Điểm tập kết rác “xanh” ở Đà Nẵng: Thổi hồn sự sống cho bãi đất trống ô nhiễm

GD&TĐ - Thời gian trước, bãi đất trống ở phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng từng là một địa điểm khiến nhiều nhà quản lý “đau đầu” vì là điểm nóng rác thải. Giờ đây bài toán khó ấy đã được giải.

Điểm tập kết rác “xanh” ở Đà Nẵng ( Ảnh Phòng TN&MT quận Thanh Khê)
Điểm tập kết rác “xanh” ở Đà Nẵng ( Ảnh Phòng TN&MT quận Thanh Khê)

Điểm "nóng" từng bị rác thải bủa vây

Chúng ta chỉ mất một vài giờ để dọn sạch một bãi rác tự phát, nhưng có thể mất hàng năm để người dân từ bỏ thói quen vứt rác tại đó. Chuyện rác, ngỡ là chuyện rất nhỏ, nhưng lại rất sát sườn. Cuộc sống của chúng ta có thể bị ảnh hưởng rất lớn nếu bên cạnh nhà bị bủa vây bởi rác. Đa phần chúng ta sẽ phản ứng rất mạnh, nếu có ai đó muốn đặt một bãi rác sát nhà mình. Ta chỉ muốn “xua” nó thật xa nơi mình sống, vì không muốn chịu cảnh rác tràn ngập và mùi xú uế tấn công.

Nhưng ngược lại, cũng có những người sẵn sàng “tiện tay” ném rác vệ đường, trong một bãi đất bỏ hoang. Người này tiện tay vứt toẹt một túi, người kia “để nhờ” một vài món đồ cũ không biết ném đi đâu… Thế là một bãi rác tự phát hình thành.

Những bãi rác nhỏ ấy chính là nơi khó dọn sạch nhất vì nhiều người sẽ có suy nghĩ là đến chiều, đến mai, công nhân vệ sinh sẽ đi qua và dọn sạch, những túi rác sẽ "tự động" biến mất… Cứ như thế, những bãi rác trở thành “điểm nóng”, dọn mãi mà không hết.

Điểm tập kết rác “xanh” ở Đà Nẵng: Thổi hồn sự sống cho bãi đất trống ô nhiễm  ảnh 1

Điểm tập kết rác “xanh” ở phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đã từng là một địa điểm như thế. Anh Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê nhớ lại: “Trước đây, điểm tập kết rác này là một bãi đất trống, cây cỏ hoang hóa, người ta đổ rác trộm, bỏ xà bần, gây ô nhiễm môi trường, dần dần tạo thành một bãi rác. Nhưng điểm tập kết rác vẫn bị người dân phản ứng. Do địa thế ở trung tâm quận, đối diện khu dân cư, các xe rác phải để ở vỉa hè, phần nào cũng phản cảm. Đã vậy, khi công nhân vệ sinh kết thúc việc thu gom, về nhà thì điểm tập kết này không ai quản lý, người dân ra đổ trộm rất nhiều”.

Anh Trần Ngọc Hiệp, Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê, một trong những người tham gia và rất tâm huyết với dự án điểm tập kết rác xanh này cũng chia sẻ, thời gian trước anh “mất ăn mất ngủ” mỗi khi ra khảo sát bãi đất trống này. Do khu vực thường xuyên bị tái ô nhiễm, “điểm nóng” này lại là nơi tiếp giáp các khu dân cư lớn nên khó xử lý triệt để. Nhiều công sức của người thực hiện cũng như ngân sách đã đổ vào mà vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Không muốn phí hoài nỗ lực của tập thể, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê nảy ra ý tưởng muốn "hô biến" nơi đây thành một điểm tập kết rác văn minh, hiện đại, vừa đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật thu gom và xử lý rác thải, vừa thân thiện với môi trường và con người. Bên cạnh đó, yếu tố tiên quyết mà những người thực hiện dự án nhắm đến đó là góp phần thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về rác thải.

Bãi đất trống đầy rác "lột xác" thành điểm tập kết xanh. ( Ảnh Phòng TN&MT quận Thanh Khê)
Bãi đất trống đầy rác "lột xác" thành điểm tập kết xanh. ( Ảnh Phòng TN&MT quận Thanh Khê)

Từ ý tưởng cải tổ đến việc thay đổi văn hóa của người dân

Anh Lê Trung Minh Tân cho biết, qua khảo sát của các kỹ sư, đề nghị của Ủy ban phường và xuất phát từ khuôn khổ Dự án Đô thị giảm nhựa của WWF tại thành phố Đà Nẵng, các bên đã phối hợp xây dựng phương án để xây dựng một điểm tập kết rác “xanh”. Sự khác biệt quan trọng để “lột xác” điểm nóng, đó là hiện thực hóa tổ hợp bao gồm phông che chắn rác kiên cố; cây xanh, hoa cảnh góp phần tạo mỹ quan khu vực và giúp giảm mùi hôi; vẽ tranh bích họa tuyên truyền; lắp camera giám sát việc thực hiện thu gom rác cũng như phạt nguội người vi phạm.

