Chính vì vậy cần phải có những sửa đổi phù hợp để tạo cơ hội cho nền điện ảnh nước nhà có những bứt phá và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.
Tạo đà phát triển
Điện ảnh là loại hình nghệ thuật duy nhất có luật riêng. Nhờ có hành lang pháp lý và các quy định trong Luật Điện ảnh mà sau 10 năm, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều bước tiến bộ.
Lĩnh vực điện ảnh đã thu hút, khuyến khích được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế. Nhiều chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội… đã mang đến những hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, các quy định về thành lập cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim, việc tổ chức, tham gia liên hoan phim, hội chợ phim đã đưa điện ảnh Việt Nam từng bước phát triển và hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế.
Theo báo cáo của ngành điện ảnh tính đến tháng 11/2016, cả nước đã có 450 doanh nghiệp tư nhân có chức năng, được phép sản xuất phim.
2 năm trở lại đây, sản xuất phim trung bình mỗi năm đã tăng khoảng 50% đến 60%. Về phát hành phim, hiện tại, trên cả nước có 145 rạp/cụm rạp với 520 phòng chiếu 83.500 ghế ngồi, vượt chỉ tiêu trong chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khoảng 35%.
Số lượng phim nhập khẩu về khá cao: Năm 2015 là 199 phim, năm 2016, tính đến tháng 11 là 177 phim. Cả nước còn có 270 đội chiếu phim lưu động với tần suất phục vụ trung bình là 50.000 buổi chiếu với 11.530.000 lượt người xem mỗi năm…
Tuy nhiên trong bối cảnh mới hiện nay, nhất là khoa học công nghệ và công nghiệp văn hóa ở nhiều nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ nên thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng cao.
Cũng vì vậy mà Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số bất cập và cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với vai trò trong quá trình phát triển kinh tế của xã hội.
Chính sách phải đi đôi với thực tế
Tại Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Điện ảnh đã diễn ra tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) đầu tháng 12 mới đây, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia - nêu ý kiến: Điều 30 của Luật quy định về xuất khẩu phim, nhập khẩu phim còn nhiều bất cập.
Cụ thể tại Mục 2 của Điều 30 quy định doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim”.
Tuy nhiên cần rộng mở hơn trong quy định này, đơn vị, cá nhân nào có điều kiện thì cho họ làm xuất nhập khẩu và phát hành, bỏ điều kiện phải có rạp, các nước cũng không yêu cầu như vậy. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác có thể tham gia nhập khẩu phim.
Các đại biểu cũng cho rằng quy định về việc dành quỹ đất để xây dựng rạp (tại Mục 6 Điều 5 của Luật Điện ảnh) còn chung chung, không đưa ra đâu sẽ là đơn vị chủ quản.
Với các tỉnh, thành có quy hoạch rồi thì phải có người đầu tư và Nhà nước đầu tư hay tư nhân? Đầu tư rồi quản lý như thế nào? Bên cạnh đó chi phí dành cho công tác chiếu phim lưu động tại các địa phương cũng cần phải xem xét.
Ông Nguyễn Xuân Trung - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bắc Ninh - đã nêu ra: Điều 34 của Luật nêu, ngân sách Nhà nước đảm bảo 100% chi phí với các buổi chiếu phim lưu động ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân; đảm bảo 50% - 80% chi phi ở vùng nông thôn cho các đội chiếu phim lưu động.
Đây là điều khó đối với các địa phương như Bắc Ninh, vì không có miền núi, không có vùng sâu, vùng dân tộc… nên khi đi chiếu ở nông thôn, chỉ được đảm bảo 50 - 80%, số còn thiếu không biết lấy kinh phí ở đâu để bù.