Phải chăng cuộc sống của người xưa không được vui vẻ như chúng ta bây giờ? Nhưng sự thật khiến họ hiếm khi cười đó là...
1. Lý do kĩ thuật
Một số người nói vui rằng, máy chụp hình được phát minh ra khiến con người trở nên nghiêm túc hơn. Một ví dụ điển hình được đưa ra là vào năm 1852, một cô gái chụp bức ảnh chân dung với phần đầu hơi nghiêng, đôi mắt to tròn nhìn vào ống kính nhưng lại mang vẻ mặt nghiêm nghị.
Hay như cha đẻ của "Thuyết tiến hóa" Charles Darwin - một người luôn được đánh giá là ấm áp, vui tươi, nhưng lại trở nên vô cùng ủ dột trong chính bức ảnh chân dung của mình.
Cha đẻ của Thuyết tiến hóa Charles Darwin ủ dột trong bức ảnh chân dung của chính mình
Một trong những nguyên nhân được đưa ra chính là... lý do kỹ thuật. Máy ảnh thời xưa đòi hỏi thời gian phơi sáng khá lâu - khoảng vài phút, vậy nên người xưa thường phải giữ nguyên vẻ mặt "cứng đờ" trong suốt khoảng thời gian này.
Ngoài ra, thời gian phơi sáng dài như vậy khiến cho việc cười dường như... bất khả thi bởi chỉ cần một vài cử động nhỏ cũng đủ để bức hình bị nhòe.
2. Ý thức của chính người được chụp ảnh
Dù ở thời đại nào thì tiếng cười xuất hiện ở mọi nơi, từ lễ hội với những vở hài kịch đến mẩu chuyện phiếm nơi làm việc của công nhân.
Do đó, khó có thể nói rằng, sự nghiêm nghị trong các bức chân dung ở thế kỉ XIX phản ánh cuộc sống của người xưa tẻ nhạt, vô vị. Vấn đề mấu chốt ở đây chính là thái độ của mỗi người đối với việc chụp ảnh chân dung của mình.
Dù rẻ hơn vẽ chân dung nhưng chụp ảnh thời xưa là thú vui khá tốn kém. Bởi vậy chỉ có người tầng lớp trung lưu trở lên mới dám "tự thưởng" cho mình bức chụp chân dung.
Họ cho rằng, đây là một thời khắc quan trọng trong cuộc đời - chụp một bức ảnh không phải là “chuyện thường ngày ở huyện” như ngày nay mà giống như trải nghiệm cả đời mới có một lần.
Vì thế, họ muốn lưu giữ lại các khoảnh khắc này với một dáng vẻ nghiêm nghị, thay vì cười đùa để mất đi tính nghiêm túc của nó.
3. Ảnh hưởng từ hội họa
Nàng Monalisa của thiên tài Leonardo Da Vinci với nụ cười mê hoặc |
Bạn có để ý thấy rằng, người xưa khi vẽ chân dung họ không hề cười? Chúng ta rất hiếm khi thấy những bức tranh cổ xưa có bóng dáng của nụ cười, duy chỉ có ngoại lệ là bức vẽ nổi tiếng “Nàng Monalisa” của Leonardo Da Vinci vào thế kỷ XVIII.
Da Vinci hẳn đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều mới có được nụ cười đó và cũng nhờ thế mà bức vẽ nàng Monalisa đã gây chấn động cho cho giới hội họa thời bấy giờ.
Người xưa quan niệm chụp ảnh cũng giống như được vẽ tranh chân dung nhưng nhanh hơn và giá rẻ hơn. Ngoài ra, họ cũng quan niệm rằng, không điều gì tệ hơn là những bức tranh với nụ cười gượng gạo. Vì thế dường như thái độ nghiêm túc và vẻ mặt “lạnh như băng” khi ngồi vẽ chân dung đã được giữ nguyên khi họ chụp ảnh.
4. Do góc nhìn nghệ thuật
Người xưa không cười, nhưng dường như bức ảnh có chiều sâu hơn so với hiện tại |
Một số chuyên gia cho rằng, những bức ảnh thời xưa có phần "sống động" và giá trị hơn so với những bức hình ngày nay của chúng ta.
Đó là vì thế hệ ngày nay đã quá lạm dụng nụ cười khi chụp ảnh, khiến cho việc tìm ra chiều sâu cho những bức ảnh thông thường gần như là điều... không tưởng.
Trong khi đó, do người thời xưa coi việc chụp ảnh giống như hội họa - đó là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Một bức chân dung đẹp có thể đem lại giá trị nghệ thuật cao đồng thời được lưu giữ trong nhiều năm sau đó.
Theo một số ghi chép, người xưa khi chụp ảnh thường hay nghĩ đến thời gian, sinh tử và ký ức. Có lẽ chính vì thế mà những bức hình thời xưa luôn có chiều sâu và giá trị lưu giữ hơn hẳn so với phần lớn những hình chụp ngày nay.