Điểm sáng GD trên dãy Hoàn Liên mù sương

Điểm sáng GD trên dãy Hoàn Liên mù sương

(GD&TĐ) - Sau 3 giờ đồng hồ ngồi xe gập ghềnh lượn quanh dưới chân dãy Hoàng Liên hùng vĩ, chúng tôi đến Trường Tiểu học Suối Thầu - Sa Pa vào một ngày nắng mùa xuân. Dưới thung sâu Tả Van hay trên những vạt nương của xã Bản Hồ, Suối Thầu, những cánh đồng đang “nhàn rỗi” nghỉ đông sau vụ mùa.

Giờ học của học sinh Trường tiểu học Trung Chải.
Giờ học của học sinh Trường tiểu học Trung Chải.

Điểm trường chính mới được xây dựng tương đối khang trang, một khu nhà 2 tầng dành cho các em học sinh và một dãy bao gồm phòng hội đồng của trường và 2 phòng tập thể dành cho các thầy cô giáo của cả 3 cấp: trường mầm non, tiểu học và trường THCS Suối Thầu.

Các thầy, cô hầu hết là ở các nơi khác đến đây lập nghiệp. Trong hơn 20 giáo viên ở điểm trường chính thì chỉ có 4 - 5 giáo viên là người có hộ khẩu thuờng trú tại huyện Sa Pa còn lại là thầy cô giáo đến từ các huyện như Bảo Thắng, thành phố Lào Cai, rồi các tỉnh khác như Phú Thọ, Tuyên Quang…

Mỗi thầy, cô giáo một hoàn cảnh, có người đã đoàn tụ gia đình ở đây, có người còn thấp thỏm vì con cái còn ở dưới xuôi đang gửi ông bà, anh chị, và có những cô giáo chưa lập gia đình. Nhưng dường như những khó khăn đó cùng với sương gió vùng cao không làm các thầy cô giáo giảm đi sự nhiệt tình, lòng say mê nghề.

Thầy giáo Đỗ Công Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Suối Thầu cho biết: các thầy cô giáo nơi đây, cả giáo viên cấp 1 và cấp 2 đều rất gắn bó với nghề. Mấy năm trước, nhà trường chưa có cơ sở khang trang như hiện nay, đường giao thông đi lại khó khăn nhưng các thầy cô không nản lòng. Đa số là các thầy cô giáo trẻ ở đây chưa lập gia đình, cuộc sống vùng cao còn nhiều thiếu thốn, điện lưới thì mới có, nhà dân lại không tập trung, trạm xá, bệnh viện thì xa, thế nhưng các thầy cô giáo vẫn bám lớp, bám bản để “gieo chữ” lên những rẻo cao khó khăn này.

Giờ thì khác rồi, nếu phải xa các em học sinh ở đây, chắc sẽ rất buồn, thầy Vũ Quốc Bảo, Trường Tiểu học Suối Thầu tâm sự. Còn thầy Hoàng Văn Tiến, nhà ở huyện Bát Xát thì dễ dàng thích nghi hơn vì “nhà em cũng ở vùng cao, em đã quen với cuộc sống này. Em nghĩ, mình cũng là người con của núi, được đem cái chữ đã học đến chia sẻ cho đồng bào mình là một niềm hạnh phúc”.

Giờ lên lớp của cô giáo Minh Phương.
Giờ lên lớp của cô giáo Minh Phương.

Có một điều mà các thầy cô giáo nơi đây rất phấn khởi, đó là sự vào cuộc của cha mẹ học sinh. Cô giáo Minh Phương, Trường Tiểu học Suối Thầu cho biết: Các em học sinh ở đây rất thích đi học đến lớp rất đều. Có 2 em học sinh lớp 1 cô dạy, nhà ở Bản Pho, cách trường 5 cây số nhưng 2 em ngày nào cũng đi học đầy đủ.

