh'

GD&TĐ - Trắng tay với những thông số đáng báo động ở ASIAD 19 trong khi nhiều trụ cột giải nghệ, điền kinh Việt Nam đang lao dốc với tốc độ 'chóng mặt'…

Nguyễn Thị Huyền (thứ 2 từ phải sang) chia tay đội tuyển quốc gia. Ảnh: INT
Nguyễn Thị Huyền (thứ 2 từ phải sang) chia tay đội tuyển quốc gia. Ảnh: INT

Đánh mất vị trí số 1 tại SEA Games 32, trắng tay với những thông số đáng báo động ở ASIAD 19 trong khi nhiều trụ cột giải nghệ, điền kinh Việt Nam đang lao dốc với tốc độ “chóng mặt”…

Bức tranh nhiều gam… màu xám

Giải điền kinh vô địch quốc gia 2023, nằm trong kế hoạch rà soát lực lượng hướng tới SEA Games 33 năm 2025 và Olympic Paris 2024 kết thúc mà không mang lại kết quả như kỳ vọng. Rất nhiều nội dung vẫn là sự thống trị của những gương mặt thành danh. Đơn cử như Nguyễn Thị Oanh, cô “vô đối” trên đường chạy 1.500m, 3.000m chướng ngại vật và 5.000m nữ.

Chỉ đến khi vận động viên của đoàn Bắc Giang không tham gia thi đấu cự ly 10.000m thì lứa trẻ mới có cơ hội giành chức vô địch. Hay như “lão tướng” Nguyễn Văn Lai ở tuổi 37 vẫn vô địch nội dung 5.000m; cựu binh Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ); Ngần Ngọc Nghĩa (100m nam), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam)…

Bên cạnh đó, thành tích của các vận động viên tại giải, kể cả nhóm trọng điểm không có sự đột phá. Chỉ có 3 kỷ lục quốc gia được thiết lập, đó là Kim Thị Huyền (đẩy tạ nữ), Phan Thanh Bình (ném đĩa nam) và nội dung đồng đội tiếp sức 4 x 200m của đoàn Công an.

Nhóm được coi là phát hiện mới không nhiều, với Hoàng Thanh Giang (2 Huy chương Vàng nội dung nhảy xa và 7 môn phối hợp); Trần Thị Nhi Yến (2 Huy chương Vàng nội dung 100m và 200m nữ), Lê Thị Tuyết (Huy chương Vàng nội dung 10.000m nữ)... Trong đó, Hoàng Thanh Giang gây ấn tượng mạnh nhất khi vượt qua tuyển thủ Nguyễn Linh Na của Quân đội và đàn chị Bùi Thị Thu Thảo.

Nhìn lại giải điền kinh vô địch quốc gia năm nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phụ trách bộ môn điền kinh (Cục Thể dục Thể thao) đồng thời là Tổng Thư kí Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết, tất cả vận động viên trọng điểm của điền kinh Việt Nam đều dự giải và thi đấu đạt Huy chương Vàng theo nội dung của mình.

Tuy nhiên, chỉ số chuyên môn của các tuyển thủ vẫn thấp, thậm chí thấp hơn so với các chỉ số tại SEA Games 32 và ASIAD 19. Vậy nên, bộ môn và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam sẽ tiến hành họp rà soát lại từng tổ, nhóm, từ đó thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, triệu tập bổ sung những vận động trẻ để quy hoạch lại theo nhóm nội dung, tránh dàn trải như hiện nay.

Thực ra, không phải đến giải đấu quốc nội thì vấn đề của điền kinh mới được nhận diện, mà nó được báo động từ các giải quốc tế. Kết thúc SEA Games 32 hồi tháng 5, điền kinh Việt Nam chỉ giành được 12 Huy chương Vàng trên tổng số 47 nội dung, qua đó mất ngôi vị số 1 vào tay Thái Lan (16 Huy chương Vàng), trong khi chỉ tiêu là giành từ 14 - 16 Huy chương Vàng và bảo vệ ngôi vị số 1 khu vực.

So với chính chúng ta, 1 năm trước, ở kỳ đại hội trên sân nhà, điền kinh Việt Nam vô địch với 22 Huy chương Vàng (Thái Lan xếp nhì với 12 Huy chương Vàng). Hay tại SEA Games 30 năm 2019, điền kinh Việt Nam thống trị Đông Nam Á với 16 Huy chương Vàng, xếp trên Thái Lan (12 Huy chương Vàng).

Tất nhiên, ở góc nhìn khách quan, điền kinh Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu tại SEA Games 32 còn xuất phát từ nguyên nhân nhiều tuyển thủ đã thi đấu không tốt ở vòng chung kết, đồng thời còn là việc 5 vận động viên có kết quả dương tính với doping sau SEA Games 31 và bị cấm thi đấu.

