Điện cho vùng khó: Cần giải pháp hài hòa

GD&TĐ - Dự kiến 100% hộ dân trong cả nước sẽ được cấp điện vào năm 2020. Tuy nhiên, không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua để đạt mục tiêu đó. Giải pháp năng lượng tái tạo cho những hộ dân ở khu vực khó cấp điện lưới đang được đặc biệt chú ý.

Bà Ngụy Thị Khanh (đầu tiên, hàng đầu từ trái sang) cùng nhóm 6 nhà hoạt động trên thế giới nhận giải thưởng “Anh hùng môi trường năm 2018”
Bà Ngụy Thị Khanh (đầu tiên, hàng đầu từ trái sang) cùng nhóm 6 nhà hoạt động trên thế giới nhận giải thưởng “Anh hùng môi trường năm 2018”

Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với bà Ngụy Thị Khanh (Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh - GreenID) - người Việt Nam đầu tiên được Quỹ Môi trường Goldman trao giải “Anh hùng môi trường năm 2018”.

- Bà có đánh giá gì về việc đưa năng lượng tái tạo vào Chương trình điện khí hóa nông thôn?

Tôi cho rằng, đây là việc hoàn toàn có thể làm được. Thứ nhất, việc này giúp Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn; thứ hai, trong điều kiện nguồn lực cần huy động để kéo lưới điện quốc gia đến một số khu vực hiện rất khó khăn, tốn kém, những giải pháp về năng lượng tái tạo tại chỗ sẽ có hiệu quả về mặt tài chính hơn.

Thêm nữa, nhu cầu sử dụng điện của một số khu vực khó kéo điện lưới quốc gia về cũng, rất thấp. Khảo sát rất nhiều nơi cho thấy các hộ gia đình ở nhiều khu vực chi tiêu tiền điện mỗi tháng chỉ từ 10.000 - 50.000 đồng. Nhu cầu sử dụng điện thấp như vậy mà đầu tư cả hệ thống truyền tải là một áp lực tài chính rất lớn. Nếu hộ dân chỉ có nhu cầu sử dụng mỗi tháng 2 - 3 số điện mà Nhà nước phải đầu tư cả một hệ thống lưới điện, với chi phí khoảng 25 - 30 triệu đồng/hộ thì cần phải xem xét.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện ở đô thị rất khác với vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tất nhiên, người dân ai cũng mong có điện lưới chạy dây vào tận nhà, chỉ việc cắm thiết bị điện vào ổ điện là dùng được. Nhưng trong nhiều trường hợp còn phải cân nhắc về điều kiện tài chính, hiệu quả đầu tư, phải làm sao có giải pháp hài hòa.

-Giải pháp hài hòa cụ thể như thế nào, thưa bà?

Chẳng hạn, ngành điện lực làm sao có thể đầu tư hệ thống lưới điện đến những nơi chưa làm đã biết chắc chắn lỗ. Mục tiêu vì lợi ích chung cho xã hội, song vẫn phải tính đến giải pháp tốt nhất, ít tốn kém nhất mà vẫn đạt được, với chi phí hợp lý nhất. Ở những khu vực khó khăn, giải pháp cung cấp điện phân tán, nhỏ và tại chỗ cần được tính đến.

Trên thực tế, mặc dù có những khu vực có đường dây điện lưới cao thế đi qua nhưng người dân không có tiền đầu tư hạ thế để có điện dùng.

Có khoảng 1% hộ dân ở Việt Nam là nhóm khó nhất trong triển khai điện lưới quốc gia. Bởi thế cần tìm giải pháp tiết kiệm, phù hợp và hiệu quả nhất trong vấn đề điện, đáp ứng nhu cầu điện thực tế cho số hộ dân này. Điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải có giải pháp phù hợp, chứ không thể làm giống như cấp điện cho thành thị, vùng thuận lợi.

-Chỉ riêng việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã có nhiều ý kiến khác nhau, chứ chưa nói đến việc đưa năng lượng tái tạo hòa vào hệ thống điện khí hóa nông thôn. Theo bà, giải pháp có thể hiện thực hóa năng lượng tái tạo cần hình dung ra sao?

-Theo tôi, giải pháp phù hợp đối với năng lượng tái tạo là cấp điện tại chỗ cho từng hộ gia đình, hoặc cấp điện theo cụm (những hệ thống cấp điện mini). Nhưng điều quan trọng nhất là phải đào tạo cho người dân địa phương, đồng thời người dân phải cùng vào cuộc trong quá trình triển khai năng lượng tái tạo. Bởi các chuyên gia ở xa người dân, không thể hàng ngày, hàng giờ hỗ trợ khi gặp sự cố, hay những trục trặc kỹ thuật. Người địa phương cần được đào tạo đầy đủ và chọn hình thức, cách thức đào tạo phù hợp.

