Điện Biên ra công điện khẩn ứng phó bão Yagi

GD&TĐ - Để kịp thời phòng ngừa, khắc phục hậu quả mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành Công điện khẩn về việc tập trung ứng phó bão Yagi.

Dự báo hướng đi, vùng ảnh hưởng của bão Yagi lúc 8h30 ngày 7/9. (Ảnh: Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia)
Dự báo hướng đi, vùng ảnh hưởng của bão Yagi lúc 8h30 ngày 7/9. (Ảnh: Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia)

Theo nội dung công điện, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị quản lý hồ chứa theo chức năng, nhiệm vụ đình hoãn các cuộc họp không cấp bách; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, diễn biến, tình hình mưa bão; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai...

Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế; hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước…

Chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

458349714_915574693950293_5509754781247241217_n.jpg
Dự báo lượng mưa trong 24h tới ở tỉnh Điện Biên.

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu các đơn vị, chính quyền địa phương bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra…

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

“Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão, lũ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản”, công điện nêu rõ.

Trung tâm KTTVQG dự báo 13h ngày 7/9, bão Yagi đổ bộ vào vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần chú ý, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết phòng tránh mưa lớn kèm giông lốc, không chủ quan, lơ là trước siêu bão số 3, thực hiện nghiêm các thông báo, văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện, nhất là việc di dời khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cao, không đi ra ngoài địa bàn; không vớt củi, bắt cá tại các con suối khi mưa lớn xảy ra và thực hiện ngay các biện pháp gia cố nhà cửa tránh bị tốc mái, đổ, sập khi mưa bão xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.