Đi tìm "mỏ vàng"

GD&TĐ - Sau thành công từ lần tổ chức SEA Games đầu tiên năm 2003, mục tiêu của thể thao Việt Nam trong lần thứ hai đăng cai là giành 140 - 150 Huy chương Vàng, đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đại hội.

Đội tuyển bơi tập luyện chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31. Ảnh: INT.
Đội tuyển bơi tập luyện chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31. Ảnh: INT.

Nhưng với sự vắng mặt của hàng loạt ngôi sao như Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Lê Tú Chinh, Thạch Kim Tuấn..., “mỏ vàng” của chúng ta nằm ở những bộ môn, cá nhân nào?

Điền kinh đi đầu

Nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh lỡ SEA Games 31.

Nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh lỡ SEA Games 31.

(Diễn ra từ 14 - 19/5 trên sân Mỹ Đình - Hà Nội)

Trong các môn của thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31, đội tuyển điền kinh gánh trọng trách giành thành tích cao nhất, với 15 - 17 Huy chương Vàng và đồng thời phấn đấu lần thứ 3 vượt qua Thái Lan để xếp nhất toàn đoàn. Để hoàn thành mục tiêu “khủng” này thì khoảng 110 vận động viên cùng các huấn luyện viên, chuyên gia của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã ráo riết tập luyện từ đầu năm 2022.

Đội tuyển điền kinh Việt Nam đăng ký 66 vận động viên tranh tài ở kỳ đại hội trên sân nhà. Theo tính toán của Ban huấn luyện đội tuyển, các vận động viên chủ lực có thể giành tới 12 Huy chương Vàng.

Bên cạnh đó, đội tuyển còn có thể đoạt thêm 6 - 7 Huy chương Vàng từ các gương mặt trẻ. Mục tiêu giành 15 - 17 Huy chương Vàng của tuyển điền kinh Việt Nam hoàn toàn có thể hoàn thành, thậm chí còn có thể vượt chỉ tiêu.

Môn điền kinh SEA Games 31 được dự đoán sẽ rất hấp dẫn trong cuộc đua đến vị trí nhất toàn đoàn, và chủ nhà Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên, số nội dung đã bị cắt giảm từ 47 xuống còn 45 do hai nội dung đẩy tạ nữ và ném búa nam bị loại khỏi chương trình thi đấu. Lý do không đủ số lượng quốc gia đăng ký (ít nhất phải có 4 đoàn).

Ngoài ra, chấn thương của nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh cũng khiến chúng ta gần như sẽ “mất” 2 Huy chương Vàng ở cự ly 100m, và 200m nữ, cũng như nhân tố quan trọng ở nội dung tiếp sức 4x100m nữ.

SEA Games 31 này cũng thiếu vắng Dương Văn Thái, người được mệnh danh là “huyền thoại chạy 800m, 1.500m SEA Games” khi từng giành 8 Huy chương Vàng ở 5 kỳ SEA Games gần đây nhất.

Sau hai kỳ mất ngôi, điền kinh Thái Lan có động thái mạnh mẽ để đòi lại vị trí cũ. Thái Lan năm nay sở hữu đội hình rất mạnh với nhiều gương mặt nhập tịch. Đáng chú ý, nhân tố mới được dự đoán sẽ “gây sốc ở Mỹ Đình” trên đường chạy 100m, 200m nam là vận động viên mới chỉ 16 tuổi:

Puriphon Boonsorn. Bên cạnh đó, ở kỳ đại hội gần 3 năm trước, điền kinh Philippines đã suýt đuổi kịp Thái Lan khi xếp thứ ba với 11 Huy chương Vàng. Philippines nổi lên là một đối thủ mạnh của điền kinh Đông Nam Á khi trình làng hàng loạt… vận động viên nhập tịch.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam - cho biết, trước đây, Thái Lan chỉ nhập khẩu các vận động viên ở những nội dung chạy 5.000m hay 10.000m, nhưng bây giờ họ nhập tịch cả vận động viên ở những nội dung vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Để động viên tinh thần các tuyển thủ, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam sẽ trao tặng đội tuyển 500 triệu đồng nếu đạt thành tích tốt tại SEA Games 31 và nếu tiếp tục giành ngôi nhất toàn đoàn kỳ SEA Games, đội tuyển sẽ được thưởng 1 tỷ đồng.

Chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy phân tích: “Tất cả các chỉ tiêu chỉ có tính chất tham khảo, phấn đấu. Tất nhiên chỉ tiêu đưa ra là dựa trên sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

Nhưng trên đường chạy, có những yếu tố bất ngờ xảy ra, vượt ra ngoài sự tính toán chiến thuật của Ban huấn luyện. Lúc đó, cần sự tỉnh táo, nhạy bén, chủ động của các tuyển thủ. Tôi tin tưởng SEA Games 31, điền kinh nước nhà sẽ có một kỳ đại hội thành công rực rỡ”.

Bí ẩn đường đua xanh

Hai kỳ SEA Games gần đây nhất, Điền kinh Việt Nam liên tiếp soán ngôi Thái Lan trên bảng xếp hạng toàn đoàn, điều mà suốt từ năm 1959 đến nay, chưa quốc gia nào làm được với Thái Lan. Việt Nam giành 17 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng ở SEA Games 29 (Malaysia 2017), xếp trên Thái Lan (9 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng). Còn tại SEA Games 30 (Philippines 2019), Việt Nam giành 16 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng trong khi Thái Lan xếp nhì với 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng.

(Diễn ra từ 14 – 19/5 tại Cung thể thao dưới nước, Khu LHTTQG Mỹ Đình, Hà Nội)

Để chuẩn bị cho SEA Games 31, Ban huấn luyện cùng đội tuyển bơi quốc gia đã đi tập huấn tại Hungary từ ngày 25/2 đến 24/4, sau đó trở lại Hà Nội tiếp tục tập luyện tại Cung thể thao dưới nước.

Năm nay, bơi Việt Nam sẽ tham dự đủ 40 nội dung với 32 vận động viên và đặt mục tiêu giành 6 - 8 Huy chương Vàng. Trong đó, Huy Hoàng có thể giành huy chương ở cự ly 400m, 800m và 1.500m tự do.

Ngoài Huy Hoàng, những hy vọng huy chương hàng đầu đều thuộc về những tay bơi nam như Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Paul Lê Nguyễn hay Nguyễn Quang Thuấn, em trai của Ánh Viên.

Đội tuyển bơi Việt Nam bước vào SEA Games 31 trong tình thế không có cô gái vàng Nguyễn Thị Ánh Viên. 25 Huy chương Vàng qua 4 kỳ SEA Games từ 2013 tới 2019 của “tiểu tiên cá” quê Cần Thơ đã củng cố thứ hạng cho đoàn thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực.

Sự thiếu vắng Ánh Viên lớn đến mức nào? Cứ nhìn mục tiêu của đội bơi tại SEA Games tới là rõ: 6 - 8 Huy chương Vàng, con số này là thành tích của Ánh Viên ở SEA Games 2015, 2017 (8 Huy chương Vàng) và ở SEA Games 2019, bơi Việt Nam giành 11 Huy chương Vàng, với 6 trong số đó thuộc về Ánh Viên.

Huấn luyện viên trưởng tuyển bơi Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Vũ chia sẻ: Vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên qua nhiều kỳ SEA Games đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Kỳ SEA Games này vắng mặt ảnh hưởng nhiều đến thành tích chung của đội tuyển bơi nói riêng và đoàn thể thao Việt Nam nói chung.

Nhưng bên cạnh đó, đây lại là cơ hội để các bạn trẻ có thể thể hiện khả năng của mình ở kỳ giải đấu khu vực và xa hơn nữa là những giải đấu quốc tế khác. Những Huy Hoàng (2000), Hưng Nguyên (2003), Thanh Bảo (2001), Quang Thuấn (2006)… hứa hẹn sẽ làm dậy sóng đường đua xanh.

