Địa ngục của chim trời

GD&TĐ - Với dân nhậu, mỗi khi thèm một bữa thịt chim rừng là sẽ “mò” về chợ chim trời tại khu vực chân cầu vượt Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Ở đây nhiều loài có tên trong sách đỏ cũng được bày bán công khai trong khi thiếu bóng dáng lực lượng chức năng!

Một góc chợ chim trời
Một góc chợ chim trời

Không giống như những khu chợ tự phát khác chỉ lưa thưa dăm ba lều hàng, ở đây cả một dãy đường biến thành chợ. Hàng chục con người lấy việc buôn bán động vật hoang dã làm kế sinh nhai, thả sức tràn ra đường chèo kéo người mua hàng. Lều hàng nào cũng tràn ngập chim ngói, cuốc hoa, cò, vạc thậm chí cả những loài quý hiếm như: Vịt trời, le le, sâm cầm… cũng bị nhốt hàng đàn.

Sau lớp lưới thép, những con chim ngói chỉ to bằng nắm tay, trơ trụi lông cánh, ánh mắt thẫn thờ. Hàng chục con le le, què quặt, gãy cánh do dính bẫy. Thấy bóng người bầy chim trĩ hốt hoảng chạy tán loạn. Đến cả sâm cầm mào đỏ, thứ chim dùng để tiến vua khi xưa thì ở đây cũng tập trung hàng chục cá thể. Trong túi lưới, lũ chim ri, chim sẻ đứng túm tụm sợ sệt. Cuốc hoa từng mớ bị treo lủng lẳng. Khắp nơi những con vạc đồng bị trói chặt chân nằm im, bất động. Chúng chẳng đủ sức để kêu vì đã bị bỏ đói, bị nhốt trong lồng nhiều ngày.

Những con le le bị đánh bẫy rồi đem bán
 Những con le le bị đánh bẫy rồi đem bán

Chưa hết, ở đây còn có cả giống diệc mỏ vàng, lông bạc lấp lánh, sải cánh dài tới hàng mét, được kẻ bán trưng ra ngay trước những sạp hàng. Nếu để ý một chút thì người qua đường cũng có thể nhận ra mắt của những con vạc đã bị kẻ bán dùng kim khâu chặt. Màng mắt từng con đều bị lộn ra ngoài. Hai chân bị buộc cứng, từng đôi diệc hoảng loạn vỗ cánh liên hồi. Đây cũng là cách mà kẻ bán dùng để thu hút mời chào khách qua đường.

Một con diệc đã bị khâu màng mắt
 Một con diệc đã bị khâu màng mắt

Lâu lâu, người bán lại cho lũ diệc ăn bằng cách banh mỏ rồi ấn từng con cá khô vào trong cổ họng. Con diệc vươn cổ dài ngoẵng, rướn diều cố nuốt. Cá chưa kịp xuống diều, đã bị từng đoạn dây sắt cuốn chặt vòng quanh mỏ. Máu từ cổ ứa ra, con diệc rũ cánh nằm bẹp, hai chân xõng xoài. Trong khi đó vừa làm, người bán vừa oang oang: “Như này thì chúng nó mới sống, thịt mới tươi”.

Ở đây từ những con nuôi bằng cám cò, cho tới giống hàng mà như lời người bán là “hàng xịn” đều đủ cả.  Theo lời người bán thì mỗi con le le nặng chưa nổi nửa cân đã có giá 600.000 đồng. Chim ngói thì cứ đếm đầu tính giá sáu chục! Những con sâm cầm mào đỏ là diện quý hiếm thì lên tới hàng triệu.

Chim sâm cầm mào đỏ
 Chim sâm cầm mào đỏ

Thời điểm PV có mặt, mặc cho người mua vật nài, kẻ bán nhất định không chịu “cắt tiết” một con vịt trời “hàng xịn” khi người mua không giao trước một triệu đồng. Hay như đôi diệc đang cố sức vùng vẫy kia cũng không được bán đi nếu người mua không trả đủ hai triệu. Cò kè thêm bớt vài chục ngàn đồng người bán cũng chẳng tiếp chuyện.

Con vịt trời tự nhiên có giá hơn 1 triệu đồng
 Con vịt trời tự nhiên có giá hơn 1 triệu đồng

Khi người mua đồng ý với giá người bán đưa ra, những con vật ở đây được làm thịt tại chỗ. Khi máu ở cổ con vật vẫn còn chảy ròng ròng cũng là lúc kẻ bán hả hê cầm tiền, người mua hí hửng vì có thứ hàng độc đặt trên bàn nhậu. Khắp nơi lông của những con vật xấu số được quăng vứt bừa bãi, mùi nội tạng tanh ngòm.

Người bán sẵn sàng giết mổ tại chỗ nếu khách có yêu cầu
 Người bán sẵn sàng giết mổ tại chỗ nếu khách có yêu cầu

Nếu người mua có thắc mắc về nguồn gốc của món hàng mà mình vừa có được, đều chỉ nhận được câu trả lời chung chung cụt lủn rằng: “Đánh bẫy”! Đáng ngạc nhiên ở chỗ, nếu người mua muốn mua số lượng lớn, kể cả là loài sâm cầm quý giá nằm trong diện bảo tồn hay những con chim trĩ có trong sách đỏ thì người bán đều nói chắc nịch: “Thích bao nhiêu hàng cũng có, to nhỏ, béo gầy đủ cả”. “Nếu cần lấy số lượng chỉ cần Alo trước 2 hôm thôi là đủ hàng”.

Chim trĩ được bày bán hàng đàn
 Chim trĩ được bày bán hàng đàn

Có một sự thật trớ trêu là, ở đây người bán không sợ cơ quan chức năng, cũng chẳng sợ người qua đường phản ứng mà là sợ món hàng mình đang nhốt sẽ chết bất thình lình! Vừa đếm tiền, chủ của một lều hàng cuối chợ vừa cười hềnh hệch: “Như thế thì lỗ vốn mà có thịt thì chả đủ vài cái gắp!”

Mới đây, bài học về sự mất tích gần 30 năm của loài cheo cheo lưng bạc đã gióng lên hồi chuông cảnh bảo về nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép. Và nếu không có biện pháp can thiệp hay bảo vệ kịp thời thì ở một tương lai gần, những loài được bày bán ở chân cầu vượt Sài Sơn kia rồi cũng sẽ biến mất. Đừng để con đường dẫn vào Thủ đô lại là địa ngục đối với những loài chim trời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.