Cũng cần chia sẻ, tại sao nên đưa năng lượng tái tạo vào điện khí hóa nông thôn. Đó là điều kiện để người dân được trải nghiệm và thực hành sử dụng năng lượng tái tạo, bên cạnh những hệ thống cấp điện lớn. Đây cũng là dư địa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những nhóm khởi nghiệp của Việt Nam tham gia lĩnh vực cung cấp thiết bị năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo là một khía cạnh mang lại lợi ích nhiều mặt, cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.

- Mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn sẽ có điện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều rào cản (như có những khu vực quá sâu, quá xa, vùng khó khăn về địa thế để kéo điện lưới). Kể cả khả năng tài chính của một bộ phận hộ dân không đủ để sử dụng năng lượng mặt trời. Bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Mục tiêu của chương trình cấp điện quốc gia cho 100% hộ dân là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đến các hộ dân vùng khó kéo điện lưới, chúng tôi thấy có rất nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu này. Ngành điện cũng có rất nhiều áp lực về đảm bảo sự ổn định của cả hệ thống lưới điện trong phát triển kinh tế. Nhóm hộ dân 1% khó cấp điện lưới quốc gia thường phân tán tại những vùng khó khăn. Nếu không có các giải pháp phù hợp cho nhóm hộ dân này thì rất khó đạt mục tiêu 100% hộ dân có điện vào năm 2020.

- Theo bà, với nhiều người dân vùng khó khăn, năng lượng tái tạo liệu có phải là một khái niệm quá mới và khó?

Cái khó ló cái khôn, ngay trong chính người dân vùng không có điện lưới quốc gia đã có những sáng kiến rất hay. Chẳng hạn, một nông dân ở An Giang đã chế bình bơm thuốc trừ sâu thành dụng cụ đựng pin năng lượng mặt trời. Khi người dân nhìn thấy cách thức sử dụng năng lượng tái tạo thì họ sẽ suy nghĩ và có thể tìm ra các giải pháp cho chính mình.

Cái hay của việc dùng năng lượng tái tạo ở hộ gia đình là người dân có thể làm từ từ, đầu tư dần. Đầu tiên có thể đầu tư nhỏ, với tổng lượng điện cung cấp từ thiết bị điện mặt trời chỉ 200W. Một thời gian sau có tiền lại mua thêm pin lắp vào để tăng khả năng cấp điện. Dùng nhiều điện thì đầu tư nhiều pin, mở rộng thêm trang thiết bị. Có hộ gia đình đã mở rộng tới 1KW, 2KW/tháng từ năng lượng mặt trời... Điều này thúc đẩy sự tự chủ của các hộ gia đình ở những khu vực khó cấp điện lưới.

Năm 2011, bà Ngụy Thị Khanh thành lập Trung tâm phát triển sáng tạo xanh, nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, quản lý tốt hơn tài nguyên nước, không khí và phát triển xanh. Bà đồng thời là thành viên sáng lập Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (một mạng lưới gồm 11 tổ chức Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường).  

Một cách làm được chúng tôi triển khai hiện nay là kết hợp vấn đề điện và nước cùng lúc khi triển khai điện mặt trời cho dân. Có khu vực cùng lúc chúng tôi làm hệ thống điện mặt trời cho một cụm dân cư 23 hộ dân và một nhà thờ trong một làng. Ban ngày, khi bà con nông dân đi làm đồng, không dùng điện thì hệ thống điện ấy được dùng cho việc vận hành một hệ thống lọc nước uống RO tinh khiết.

Người dân trong thôn đến mua nước sạch đó để dùng với giá chỉ 7.000 đồng/bình/20 lít. Còn tiền điện dùng năng lượng mặt trời 2.000 đồng/số. Tiền thu được tập trung hết vào một tài khoản do người dân làm chủ, sử dụng tiền đó để khấu hao, bổ sung thiết bị, trả tiền thuê người vận hành, bảo dưỡng, bảo quản thiết bị. Người dân phải duy trì, tận dụng hệ thống điện mặt trời như vậy thì mới bền vững.

Chúng tôi cũng đã giải bài toán, một hệ thống như vậy phải thay thế những thiết bị gì, trong bao lâu. Phần tiền tiết kiệm (thu từ tiền bán nước lọc) sẽ được sử dụng quay vòng hiệu quả. Đó là mô hình bền vững theo tôi nên phát triển rộng, để giải quyết những bài toán cấp điện cho người dân ở những khu vực khó cấp điện lưới quốc gia.

- Việc đào tạo kỹ thuật cho người dân về năng lượng tái tạo có khó khăn không, thưa bà?

Vấn đề lớn không phải là việc lắp đặt, sử dụng thiết bị tạo ra điện mặt trời. Công đoạn sản xuất ra những tấm pin mặt trời, đấu nối các thiết bị như thế nào trong khâu sản xuất thiết bị mới khó. Còn các thiết bị hiện nay đã được chuẩn hóa khi đưa vào ứng dụng không phải vấn đề lớn.

Khó khăn nhất lại là việc làm sao để sử dụng thiết bị tạo năng lượng mặt trời được hiệu quả và bền vững.

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