Các thầy cô giáo không phải đi vận động khổ sở như nhiều nơi vùng cao khác, đến nhà học sinh được cha mẹ các em ủng hộ rất nhiệt tình. Đây cũng là một trong những nguồn động viên lớn với thầy cô chúng em - cô Phương xúc động chia sẻ. Có lẽ bởi vậy mà các thầy cô giáo gắn bó với vùng cao quanh năm sương trắng này. Có thầy cô đã “đóng chân” nơi này trên chục năm, như thầy giáo Đỗ Công Hoàn, cô giáo mầm non Thẩm Thị Bình…

Trường tiểu học Trung Chải là một trường đặc thù vùng cao với 70% học sinh là đồng bào dân tộc Mông, gần 30% là dân tộc Dao, chỉ có duy nhất 2 học sinh là dân tộc Kinh. Mặc dù gần ngay thị trấn Sa Pa, nằm sát quốc lộ 4D nhưng các thầy cô giáo trong trường cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt cũng như trong công tác vận động học sinh đi học.

Thầy giáo Hoàng Văn Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đặc thù của người dân Trung Chải cũng như bao địa phương vùng cao khác đó là đồng bào sống không tập trung. Có nhiều điểm trường cách xa, đi lại khó khăn như điểm trường Pờ Xì Ngài, điểm trường họ Giàng ở thôn Móng Sến 1, rất khó khăn cho thầy cô giáo trong công tác vận động học sinh đi học, đặc biệt vào những ngày “kiêng gió” của đồng bào Dao, hay những ngày có ma chay của đồng bào Mông, học sinh thường không đi học.

Theo phong tục của đồng bào dân tộc Dao, ngày “kiêng gió” có thể được đi chơi nhưng không được làm việc, học hành, còn đồng bào Mông, ngày ma chay là ngày được diện những bộ quần áo đẹp nhất, do đó các em học sinh cũng như tâm lý của nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình đi học vào những dịp này. Vậy là các thầy cô giáo phải vào cuộc, vận động cả phụ huynh lẫn học sinh.

Điểm trường thôn Suối Thầu Mông (thuộc Trường tiểu học Suối Thầu.
Điểm trường thôn Suối Thầu Mông (thuộc Trường tiểu học Suối Thầu.

Khó khăn là vậy, gian khó là vậy, song những người chiến sỹ văn hoá vẫn miệt mài với công việc “cõng chữ lên non”, gắn bó với người dân, với học sinh vùng cao, và họ cũng gắn bó với nhau để cuộc sống nơi sương giá này được sưởi ấm.

Điển hình như anh Hoàng Văn Cương và chị Nguyễn Thị Nga, gặp và quen nhau ở Bản Khoang, anh chị se tơ kết tóc và cùng đưa nhau về Trung Chải. Đến nay anh chị cũng đã gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao hơn chục năm. Hay như vợ chồng người Mông bản địa Sa Pa, thầy Châu Hoà Bình và cô Hạng Thị Phương cũng đã công tác ở trường được 9 năm.

Có cô giáo Phạm Thị Vĩnh quê ở tận Nghệ An, tự nguyện lên vùng cao để dạy chữ cho các em học sinh nơi đây. Thời gian thấm thoát cũng đã có 11 năm cô Vinh gắn bó với học sinh ở phân hiệu km28. Nhìn những bản làng thưa thớt nhà, hẳn không ai nghĩ rằng những thầy, cô giáo nơi đây lại nặng lòng với giáo dục vùng cao đến thế.

Chia tay Sa Pa trong buôi chiều muộn, nắng đã tắt từ lâu trên những thửa ruộng bậc thang, chúng tôi trở về phố đông nhộn nhịp, ồn ào. Vương vấn trong tim là những ánh mắt thơ ngây của các em học sinh, là sự tận tâm, sự yêu nghề của các thầy cô giáo vùng cao, lấp lánh, toả sáng một trời mù sương giá lạnh.

Bài, ảnh: Ngọc Hiếu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