Dịch vụ dạy thêm Nhật Bản vươn ra thị trường thế giới

Dịch vụ dạy thêm Nhật Bản vươn ra thị trường thế giới

(GD&TĐ) - Đối phó với thị trường trong nước đang giảm sút, các công ty kinh doanh hoạt động dạy thêm đang tìm hướng mở rộng phát triển phương pháp giảng dạy kiểu Nhật sang các quốc gia châu Á, nơi tỉ lệ sinh cao hơn và kinh tế phát triển giúp người dân tăng chi cho giáo dục.

Eikoh Inc, một công ty có trụ sở tại Tokyo có khoảng 420 trung tâm dạy thêm trên cả nước, đã mở một trung tâm tại Hà Nội mới đây. Đây là bước đột phá chính thức đầu tiên xâm nhập thị trường nước ngoài của Eikoh Inc. “Có một số lượng lớn phụ huynh nhiệt thành với chuyện giáo dục của con cái” – một nhân viên giải thích vì sao Eikoh chọn Việt Nam để mở trường đầu tiên ở nước ngoài. Ngôi trường tại Thủ đô này sẽ dạy tiếng Việt, toán, Anh ngữ và khoa học cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 9. Theo tờ rơi quảng cáo thì “trường sẽ cải thiện kiến thức trẻ em Việt Nam” và “giáo viên được đào tạo triển khai phương pháp dạy học của Nhật Bản”. Khoảng 10 giáo viên người Việt Nam của trường này đã học kĩ năng giảng dạy tại Nhật Bản. 

Điểm nhấn “hút khách” của trường, theo Eikoh, là khuyến khích học sinh tư duy qua trao đổi nhiều với giáo viên thay cho cách dạy giáo viên độc thoại trước lớp. Eikoh cũng mang tới cái gọi là “kiểu mẫu phục vụ của người Nhật” bằng việc phỏng vấn phụ huynh và giữ mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh trong quá trình học. Đối tượng mà trường này nhắm tới là lớp cư dân thu nhập hạng trung, với mức học phí từ 4.000 (40 USD) đến 6.000 yên/ tháng.

Học sinh Ấn Độ tìm hiểu cơ chế hoạt động của kính tiềm vọng (lắp trên tàu ngầm) tại trung tâm Gakken
Học sinh Ấn Độ tìm hiểu cơ chế hoạt động của kính tiềm vọng (lắp trên tàu ngầm) tại trung tâm Gakken

Gakken Holdings Co., nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tại Tokyo cũng đang nhắm tới thị trường châu Á. Công ty này chuyên về mở các lớp học sâu về khoa học ở bậc tiểu học từ năm 2002. Những bài học về khoa học mang nhiều tính thực tiễn ứng dụng và thực hành. Ví dụ như học về cách làm ra pin bằng đồng và kẽm, hay giải thích cơ chế hoạt động của kính tiềm vọng. Gakken có hơn 360 thí nghiệm cho các bài giảng của mình. 

Hiện tại, khoảng 370.000 trẻ em học các bài giảng khoa học kiểu trên tại Ấn Độ, Thái Lan và Hồng Kông. Gần 90% học viên là tại Ấn Độ. Rajesh Pandya, phụ trách chi nhánh Gakken tại Ấn Độ, cho biết lí do chính khiến Gakken phải vươn sang châu Á là bởi viễn cảnh thị trường Nhật ảm đạm do tỉ lệ sinh giảm. Tuy nhiên Gakken tự tin rằng mô hình giáo dục dựa nhiều vào thực hành thí nghiệm mang lại niềm thích thú khoa học cho trẻ em. Gakken có kế hoạch mở rộng hoạt động sang Trung Quốc và Việt Nam.

Tact Co., một công ty Nhật có 900 cơ sở dạy thêm ở Nhật, đã mở rộng hoạt động sang Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc kể từ năm 2008. Meiko Network Japan Co., một công ty dạy thêm khác có trụ ở tại Tokyo, đã kết hợp với một công ty dạy thêm tại Hàn Quốc mở các lớp học hồi tháng 2 cho những học sinh Hàn Quốc sống tại Nhật.

Triển vọng mờ mịt của dịch vụ dạy thêm tại Nhật được thể hiện qua số trẻ em giảm. Năm 2000, Nhật Bản có 18,51 trẻ em từ 0 đến 14 tuổi, tương đương 14,6% dân số. Đến năm 2013, giảm xuống chỉ còn 16,49 triệu, khoảng 12,9% dân số. Viện Dân số quốc gia dự đoán nhóm tuổi này sẽ giảm còn chưa tới 15 triệu năm 2019. Ngược lại, nhóm trẻ độ tuổi trên tại Ấn Độ chiếm 29% dân số, với Việt Nam là 24% và Thái Lan là 21%.

Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế Nhật vẫn tiếp diễn, phụ huynh tằn tiện hơn với chi giáo dục của con cái. Mức chi trung bình hàng tháng cho học thêm ngoại khóa là 14.168 yên – giảm nhẹ một chút so với những năm trước.

Bảo Chi (Tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.