Điện Biên: Không làm dự án vẫn thu hồi đất của dân

GD&TĐ - Không có bất kỳ dự án nào được triển khai, thế nhưng 200m2 đất của bà Trần Thị Tuất vẫn bị chính quyền huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên thu hồi. Sau 21 năm kể từ ngày nhận được giấy thông báo “mất đất” và gần 5 năm đi “gõ cửa” khắp nơi với mong mỏi đòi lại đất, đến nay bà Tuất vẫn “hai bàn tay trắng”. 

Lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã Núa Ngam phân trần với phóng viên.
Lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã Núa Ngam phân trần với phóng viên.

 Thu hồi đất bằng... miệng

Theo phản ánh của bà Trần Thị Tuất, trú tại bản Pá Ngam 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên thì từ năm 1998, gia đình bà nhận được thông báo của UBND xã Núa Ngam về việc sẽ làm cầu qua suối và được cán bộ xã cắm mốc vào khu đất mà gia đình đang sử dụng. Xã Núa Ngam thu hồi đất của gia đình bà trong khi không có thông báo bằng văn bản, đồng thời không có quyết định thu hồi. Đến năm 2009, xã Núa Ngam cho gia đình ông Trần Văn Tô (nguyên Trưởng Công an xã) thuê làm nhà trên diện tích đất nói trên để kinh doanh, buôn bán.

Không thấy diện tích đất bị thu hồi đưa vào sử dụng cho bất kỳ một dự án nào, trong khi năm 2009, tuyến đường Ta Lét - Mường Lói được cải tạo, nâng cấp theo dự án: Đường vành đai Pom Lót - Núa Ngam - Huổi Puốc và được phê duyệt tại Quyết định 1034/QĐ/BQP ngày 5/5/2009 của Bộ Quốc phòng, trong đó hạng mục cầu Núa Ngam không được thiết kế tại vị trí đã cắm mốc thu hồi của gia đình bà Tuất.

Tiếp đó, năm 2012, khi dự án hoàn thành, cầu không đi qua vị trí của gia đình mình, bà Tuất đã viết đơn kiến nghị và nhiều lần lên UBND xã Núa Ngam, UBND huyện Điện Biên và Sở TN&MT tỉnh Điện Biên đề nghị được trả lại đất nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Lúc họ thu hồi đất gia đình tôi có được nhận tiền bồi thường đâu. Nếu nhận tiền thì làm gì mà tôi không nhớ. Mà nếu tôi không nhớ thì Nhà nước còn có giấy tờ, sổ sách lưu lại chứ...”, bà Tuất gay gắt nói.

Trong quá trình đi đòi lại đất, bà Tuất và người đại diện đã nhiều lần làm việc với chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan song kết quả đều không được như mong muốn. Thậm chí, sau nhiều buổi làm việc, chính quyền huyện vẫn cứ “quẩn quanh” mãi không giải quyết dứt điểm vấn đề và trả lại đất theo nguyện vọng chính đáng của bà Tuất khiến mâu thuẫn càng trở nên gay gắt.

Dự án “ma”?

Có thông tin cho rằng, huyện Điện Biên đã triển khai một dự án “ma”, bởi đối chiếu các dữ liệu có khả năng liên quan thì không có dự án nào sử dụng 200m2 đất đã thu hồi của gia đình bà Tuất.

Chủ tịch UBND xã Núa Ngam Lường Văn Sơn 

Ông Lường Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam không đồng tình với quan điểm trên. “Trong Quyết định 1064/QĐ-TTg ngày 20/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi 200m2 đất của cô Tuất nhưng sau không biết như thế nào lại như thế. Khi Thanh tra tỉnh vào cuộc, họ kết luận thế nào lại bảo là diện tích đó không nằm trong Quyết định 1064 của Thủ tướng Chính phủ. Còn bây giờ về việc yêu cầu trả lại đất, trên chỉ đạo thế nào thì chúng tôi làm thế thôi”, ông Sơn cho biết.

Điều đáng nói, qua kết quả kiểm tra thì tổng diện tích đất thu hồi giao xây dựng đường Ta Lét - Mường Lói, đối với xã Núa Ngam được thẩm định không có danh sách hộ hoặc chủ sử dụng đất là bà Trần Thị Tuất.

Mặt khác, ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cũng thừa nhận phần diện tích đất của gia đình bà Tuất bám theo trục đường Pom Lót - Suối Lư, tại bản Pá Ngam 1, xã Núa Ngam theo sơ đồ kiểm tra phần đất đang cách điểm đầu tuyến công trình tại Km8+230m, đường tỉnh lộ Pom Lót - Suối Lư là hơn 40m và cách đầu cầu Pá Ngam khoảng 40m.

“Sau khi đi kiểm tra, xác minh toàn bộ hồ sơ gốc, ngày trước phê duyệt phương án là UBND tỉnh. Thẩm định phương án là do Sở Địa chính và Sở Địa chính tham mưu cho tỉnh phê duyệt phương án. Trong đó, ghi giá trị đất của bà Tuất là 0 đồng. Quá trình kiểm tra, dân vẫn có kiến nghị, tỉnh mới giao cho Thanh tra giải quyết. Chúng tôi đã phối hợp, qua xác minh thực tế thì tim cầu nằm cách nhà bà Tuất tận 40m”, ông Bình nói.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên từng trực tiếp xử lý vụ việc này hồi tháng 10/2016 nhưng bất thành. Đến nay, ông Khởi cũng thừa nhận 200m2 đất của bà Tuất không nằm trong các dự án được đề cập. Ông Khởi cho biết vụ việc này đã đi đến hồi kết.

“Trường hợp nhà bà Tuất thì đến giờ quan điểm xử lý dứt điểm đã rõ ràng rồi. Ngày xưa xã cho người ta thuê sai thẩm quyền... Lúc đó quyết định của Thủ tướng Chính phủ thu hồi diện tích này để làm cầu. Nhưng tư vấn khảo sát lại chuyển ra vị trí khác. Xác minh ra thì bà Tuất chưa nhận tiền đền bù. Xã thấy thế cứ bỏ hoang, rồi cho thuê để lấy tiền. Bây giờ tỉnh có chỉ đạo rồi thì phải trả lại cho người ta. Chúng tôi đang chỉ đạo xã yêu cầu ông Tô phá dỡ công trình xây dựng để trả lại đất cho bà Tuất”, ông Khởi nói.

Ngày 9/4/2019, UBND tỉnh Điện Biên đã có Công văn 908/UBND-BTCH về việc giải quyết kiến nghị của bà Trần Thị Tuất gửi UBND huyện Điện Biên. UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu huyện Điện Biên chỉ đạo xã Núa Ngam hủy hợp đồng thuê đất (200m2 nhà bà Tuất) giữa UBND xã với ông Trần Văn Tô, đồng thời ông Tô phải tháo dỡ công trình xây dựng để bàn giao cho bà Tuất sử dụng. UBND tỉnh Điện Biên còn yêu cầu UBND huyện Điện Biên nghiêm túc tổ chức thực hiện và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 25/4/2019. Thế nhưng cho đến nay, huyện thì vẫn đang trông chờ vào xã. Còn xã thì vẫn đang kêu khó và trông chờ ở cấp trên.

“Giờ thì vẫn đang mắc. Theo chúng tôi, huyện phải ra quyết định thì chúng tôi mới thực hiện được. Huyện mà không ra quyết định, đùng một cái bảo xã đi giao đất thì không đúng thẩm quyền. Giao đất cho cá nhân phải là huyện, còn giao cho tổ chức phải là cơ quan cấp tỉnh”, ông Lường Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.