2 lần đánh bại Thái Lan
Tại SEA Games 30, cuộc cạnh tranh vị trí số 1 môn điền kinh đã diễn ra quyết liệt giữa Việt Nam và Thái Lan. Trước ngày thi đấu cuối cùng, người Thái với 11 HCV xếp trên Việt Nam (10 HCV) hy vọng sẽ đòi lại ngôi đầu sau khi để mất ở SEA Games 29.
Thế nhưng, đúng vào thời khắc quyết định, các tuyển thủ Việt Nam thi đấu bùng nổ, giành 6 HCV để một lần nữa đánh bại người Thái. Kết thúc giải đấu khu vực 2019, Việt Nam giữ vững vị trí số một với 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ.
Mặc dù vậy, những thành tích đáng tự hào của điền kinh Việt Nam vẫn chưa tiệm cận chuẩn Olympic 2020. Cụ thể, Lê Tú Chinh chạy cự ly 100 m hết 11 giây 54, trong khi chuẩn Olympic là 11 giây 15. Rất khó cho nữ hoàng tốc độ Việt Nam rút ngắn khoảng cách gần 1 giây.
Hay ở nội dung 400 m nữ, Nguyễn Thị Huyền chạy 52 giây 80 nhưng chuẩn Olympic là 51 giây 35; 400 m rào nữ, cô đạt thành tích 56 giây 90 trong khi chuẩn Olympic 55 giây 40. Trần Nhật Hoàng đạt thành tích 46 giây 56 (400 m nam) trong khi chuẩn Olympic là 44 giây 90.
Ngay cả Nguyễn Thị Oanh, đoạt 3 HCV SEA Games 1.500 m (thành tích 4 phút 17 giây 31), 5.000 m (16 phút 45 giây 98), 3.000 m chướng ngại vật (10 phút 00 giây 02) trong khi chuẩn Olympic lần lượt là 4 phút 04 giây 20, 15 phút 10 giây, 9 phút 30 giây. Theo ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT, điền kinh là môn đấu cạnh tranh từng phần trăm giây.
Đấu trường Đông Nam Á đã rất khó khăn. Trong cuộc đua đến Olympic, hội tụ vận động viên (VĐV) đẳng cấp hàng đầu châu lục, cuộc đua khốc liệt hơn nhiều. Cơ hội cạnh tranh của điền kinh Việt Nam cũng thấp đi. Ngoài ra, ông Thủy nhấn mạnh, ngay cả khi có suất tham dự, chúng ta cũng không có cơ hội đua tranh huy chương Olympic.
4 năm trước, điền kinh Việt Nam đoạt 2 vé dự Olympic là Nguyễn Thị Huyền (400 m, 400 m rào) và Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ). Tại Olympic 2012, điền kinh Việt Nam cũng có 2 vé chính thức của Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao).
Còn hiện tại, điền kinh Việt Nam sau 4 năm “làm mưa, làm gió” ở đấu trường khu vực, 2 lần đoạt vị trí số 1 SEA Games, vẫn chưa có suất đi Olympic Tokyo 2020. Nguy cơ không giành suất chính thức rất cao.
Cơ hội mong manh
Giải vô địch châu Á, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tại Trung Quốc, sẽ là cơ hội để điền kinh Việt Nam tranh suất Olympic 2020. Nhưng trước diễn biễn phức tạp của dịch Covid-19, chúng ta vẫn chưa chắc chắn giải có diễn ra hay không.
Ngoài ra, còn có một giải Grand Prix tại Kazakhstan cũng tính chuẩn Olympic. Nhưng 2 giải đấu này giống như chuyến tàu vét trong cuộc đua đến Nhật Bản, trong khi số VĐV tài năng chưa có suất vẫn còn rất nhiều. Cuộc cạnh tranh vì thế được đánh giá vô cùng khó khăn cho các tuyển thủ Việt Nam.
Đội tuyển điền kinh Việt Nam với 14 VĐV đã được tập trung từ đầu năm 2020 với mục tiêu tham dự các giải đấu lớn trong và ngoài nước, bên cạnh nhiệm vụ lớn phải có VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020. 14 gương mặt tập trung lần này đều là những VĐV đã có thành tích tốt tại SEA Games 30 vừa qua.
Trong đó, hy vọng lớn nhất của điền kinh Việt Nam được đặt vào bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền. Ở nội dung 400m rào nữ, thành tích của Huyền là 56 giây 90. Như vậy, VĐV này cần phải cải thiện thành tích của mình thêm 1 giây 50 để đạt chuẩn tham dự Olympic ở nội dung này (55 giây 40).
Ngoài ra, khoảng 3 năm trước, Liên đoàn Điền kinh thế giới đã quyết định đưa nội dung 4x400m hỗn hợp vào chương trình thi đấu quốc tế, trong đó có Olympic. Đây là nội dung thi đấu gồm 2 VĐV nam, 2 VĐV nữ mỗi đội. Sự thay đổi lập tức mở ra cơ hội cho nhiều đội tuyển quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ở SEA Games 30, 4 VĐV Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan, Trần Đình Sơn đã về đích đầu tiên với thành tích 3 phút 19 giây 50. Thành tích này tốt hơn thành tích giành HCB ASIAD 2018 của đội tuyển Kazakhstan 3 phút 19 giây 52 và chỉ còn kém chưa đến 1 giây so với Nhật Bản - đội tuyển cuối cùng giành suất tham dự giải điền kinh thế giới 2019 ở nội dung này (3 phút 18 giây 77).
Do vậy, nếu đội 4x400m hỗn hợp cải thiện được thành tích thì điền kinh Việt Nam nhiều khả năng giành suất dự Olympic 2020. Còn không, chúng ta chỉ còn hy vọng vào suất đặc cách để đến Nhật Bản tham dự giải thể thao lớn nhất hành tinh.