Anh Trần Ngọc Hiệp tâm sự, điểm tập kết rác “xanh” này là mô hình tiên phong ở Đà Nẵng, được những người thực hiện dự án rất tâm huyết. “Khó khăn nhất là thuyết phục người dân đồng thuận cho làm khu tập kết rác chính thức. Người ta ngần ngại ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như cảnh quan chung của khu vực. Chúng tôi vất vả họp dân nhiều lần, kêu gọi quyên góp, nhiều phiên thuyết phục hụt lắm. Nhưng dần dần tác động, tuyên truyền cho người dân rồi hoàn thiện mô hình, thuyết minh ý tưởng, người dân cũng đã chấp thuận”.

Điểm tập kết rác “xanh” ở Đà Nẵng: Thổi hồn sự sống cho bãi đất trống ô nhiễm  ảnh 3

Anh nói thêm, ý tưởng về việc làm một điểm tập kết rác kiên cố là để thuận tiện cho  anh chị em công nhân Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê tác nghiệp, có chỗ chờ để xe cuốn ép đến thu gom rác. Việc vẽ tranh bích họa tuyên truyền là để tạo thiện cảm, thay đổi cái nhìn của người dân.

Mặc dù vậy, họ vẫn phải tính toán để sự kiên cố đó không gây bí, tạo thành “hầm metan” gây ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân vệ sinh và khó khăn trong thao tác. Thế nên ý tưởng trồng cây xanh phủ xung quanh và trên mái kiến trúc được áp dụng. Giàn cây leo vừa tạo cảnh quan xanh, kín đáo, ngay cả người dân ở trên cao nhìn xuống cũng thấy có thiện cảm, lại vừa tạo được độ thông thoáng cho khu tập kết.

Bên cạnh đó, khu đất trống xưa um tùm cây cỏ mọc hoang, rác xà bần ngổn ngang… nay đã trở thành một sân chơi cho người dân. Khu tập kết rác cũng được xếp đặt sạch sẽ lịch sự, không gây cản trở tới việc người dân ra sân chơi sinh hoạt, thể dục thể thao.

Đặc biệt, khi chuyên viên đề xuất ý tưởng táo bạo là lắp camera ở bãi rác, lãnh đạo quận Thanh Khê, phường An Khê và nhân dân đã rất ủng hộ. Trên thực tế, việc lắp camera đã hạn chế việc bỏ rác trộm và vứt rác bừa bãi; các công nhân cũng có ý thức hơn trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

Với anh Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê, thành công đáng ghi nhận nhất của dự án này đó là điểm tập kết “xanh” đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong khu vực và góp phần giáo dục ý thức, thay đổi được thói quen xấu của một số người dân. Mô hình thắng lợi là do có hiệu quả tức thì, người dân được thấy bằng mắt, tai, mũi của mình.

Điểm tập kết rác được xây dựng tại khu đất trống, không có nguồn nước để duy trì cây xanh, nên sáng sáng người dân đi tập thể dục mang nước ra tưới cây. Điều này tạo ra sự kết nối, gắn bó của người dân với tổ hợp này. Họ có cảm tình với cảnh quan và tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khu vực mình sống.

 Điều chúng tôi muốn thay đổi là văn hóa của người dân. Không chỉ là việc họ không xả rác ở đó nữa mà còn là việc họ chung tay bảo vệ, chăm sóc hay đơn giản là cùng tận hưởng không gian ở đó. Đó là một không gian mà người dân có thể dạo bộ, vãn cảnh, người công nhân cũng có thể thoải mái làm việc. Đó là cách mà dự án thổi sức sống vào không gian của điểm tập kết xanh”.

Những bãi đất trống dễ trở thành những điểm nóng rác thải nếu người dân không có ý thức giữ gìn.( Ảnh Phòng TN&MT quận Thanh Khê)

Những bãi đất trống dễ trở thành những điểm nóng rác thải nếu người dân không có ý thức giữ gìn.( Ảnh Phòng TN&MT quận Thanh Khê)

Mở rộng mô hình tiên phong, điểm tập kết rác xanh

Nếu như trước kia, những nhà quản lý, kỹ sư, tình nguyện viên bị “chất vấn” về việc tại sao lại làm một điểm tập kết rác giữa lòng thành phố, thì với thành công của dự án, những lợi ích cho môi trường cũng như hiệu quả “sát sườn” với người dân, nhiều phường khác cũng muốn học hỏi.

Tổ hợp điểm tập kết rác “xanh” đã trở thành mô hình điểm đầy tự hào của quận Thanh Khê nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung trong lĩnh vực môi trường. Sự thay đổi mạnh mẽ nhất là đảm bảo mỹ quan đô thị, giảm nhẹ công việc của công nhân môi trường, an toàn cho các phương tiện sau khi kết thúc một ngày lao động sản xuất.

