Địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT: Xu thế tất yếu: An toàn, nghiêm túc: Mục tiêu hàng đầu

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020, các địa phương bắt tay vào xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi. Những giải pháp bảo đảm kỳ thi an toàn, minh bạch, nghiêm túc được đặc biệt chú trọng.

Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2019 tại TPHCM. Ảnh: Nga Phan
Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2019 tại TPHCM. Ảnh: Nga Phan

Chuẩn bị kỹ càng

Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, việc giao chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập ban chỉ đạo thi THPT cấp tỉnh; Mỗi tỉnh, thành tổ chức một hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì; Mỗi hội đồng thi có các điểm thi để tổ chức khâu coi thi; Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập hội đồng thi và các ban của hội đồng thi… hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 và tiến tới giao quyền tự chủ trong công tác thi, tuyển sinh. Các địa phương cũng đang lên kế hoạch cụ thể để chuẩn bị nhân lực, vật lực cho kỳ thi THPT sắp tới.

Điều mà các địa phương quan tâm chính là giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch trong kỳ thi THPT - năm đầu tiên giao cho các địa phương tổ chức. Đặc biệt là khâu chọn nhân sự, lắp camera, tăng cường thanh tra, bảo quản đề, bài thi… Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là hợp lý. Địa phương chủ động trong bố trí kinh phí, nhân sự để làm công tác coi thi và chấm thi. 

Về khâu tổ chức thi và thanh kiểm tra, theo bà Quyên Thanh, kỳ thi THPT năm nay, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tăng cường thanh tra cắm chốt, ứng dụng công nghệ thông tin và một số quy trình về mặt kỹ thuật để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Đối với công tác chấm thi, hiện quy chế hướng dẫn về chấm thi đã phù hợp, khu vực chấm thi trắc nghiệm đã được bố trí camera giám sát 24/24 giờ nên bảo đảm khách quan, minh bạch, không xảy ra tiêu cực…

Theo bà Quyên Thanh, hằng năm Bộ GD&ĐT đều có cải tiến một số khâu về kỹ thuật và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 chứng minh điều đó. 

Theo lãnh đạo nhiều địa phương, để bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, bên cạnh giải pháp hành chính, về mặt kỹ thuật, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử. Đặc biệt là các giải pháp bảo đảm kỳ thi an toàn, minh bạch, nghiêm túc với quy trình thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhằm tạo sự minh bạch, công bằng giữa người học trên toàn quốc. Ở khâu chấm thi, việc chấm kiểm tra 5% số bài thi rút ngẫu nhiên là cần thiết. 

Bên cạnh đó, trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ quyết định thành lập hội đồng chấm thẩm định toàn bộ hoặc một số bài thi, kiểm tra kết quả chấm phúc khảo của một số hội đồng thi… Nếu như năm trước, Bộ phải huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên đại học về coi thi, chấm thi, giám sát, thanh tra chấm thi, năm nay chỉ điều một số lượng nhỏ để phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Và tất nhiên, UBND cấp tỉnh sẽ chủ trì tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm về sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi tại địa phương mình.  

Tăng cường thanh tra 

Với kinh nghiệm của những kỳ thi vừa qua, theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Phước, để góp phần tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, mỗi khâu, mỗi nhân sự tham gia đều đóng vai trò quan trọng. Theo ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước, ngành luôn thực hiện nghiêm quy chế thi mà Bộ GD&ĐT công bố.

Chú trọng, kỹ lưỡng từ khâu tập huấn cán bộ coi thi, chấm thi tới công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, địa điểm thi, gắn camera ở những nơi bắt buộc và trong quá trình thi, khâu coi thi, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài làm cũng rất nghiêm ngặt với sự giám sát của lực lượng công an.

Trong lựa chọn đội ngũ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi cũng tuân thủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy chế thi như có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao; nắm vững quy chế và nghiệp vụ công tác được phân công; không trong thời gian bị kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự… 

Là một trong những địa phương có lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT hằng năm lớn nhất cả nước, TPHCM luôn chuẩn bị tốt các khâu để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc: Công tác thanh tra, an toàn đề thi, coi thi, chấm thi… Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm với số lượng thí sinh dự thi lên tới 75.000 em thành công được coi là cuộc tập dượt cho kỳ thi THPT từ khâu tập huấn, chuẩn bị cơ sở vật chất, tới công tác tổ chức thi, chấm thi, thanh tra… 

Cụ thể, tại kỳ thi THPT năm 2019, việc giám sát, bảo quản đề thi được tổ chức nghiêm ngặt, luôn bố trí một phòng kiên cố có camera giám sát 24/24 giờ để bảo quản đề thi từ sáng đến chiều. Việc giao đề thi hằng ngày và nhận bài thi cũng trong ngày. Riêng khu vực chấm thi, được bố trí camera giám sát 24/24 giờ theo quy định. Công tác vận chuyển và bảo quản đề thi, bài làm của thí sinh có sự tăng cường phối hợp giữa Sở GD&ĐT và Công an TP.

Tất cả phòng bảo quản đề thi và bài thi đều được gắn camera giám sát, vận hành 24/24 giờ, bắt đầu từ thời điểm nhận đề thi môn đầu tiên đến khi bài thi cuối cùng được đưa đi. Công tác thanh tra kỳ thi cũng được sở đặc biệt quan tâm. Thanh tra cắm chốt tại các điểm thi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy chế thi,  tổ chức tốt các đội thanh tra lưu động. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.