Dịch tả châu Phi lan ra 48 tỉnh thành, hơn 2 triệu con lợn bị tiêu huỷ

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, nếu không có giải pháp tích cực, dịch tả lợn châu Phi sẽ lan rộng, vào cả những hộ chăn nuôi lớn.

Dịch tả châu Phi lan ra 48 tỉnh thành, hơn 2 triệu con lợn bị tiêu huỷ

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 31/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thông tin với các đại biểu về dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông, đây là vấn đề rất lớn, trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra với ngành chăn nuôi trên thế giới. Dịch đã lan đến Việt Nam, trong khi đó ngành chăn nuôi lợn nước ta chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp; giá trị ngành nông nghiệp hiện khoảng một triệu tỷ đồng thì chăn nuôi lợn chiếm khoảng 90.000 tỷ, gần bằng 10%. Khu vực này giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ, 10.000 hộ trang trại quy mô lớn và vừa.

Trong cơ cấu thực phẩm, thịt lợn chiếm 70% về thịt trong bữa cơm hàng ngày của người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Võ Hải

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Võ Hải

Bộ trưởng Cường nói, khi dịch xảy ra ở Trung Quốc ngày 23/8/2018, sau một tuần Việt Nam đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngăn chặn từ xa bằng các biện pháp kiểm soát cửa khẩu, biên giới. Đáng tiếc là đến ngày 1/2, ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên.

Dù các cơ quan chức năng, hộ chăn nuôi, người dân đã triển khai nhiều giải pháp, song do những đặc thù của loại bệnh này, đến nay dịch đã lan tới 48 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với 2 triệu con lợn (117.000 tấn) bằng 6,5% tổng đàn lợn toàn quốc. "Đây là thiệt hại vô vùng lớn", ông Cường nói.

Dự báo thời gian tới, với tình hình thời tiết phức tạp, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc thù của bệnh, thì nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi chưa có; quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày; lan vào những hộ chăn nuôi lớn.

Theo ông, về giải pháp kỹ thuật phòng, chống dịch, an toàn sinh học là biện pháp duy nhất đến lúc này; tất cả các trang trại lớn chưa có dịch do đảm bảo an toàn sinh học tốt.

"Chúng ta còn 94% đàn lợn sạch, chưa có bệnh nên cần tuyên truyền các biện pháp phòng dịch", ông Cường nhấn mạnh.

Đề phòng khủng hoảng thiếu thịt lợn, Bộ Công Thương đã cùng các đơn vị liên quan bàn giải pháp dự trữ thịt lợn đông lạnh, Chính phủ sẽ có biện pháp khuyến khích hỗ trợ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân không tăng đàn lợn lúc này, vì nguy cơ rủi ro cao; thúc đẩy các nhóm chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò); gia cầm; thuỷ sản.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang tập trung nghiên cứu vắcxin; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân và các thành phần kinh tế.

"Thủ tướng đã giao ngành nông nghiệp tổng kết 10 năm ngành chăn nuôi để xây dựng kịch bản, chiến lược chăn nuôi mới; chúng tôi sẽ trình vào tháng 10 tới", ông Cường nói.

Tranh luận về việc hàng trăm dự án vướng Luật Quy hoạch

Ông Phùng Văn Hùng - Thường trực Uỷ ban Kinh tế tranh luận với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình) về Luật Quy hoạch. Theo đó, ông Hùng cho rằng nhận định của ông Phương về việc hàng trăm dự án ngừng trệ không thể triển khai do bất cập của Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ đầu năm 2019) là "sự phóng đại quá mức".

Ông Hùng phân tích, trước khi có Luật này, hệ thống quy hoạch của Việt Nam còn "tư duy nhiệm kỳ", tạo ra nhiều xung đột liên quan tới đất đai. "Luật Quy hoạch ra đời là giúp hình thành hệ thống quy hoạch quy củ, có tầng lớp và đề cao tính tuân thủ", ông Hùng nói và một lần nữa khẳng định sự không đồng tình với đại biểu Phương khi phủ nhận vai trò của Luật Quy hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Phương giơ biển tranh luận lại, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị "các đại biểu gặp riêng để thảo luận".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 30/5, ông Nguyễn Ngọc Phương nói hàng trăm dự án cấp quốc gia, tỉnh và ngành phải dừng lại vì vướng Luật quy hoạch. Ông đề nghị Chính phủ chấp thuận cho các dự án đã được duyệt hồ sơ thẩm định trước năm 2018, đặc biệt là dự án nằm trong quy hoạch phát triển điện lực và lĩnh vực khoáng sản.

Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi những bất cập của Luật Quy hoạch, ban hành nghị quyết riêng về việc chuyển tiếp trước khi các dự án quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh của nhiệm kỳ 2021-2030 được phê duyệt.

Quan điểm của ông Phương cũng không nhận được ý kiến đồng tình từ ông Đỗ Văn Sinh - Thường trực Uỷ ban Kinh tế. Ông Sinh tranh luận, Chính phủ mới ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều để thi hành Luật; chưa triển khai trong thực tiễn, chưa được đánh giá tác động, vì thế chưa có cơ sở để đánh giá vướng mắc.

Trước ý kiến cho rằng Luật Quy hoạch khiến nhiều dự án gặp vướng mắc, không thể triển khai, ông Sinh đề nghị Chính phủ báo cáo rõ "vướng mắc ở nội dung, điều luật nào".

Thời điểm tăng giá điện không phù hợp

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang nhận xét công tác tham mưu chính sách ở một số Bộ, ngành còn hạn chế.

"Tham mưu chưa bám vào tình hình thực tiễn để xây dựng chính sách; thực hiện chỉ đạo của các cấp thẩm quyền chậm, kéo dài... gây bức xúc trong dư luận xã hội", bà nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Đơn cử việc tăng giá điện vừa qua, bà Kim Bé đồng ý với giải trình của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trước Quốc hội. Tuy nhiên bà cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc của người dân là tham mưu thời điểm tăng giá điện không phù hợp; ngoài ra người dân cho rằng phải xem lại cách tính giá điện bậc thang, biểu giá điện...

Trường hợp nữa được bà Bé nhắc đến là việc tham mưu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nước mắm làm dư luận xôn xao, báo chí tốn giấy mực phân tích. Cuối cùng Chính phủ phải vào cuộc thì mới lắng xuống.

Bà nhấn mạnh, Chính phủ và các Bộ, ngành cần rà soát, xem xét lại công tác tham mưu chính sách, hạn chế thấp nhất bức xúc dư luận.

Từ ngày 20/3 giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%. Việc tăng giá này nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, nhiều phản ánh việc hoá đơn điện tăng đột biến sau tăng giá.

Thời điểm tăng giá điện, theo Chính phủ, được tính toán trên cơ sở đồng bộ với các điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí... Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%, ở mức 3,3-3,9%, thấp hơn mức 4% Quốc hội thông qua.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.