Phòng chống 2019-nCoV trong trường học: Điện Biên phòng chống dịch trong bộn bề khó khăn

Phòng chống 2019-nCoV trong trường học: Điện Biên phòng chống dịch trong bộn bề khó khăn

Bộn bề khó khăn...

Ngay từ ngày 3/2, thầy Nguyễn Như Chiến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Sín Thầu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã đôn đáo liên hệ với cán bộ Trạm Y tế xã xuống trường lúc đầu giờ sáng để phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch cúm lây lan qua đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra.

 Chúng tôi đã cử cán bộ y tế sang triển khai đến toàn bộ giáo viên, công nhân viên, học sinh (HS) toàn trường về các phương pháp phòng, chống virus corona . Trên cơ sở đó, nhà trường khuyến khích HS và cán bộ giáo viên, nhân viên thực hiện việc đeo khẩu trang khi đến lớp, hạn chế đến những nơi đông người. Nhưng trên thực tế giải pháp đơn giản nhất là đeo khẩu trang thôi cũng khó, vì không có khẩu trang mà đeo. Chúng tôi phải liên hệ rồi gửi người mua ngoài thành phố (cách gần 260km). Vài ngày sau mới nhận được. 
Thầy Nguyễn Như Chiến

Sín Thầu là xã biên giới, giáp ranh với hai nước Lào và Trung Quốc. Ở đây có Lối mở A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) - Long Phú (thị trấn Khúc Thủy, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) là nơi giao thương hàng hóa, nông sản giữa nhân dân các nước: Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại “ngã ba biên giới”. Bởi vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh qua khu vực biên giới hoàn toàn có thể xảy ra.

Trường THCS Sín Thầu có hơn 80 HS theo học. Ngày 3/2, cả trường có khoảng 80% các em đến lớp. Số HS nghỉ học đều có lý do công việc của gia đình. Hầu hết HS đều là con em thuần nông nên việc chủ động trang bị cho mình vật dụng cần thiết để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus như khẩu trang là hết sức khó khăn. “Trên thực tế, trong những ngày đầu chỉ vài em gia đình có điều kiện mới có khẩu trang đến lớp. Số còn lại là con em gia đình ở các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì hầu như không có và sự quan tâm đến con em mình hầu như không nhiều”, thầy giáo Nguyễn Như Chiến cho biết.

Hàng năm, cứ đến thời điểm này là HS ở Mường Nhé đã ra lớp tương đối đầy đủ. Thế nhưng năm nay cũng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc huy động các em trở lại lớp tương đối khó khăn. Đến thời điểm này, toàn huyện Mường Nhé mới chỉ có khoảng 50% HS ra lớp.

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị báo cáo sỹ số về Phòng GD&ĐT sau 17 giờ mỗi ngày. Nhiều gia đình không cho con em đến lớp vì họ cho rằng thời gian vừa rồi một số thầy cô về quê ăn Tết Nguyên đán, có liên quan đến một số địa phương như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (những nơi phát hiện người nhiễm virus corona) nên phụ huynh e dè, họ kiến nghị cho con em mình nghỉ học. Đấy là lý do chính chứ không phải là HS cố tình nghỉ Tết đâu”, ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết.

Cũng theo ông Kiên, hiện nay ở tất cả các cửa hàng thuốc trên địa bàn huyện Mường Nhé đều đã hết khẩu trang. Việc đề phòng dịch bệnh cho HS là hết sức khó khăn. Trước mắt, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện đã trích kinh phí mua xà phòng cung cấp cho các trường học trong toàn huyện để các em rửa tay trước và sau khi ăn cơm đối với HS nội trú. Bên cạnh đó, Phòng cũng yêu cầu tất cả các trường làm công tác vệ sinh trường, lớp học.

Ráo riết phòng dịch

Ngay từ đầu tháng 2/2020, Phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, rà soát công tác ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại tất cả cả đơn vị trường học trên địa bàn.

Bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết, qua công tác kiểm tra, các nhà trường đều làm tốt công tác chủ động ứng phó với dịch như: Tuyên truyền cho phụ huynh mang khẩu trang cho con em khi đến trường; vệ sinh khuôn viên trường, lớp học sạch sẽ; giảm các hoạt động ngoại khóa, tụ tập đông người… Đối với các cấp học THCS và tiểu học, sỹ số học sinh ra lớp đều cơ bản đảm bảo, tuy nhiên đối với cấp học mầm non, tỷ lệ học sinh ra lớp ở tất cả các trường đều đã giảm khoảng một nửa.

“Ở các trường mầm non sỹ số HS nghỉ khá đông trong giai đoạn dịch bệnh này. Có những gia đình thực sự bố mẹ phải đi làm không có điều kiện thì cũng gửi con đến trường. Về phía các nhà trường thì các thầy cô cũng chăm sóc các con hết sức cẩn thận, vệ sinh an toàn đảm bảo phòng chống dịch bệnh tốt nhất”, bà Lê Thị Hồng chia sẻ.

Để chủ động ứng phó với virus corona, tất cả HS đến trường trong thời điểm này đều được yêu cầu phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm, đồng thời phải thực hiện nghiêm các hướng dẫn về tăng cường giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tăng cường sức đề kháng.

“Ngoài việc đảm bảo chế độ ăn theo quy định, chúng tôi cũng đề nghị các bậc phụ huynh tăng cường bổ sung vitamin C cho HS. Yêu cầu các giáo viên thường xuyên theo dõi tình hình, báo cáo kịp thời với Ban Giám hiệu để báo cáo cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng khi có trường hợp nghi mắc bệnh xảy ra”, cô giáo Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Noong Bua, TP Điện Biên Phủ cho biết.

“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cán bộ giáo viên, nhân viên tuyên truyền tới cha mẹ HS và các em về việc phòng chống dịch bệnh, cho con em đeo khẩu trang khi đến trường. Nhà trường cũng đã giảm bớt các hoạt động tập thể để tránh việc tụ tập đông người đối với HS”, cô giáo Đinh Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Him Lam, TP Điện Biên Phủ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