Điểm tập kết rác “xanh” ở Đà Nẵng: Thổi hồn sự sống cho bãi đất trống ô nhiễm  ảnh 5

Chuyên viên Trần Ngọc Hiệp thì nhận định, rào cản lớn nhất trong việc nhân rộng mô hình điểm chính là cần không gian đủ rộng. Với địa bàn quận Thanh Khê đông dân, tìm được điểm tập kết để xây dựng tổ hợp giống mô hình là một điều nan giải, làm không khéo thì có thể không đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Mô hình sau đó đã được nhân rộng đến 3 điểm khác trong quận Thanh Khê. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các phường và Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê để nghiên cứu tổng thể cảnh quan của địa bàn, phù hợp thực tế, nhu cầu và đáp ứng của mặt bằng từng khu vực.

Một trong những thách thức lớn là tại các phường trung tâm, không còn điểm tập kết lớn nữa. Năm 2018, quận Thanh Khê có 21 điểm tập kết rác, nay chỉ còn 11 điểm, áp lực rất lớn. Cho đến nay, chúng tôi đã nhân rộng mô hình tại 3 điểm nữa, 2 điểm ở đường Trường Chinh và 1 điểm ở đường Yên Khê 2; có kế thừa các điểm mạnh của tổ hợp như tường bích họa cổ động trực quan.  Nếu có thêm các điểm tập kết rác xanh, người dân được lợi thêm mà không thiệt hại gì. Việc lên ý tưởng, thuyết phục dự án, bảo vệ được điểm tập kết rác xanh và nhân rộng mô hình đến các địa phương khác sẽ rất cần sự đồng thuận của nhân dân”.

Nhưng đó vẫn là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, người dân quận Thanh Khê cũng như những người thực hiện dự án tổ hợp tập kết rác “xanh” tạm hài lòng với vẻ đẹp mà mình tạo ra. Chẳng cần là kỳ quan gì to tát, chỉ là người ta có thể nhìn thấy sự đổi thay của nơi trước đây từng ngập ngụa trong rác được dọn sạch và trở thành một cảnh tượng hoàn toàn mới, khác xa với hàng tấn rác thải nằm chồng chất, thế là đủ.

Cùng với thành phố Rạch Giá và tỉnh Phú Yên, thành phố Đà Nẵng là một trong ba địa phương được WWF ưu tiên thực hiện khảo sát đánh giá và lựa chọn để tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF từ năm 2018. Tại thành phố Đà Nẵng, quận Thanh Khê được chọn là khu vực thí điểm triển khai đồng bộ các giải pháp để hướng đến mục tiêu giảm 30% thất thoát rác nhựa sau 2 năm và không còn rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Với sự hỗ trợ của WWF và tư vấn, UBND quận Thanh Khê đã ban hành Kế hoạch Hành động quản lý rác nhựa tới năm 2025 với các mục tiêu tập trung vào công tác truyền thông - giáo dục; thu gom, phân loại, xử lý, tái chế; kiểm soát ô nhiễm; hợp tác quốc tế; và xây dựng cơ chế để quản lý rác thải hiệu quả hơn.

Hoạt động xóa điểm nóng rác thải và xây dựng điểm tập kết xanh là một trong các hoạt động quan trọng của Kế hoạch hành động chi tiết của năm 2021 do Phòng TN&MT quận Thanh Khê đề xuất. Hoạt động này không chỉ trực tiếp ngăn chặn thất thoát rác nhựa mà còn giúp cải thiện hệ thống thu gom rác của địa phương được hiệu quả hơn, trả lại đường phố và không gian đô thị sạch đẹp cho cộng đồng dân cư, cũng như góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động chung tay bảo vệ môi trường của người dân.

WWF đã cùng với Phòng TN&MT quận Thanh Khê thảo luận và xây dựng kế hoạch phối hợp để phân công vai trò, nhiệm vụ của các bên liên quan nhằm đảm bảo quá trình triển khai được hiệu quả. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí để dọn rác, xây dựng điểm tập kết, trồng cây xanh và lắp đặt camera giúp chính quyền địa phương có thể quản lý và giám sát tốt hơn các hành vi xả thải không đúng nơi quy định, các Cán bộ Dự án của WWF đã cùng Chuyên viên của Phòng tham gia giám sát đơn vị thi công dọn vệ sinh, đảm bảo điểm tập kết được quy hoạch đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, và xây dựng nội dung tuyên truyền thông qua tranh vẽ bích hoạ nhằm tạo mỹ quan cho khu vực cũng như nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của người dân. Trong thời gian tới, WWF sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương để đảm bảo điểm tập kết xanh được duy trì vận hành hiệu quả cũng như tránh để tái nhiễm hay phát sinh các điểm nóng mới trên địa bàn.

Bên cạnh điểm tập kết tại đường Phan Xích Long, WWF cũng tiếp tục cùng quận Thanh Khê tăng cường nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân khi hỗ trợ vẽ tranh bích họa tại 3 điểm tập kết rác khác tại đường Trường Chinh và đường Yên Khê 2. Mô hình điểm tập kết “xanh” cũng sẽ được WWF nhân rộng tại thành phố Rạch Giá trong thời gian sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.