Kỳ vọng võ thuật

Tuyển thủ Kickboxing Nguyễn Quang Huy căng mình tập luyện.
 Tuyển thủ Kickboxing Nguyễn Quang Huy căng mình tập luyện. 

12 trong tổng số 40 bộ môn ở SEA Games 31 thuộc về các nội dung võ thuật, tỷ lệ các môn võ trên tổng số môn thi đấu lên tới 30%, cao nhất từ trước đến nay. Sẽ không hề quá nếu nói rằng SEA Games 31 là kỳ đại hội đậm chất võ thuật bậc nhất trong lịch sử.

Trước đó, SEA Games 2013 chứng kiến 10 môn võ trong tổng số 34 bộ môn, 29,4%. Ở SEA Games 2019, môn võ cũng chiếm 13 môn nhưng trên tổng số 54 môn được chủ nhà Philippines lựa chọn, tỷ lệ các môn võ cũng chỉ chiếm 23%.

12 môn võ mà chủ nhà Việt Nam lựa chọn ở SEA Games 31 gồm có: Vovinam, Judo, Taekwondo, Wushu, vật, Kurash, Boxing, Kickboxing, Karate, Pencak Silat, Muay, Jujitsu.

So với kỳ SEA Games 2013, đại hội năm nay không có môn võ Kempo, mà thêm 3 môn là Kurash, Kickboxing và Jujitsu. Còn so với Đại hội 2019, 2 môn bị lược bỏ là Arnis (Võ gậy), Sambo (môn vật kiểu Nga), trong khi Vovinam được bổ sung.

Theo ước tính của “người trong cuộc”, với việc chiếm 12/40 môn thi đấu của đại hội, trong đó một số môn võ mà đoàn thể thao Việt Nam “vô đối” như vật, Vovinam, Pencak Silat, cơ hội để chủ nhà SEA Games 31 giành số lượng lớn Huy chương Vàng ở các môn võ rất khả quan.

Như ở kỳ SEA Games gần nhất trên đất Philippines năm 2019 các vận động viên môn võ đã giành Huy chương Vàng ở 11/13 môn võ tổ chức, đóng góp tới 42/98 tấm Huy chương Vàng của đoàn thể thao Việt Nam, tương đương 42,8%.

Hiện nay, đội tuyển vật Việt Nam được xem là số 1 Đông Nam Á. Như tại SEA Games 2019, đội tuyển vật đã giúp đoàn Việt Nam giành tới 12 Huy chương Vàng trong tổng số 14 nội dung thi đấu.

Thêm một chi tiết đáng chú ý nữa, ở 2 kỳ SEA Games 2019 và trước đó là 2013, đội tuyển vật đã lần lượt mang về 12 và 10 Huy chương Vàng, trên tổng số 84 Huy chương Vàng mà võ thuật Việt Nam có được trong 2 kỳ SEA Games kể trên.

Theo ông Tạ Tùng Đức - Phụ trách bộ môn vật (Tổng cục Thể dục Thể thao) - cho biết: Đội tuyển vật Việt Nam đăng kí dự đủ 16 hạng cân của SEA Games 31.

Theo thông tin từ đoàn thể thao Việt Nam, trong đăng ký chỉ tiêu, các đội tuyển Vovinam, Wushu đặt ra mục tiêu giành 7 - 9 Huy chương Vàng/đội); Cử tạ, Judo, Karate, Quyền anh, Taekwondo… giành 5 - 7 Huy chương Vàng/đội.

Đặc biệt, ở các môn trong hệ thống thi đấu Olympic như Boxing, Taekwondo Muay, Karate, Việt Nam cũng sở hữu những võ sĩ đẳng cấp, đủ khả năng tranh chấp Huy chương Vàng với các đối thủ trong khu vực.