Điền kinh Việt Nam gần như không đủ thời gian lấp vào chỗ trống của những người vắng mặt. Mặc dù vậy, thất bại ở ASIAD 19, giải đấu diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 vừa qua thực sự cho thấy nhiều vấn đề báo động đỏ của điền kinh Việt Nam, từ nhân sự cho đến chiến lược đào tạo. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh, thay đổi tổng thể, điền kinh Việt Nam còn tụt xa ngay chính “vùng trũng” Đông Nam Á.

Cũng cần phải nhắc lại, điền kinh là một trong những môn trọng điểm được đầu tư đặc biệt của thể thao Việt Nam. Ở kỳ ASIAD 18 năm 2018, môn thể thao “nữ hoàng” đã đem về 2 Huy chương Vàng. Vậy mà bước vào đại hội 19, điền kinh Việt Nam ra về tay trắng, không huy chương và thành tích của những gương mặt trụ cột kém xa so với chính họ.

Như Nguyễn Thị Oanh, trên đường chạy 1.500m chỉ đạt thông số 4 phút 24,19 giây, mức thấp nhất của vận động viên sinh năm 1995 trong năm 2023. Nội dung 1.500m nam, Lương Đức Phước về áp chót với thành tích 3 phút 51,65 giây, chỉ số kém hơn thành tích 3 phút 46,81 giây của anh tại giải vô địch điền kinh châu Á 2023…

Một số ý kiến nêu quan điểm, kết quả điền kinh Việt Nam tại ASIAD 19 là “thảm họa”. Bởi 3 kỳ SEA Games gần đây, điền kinh Việt Nam giành tới 50 Huy chương Vàng, 2 lần đứng số 1. Thế nhưng, chúng ta trắng tay tại ASIAD 19, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực có thành tích rất ấn tượng.

Nữ vận động viên Shanti Veronica của Singapore giành Huy chương Vàng 200m và Huy chương Bạc 100m; Thái Lan có 2 Huy chương Bạc 100m và 4 x 100m tiếp sức nữ; Malaysia có 3 Huy chương Đồng ở nội dung 100m, 4 x 100m tiếp sức nữ và 400m nữ. Đặc biệt, Philippines có 1 Huy chương Vàng nhảy sào của Ernest Obiena.

Và cũng phải nhấn mạnh, sau giải điền kinh vô địch quốc gia năm 2023, nhiều gương mặt tượng đài giã từ đội tuyển quốc gia, chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Nổi bật là Nguyễn Thị Huyền (30 tuổi), vận động viên đi vào lịch sử điền kinh Đông Nam Á với 13 Huy chương Vàng SEA Games nội dung cá nhân và tiếp sức.

Trong năm nay, tại giải vô địch điền kinh châu Á 2023, Huyền cùng các đồng đội đoạt chức vô địch nội dung chạy tiếp sức 4 x 400m nữ. Ngoài ra, cũng cần kể đến Bùi Thu Thảo nhảy xa, Huy chương Vàng ASIAD 2018… Đó là khoảng trống rất lớn không dễ san lấp trong “một sớm, một chiều” cho điền kinh Việt Nam.

Tài năng trẻ Trần Thị Nhi Yến. Ảnh: INT

Tài năng trẻ Trần Thị Nhi Yến. Ảnh: INT

Đến lúc cần cuộc… “đại phẫu”

Tổng Thư kí Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho rằng, điền kinh Việt Nam cần một “Hội nghị Diên Hồng” nhằm phân tích thấu đáo thực trạng và bàn bạc các phương án tháo gỡ khó khăn đã được nhận diện.

Tuy nhiên, bình luận về kết quả điền kinh Việt Nam sau ASIAD 19, ông Dương Đức Thủy, người từng 16 năm dẫn dắt đội điền kinh quốc gia phát biểu rằng, chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào thất bại. Đừng kiểu ve vuốt nhau, tìm lý do này, đổ lý do kia nữa. Với vận động viên, chúng ta cũng phải nghiêm khắc. Lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Thủy, điền kinh Việt Nam tụt lùi như hiện nay do chúng ta đang một mình một đường. Chiến lược đầu tư điền kinh của các nước đã được “cởi trói”, xã hội hóa, trong khi Việt Nam vẫn nặng về cơ chế quản lý Nhà nước.

Hệ quả là cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng đòi hỏi thực tế và tận dụng được thành tựu khoa học công nghệ vào huấn luyện, cũng chăm sóc sức khỏe. Đơn cử, ông Thủy dẫn ví dụ, “ở Việt Nam, ngay cả các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, bây giờ lên đó, mọi người vẫn thấy những bộ tạ, đĩa như mấy chục năm trước chúng tôi tập luyện”.

Một vấn đề liên quan đến tinh thần “tự học” cũng được ông Thủy đặt ra. Cựu huấn luyện viên đội tuyển điền kinh Việt Nam bình luận, “vận động viên bây giờ ý thức không cao”.