Một số chuyên gia cho rằng, các môn võ thuật sẽ gánh trọng trách Huy chương Vàng và SEA Games 31 sẽ chứng kiến các môn võ trở thành “mỏ vàng” của đoàn thể thao Việt Nam. Với mục tiêu toàn đoàn giành khoảng 140 Huy chương Vàng thì chỉ tiêu cho các môn võ là phải giành từ 50 - 60 Huy chương Vàng.

Đây là con số chỉ tiêu khổng lồ và tất nhiên kèm với đó là áp lực cực lớn. Tuy nhiên, với lợi thế chủ nhà và sự chủ động trong việc lựa chọn môn, số nội dung thi đấu ở từng môn võ thuật, không phải không có cơ sở cho mục tiêu giành 50 - 60 Huy chương Vàng.

Tại SEA Games 31, nội dung thi đấu ở môn vật được điều chỉnh tăng từ 14 ở kỳ đại hội trước lên con số 16 bộ huy chương. Pencak Silat cũng tăng từ 9 lên 16 nội dung tranh tài, trong khi Vovinam có 15 bộ huy chương, ngang bằng Karate.

Taekwondo có 19 bộ huy chương và Wushu sẽ tranh tài ở 21 nội dung. Thậm chí môn Võ hiện đại được ưa chuộng - Kickboxing - sau lần đầu tiên xuất hiện ở SEA Games 2019 với 8 bộ huy chương thì đại hội năm nay số nội dung thi đấu được nâng lên 12.

Đội tuyển lặn tỏa sáng

(Diễn ra trong hai ngày 21 và 22/5 tại Cung thể thao dưới nước Hà Nội)

Tại SEA Games 22 vào năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam, các tuyển thủ chủ nhà đã xuất sắc giành đến 13 Huy chương Vàng trong tổng số 16 bộ huy chương. Trong 2 lần tổ chức tiếp theo ở SEA Games 25 (năm 2009 ở Lào) và SEA Games 26 (2011, ở

Indonesia), bộ môn lặn Việt Nam giành lần lượt 4 Huy chương Vàng và 6 Huy chương Vàng, đồng thời phá nhiều kỷ lục Đông Nam Á. Và phải đến kỳ đại hội lần thứ 31, môn lặn mới được đưa trở lại chương trình thi đấu.

Cũng giống như nhiều đội tuyển quốc gia khác, đội tuyển lặn Việt Nam trải qua giai đoạn tập luyện với cường độ cao nhất để có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn lẫn tinh thần cho SEA Games 31.

Với lợi thế thi đấu trên sân nhà, tuyển lặn Việt Nam hướng đến mục tiêu giành 6 - 8 Huy chương Vàng trong tổng số 13 bộ huy chương và vị trí nhất toàn đoàn. Đây là con số khá khiêm tốn nhưng được cho rằng phù hợp khi Thái Lan, Philippines và Indonesia đang nổi lên với nhiều vận động viên tài năng.

Ông Hoàng Quốc Bình - huấn luyện viên trưởng đội tuyển lặn quốc gia - cho biết: “Hiện tại, bộ môn lặn của Việt Nam không chỉ đứng số 1 ở Đông Nam Á, mà còn của cả châu Á.

Chỉ có một vài quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc là có khả năng cạnh tranh với Việt Nam. Chúng ta sở hữu lực lượng đang ở độ tuổi sung mãn, tài năng và giành nhiều thành tích vang dội ở đấu trường châu lục lẫn thế giới”.

Theo chỉ tiêu mà các đội tuyển đăng ký, sau điền kinh là những thế mạnh như aerobic, đua thuyền canoeing, đua thuyền rowing, khiêu vũ thể thao, thể dục dụng cụ... đều phấn đấu giành từ 7 - 9 Huy chương Vàng.

Nhóm tiếp theo đặt mục tiêu giành 5 - 7 Huy chương Vàng là bắn cung, bắn súng, đấu kiếm, thể hình, vật... Và trong các “mỏ vàng”, 2 tấm Huy chương Vàng được chờ đợi nhất SEA Games 31 là bóng đá nam - nữ, cả đội tuyển U23 và nữ quốc gia đang là đương kim vô địch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