Ngay cả các tuyển thủ, đầy đủ kiện kiện và trang thiết bị như có Internet, iPad, điện thoại thông minh nhưng gần như họ không tận dụng để nghiên cứu. Dẫn chứng trường hợp Bùi Thị Thu Thảo ở môn nhảy xa, ông Thủy đặt ra câu hỏi tại sao nhà vô địch ASIAD 2018 không vào YouTube để xem các vận động viên đỉnh cao họ chạy đà thế nào để học.

“Tôi không thể chấp nhận việc một vận động viên vào chung kết giải điền kinh châu Á 6 lần nhảy thì 5 lần phạm quy, ASIAD 19 thì hai vòng loại đều phạm quy, chung kết cũng thế”, ông Thủy trao đổi với truyền thông Việt Nam.

Từ góc nhìn về sự “bế tắc” trong bài toán tài chính, dẫn đến khó khăn về dinh dưỡng, đầu tư cho vận động viên, ông Thủy dự đoán điền kinh Việt Nam không có gì để hy vọng ở Olympic Paris 2024. Không có vận động viên nào đủ đạt chuẩn, chắc lại quay về với suất dự đặc cách như trước đây.

Điều ông lo lắng là SEA Games năm 2025 tại Thái Lan, đối thủ số một của Việt Nam. Nước chủ nhà sẽ bỏ xa chúng ta. Các vận động viên của Việt Nam đã lớn tuổi, trong khi chưa nhìn thấy sự thay thế.

Và để giải quyết vấn đề nhân tố trẻ, ông Thủy cho rằng, muốn tuyển được vận động viên từ 11 - 12 tuổi thì phải xuống các trường, làm việc với các thầy dạy giáo dục thể chất và đẩy mạnh mục tiêu làm hình ảnh trong điền kinh để thu hút nhân tài đang trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Thuê chuyên gia nước ngoài cũng là vấn đề quan trọng của điền kinh Việt Nam được đặt ra như là phương án nâng cao thành tích. Hiện tại, điền kinh Việt Nam, kể cả một số nhóm nội dung trọng điểm được huấn luyện bởi các thầy nội.

Số đông huấn luyện viên tham gia đội tuyển điền kinh quốc gia là được Cục Thể dục Thể thao (Bộ VH-TT&DL) mời tập trung do đơn vị của họ có vận động viên lên đội tuyển. Điều này được hiểu, vận động viên lên đội tuyển sẽ quyết định được việc có thầy theo huấn luyện hay không.

Nguyễn Thị Oanh đã chạm trần về chuyên môn, khó có thể vươn tầm châu lục. Ảnh: INT

Nguyễn Thị Oanh đã chạm trần về chuyên môn, khó có thể vươn tầm châu lục. Ảnh: INT

Theo đánh giá, phương pháp chỉ đạo, cách huấn luyện của thầy nội khi lên tuyển vẫn dựa vào kinh nghiệm chuyên môn chứ không áp dụng khoa học kỹ thuật hay có các công cụ thiết bị kĩ thuật hỗ trợ để phân tích thành tích.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những phương án được hướng đến là có thể thuê chuyên gia chuyên môn làm người định hướng để có chiến lược đào tạo dài hơi cho điền kinh Việt Nam. Trước mắt, chúng ta vẫn tìm kiếm cơ hội giành tấm vé chính thức dự Olympic năm 2024.

“Chúng tôi có mục tiêu hướng trọng tâm với tổ nội dung tiếp sức 4 x 400m nữ. Đây là nội dung chúng ta đang có triển vọng nên sẽ được ban huấn luyện tổ này lên chương trình chuẩn bị kỹ càng nhất. Năm 2024, tổ nội dung này sẽ được thuê chuyên gia người Ukraine. Việc mời chuyên gia đã xúc tiến và chúng tôi chờ thời gian để ông ấy sang Việt Nam”, ông Hùng trao đổi thêm.

Mặc dù vậy, nội dung tiếp sức 4 x 400m nữ chỉ là một tổ của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Điều được chờ đợi là sự thay đổi mang tính bước ngoặt, từ tư duy cho đến hành động, đó là cơ chế, chiến lược phát triển tổng thể. Có như thế, điền kinh Việt Nam mới chặn đà suy thoái, từng bước giành lại vị thế tại SEA Games, cũng như tiệm cận những đấu trường châu lục, như ASIAD.

Một con số thống kê ấn tượng sau SEA Games 32 nhưng lại ẩn chứa nỗi lo là một mình Nguyễn Thị Oanh giành tới 4 Huy chương Vàng, bằng 1/3 tổng số Huy chương Vàng của cả đội tuyển điền kinh Việt Nam. Tuy nhiên, tuyển thủ quê Bắc Giang đã bước vào tuổi 29, nên rất khó để tiếp tục duy trì phong độ. Vấn đề cải thiện chỉ số chuyên môn của Oanh cho những giải đấu tầm châu lục, hoặc giành vé dự Olympic với cô gần như không thể. Ngay cả sân chơi tầm khu vực, không có gì bảo đảm Oanh sẽ duy trì được phong độ như năm nay ở kỳ đại hội năm 2025, diễn ra ở Thái Lan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.