(GD&TĐ) - Chỉ còn vài tháng nữa là hưu, chị bỗng nổi tiếng trong làng giáo dục quận. Chị nổi tiếng không phải vì một công trình khoa học, nghĩa cử cao đẹp gì để lại cho ngôi trường mình đã gắn bó 26 năm, mà nổi tiếng vì đi…kiện. Mới đầu nhiều người cho rằng chị vốn thẳng thắn, luôn “vì tập thể” nên thấy sai là phải “đấu tranh”. Thế rồi thanh tra cấp trên về làm việc, gặp gỡ mọi người, lắng nghe đủ đầy…
Đến khi ra bản kết luận thanh tra đầy đủ các chứng cứ, xác định rõ mức độ đúng, sai căn cứ vào các quy định luật lệ và công khai trong nhà trường, thì mọi người mới thấy rõ chị có phần trách nhiệm lớn trong đó. Cụ thể những nội dung chị kiện đó chính là những hoạt động I của nhà trường chị phụ trách. Còn phần sai trong việc chia một vài triệu “tiền phần trăm” (qua thanh tra đã yêu cầu trả lại) thì chính chị cũng là người nhận như những người khác. Khi vị thanh tra hỏi: Chính chị cũng nhận tiền phần trăm sai quy định đó ? thì chị bật khóc trước tập thể. Bản thân chị cũng đã thừa nhận những sai trái của mình. Ấy thế nhưng chị vẫn đi kiện… chính mình. Trong các bài viết chị cho đăng trên các trang mạng xã hội thường viết: “Nhiều sai phạm ở trường PM…” nghe ra rất “lớn” nhưng ít ai biết rằng trong đó có sai phạm chính của chị. Đó là chưa kể đến việc cần hỏi là trách nhiệm Bí thư Chi bộ nhiều năm liền ở nhà trường của chị?
Với trách nhiệm cao, sâu sát, lãnh đạo UBND Quận, Phòng giáo dục đã trực tiếp xuống trường công bố kết quả thanh tra, họp với tập thể nhà trường để phân tích “mổ xẻ” những sai sót một cách thẳng thắn, công khai và dân chủ. Hiệu trưởng cũng đã nhận ra những thiếu sót; cuộc họp cũng xác định hình thức kỷ luật của những người liên quan theo kết luận thanh tra và đưa ra tập thể bỏ phiếu một cách dân chủ. Sau cuộc “mổ xẻ” cặn kẽ thỏa đáng ấy, nhiều giáo viên như trút được gánh nặng bởi những căng thẳng hàng tháng trời, với cái tiếng rằng “nhà trường mất đoàn kết” đã được giải tỏa và bây giờ trường sẽ bước sang giai đoạn mới, chỉ còn việc tập trung vào làm tốt nhiệm vụ vì học sinh thân yêu. Thế nhưng chị lại tiếp tục… đi kiện.
Chị chạy ngược xuôi, đưa sự việc đã được kết luận làm rõ lên phương tiện thông tin truyền thông. Những mẩu tin, bài của mấy trang mạng được chị in ra phát như tờ rơi ngay trong trường. Có phụ huynh là bác sĩ cho rằng chị có biểu hiện “không bình thường” do sắp hưu mà nguyện vọng muốn ở thêm thời gian lại không được đáp ứng vì chính sách quy định, nên chị quá bức xúc khiến thần kinh “có vấn đề”. Bởi theo chuyên ngành y của vị bác sỹ thì trong các dạng thần kinh thì có “dạng thần kinh” chuyên đi… khiếu kiện.
Nhưng nhiều giáo viên ở trường thì không nghĩ vậy. Họ bắt đầu hiểu hơn về chị khi tự hỏi: Vì sao khi nhận những đồng tiền “phần trăm” (được chia đều trong BGH) chị biết là sai quy định thì với cương vị Bí thư Chi bộ lúc đó sao không góp ý ngay, mà vẫn nhận rồi đến nay thì đi kiện chính việc ấy là không đúng quy định? Tương tự, chuyện cô Hiệu trưởng cho dạy môn ngoại ngữ để đáp ứng nguyện vọng của nhiều phụ huynh, học sinh nhưng sơ xuất không báo cáo phòng, biết thế là thiếu “thủ tục hành chính”, nhưng chị ngậm tăm không góp ý ngay, để nay nâng lên thành quan điểm “có yếu tố người nước ngoài” rất là “nghiêm trọng”(!?)… Nhiều giáo viên đã dần hiểu ra những hành động đi kiện của chị, khi tự hỏi: Nếu chị thực sự là một cán bộ đảng viên có “Tâm” trong sáng, sao không tự kiểm điểm chính mình trước? Sao chị không đặt lợi ích của tập thể nhà trường hiện nay là cần ổn định để dậy và học tốt lên trên thay vì đi kiện, bêu riếu nhà trường để được… nổi tiếng, thỏa chí? Họ cũng nhận ra “chân dung” mới của chị sao khác lạ với những điều khiến họ quý mến chị trước đây. Có những bình luận cho “sự nghiệp đi kiện” của chị, rằng: Chị đã khá nổi tiếng rồi đấy. Nhưng chị đừng quên rằng cái sự nổi tiếng cũng có dăm bẩy loại và cái tiếng để đời cũng dành cho cả những người mang danh là nhà giáo không có cái Tâm của một người thày.
Có thể nói câu chuyện đi kiện của chị hiện nay cũng không phải là hiếm, khi mà rất nhiều người sắp trở về với “đời thường” lại hăng hái lên tiếng phê phán, chỉ trích thực trạng… mà quên đi rằng những chính sách, chương trình, phương án ấy họ đã góp nhiều công sức thực hiện, thậm chí tác giả là chính họ.
Hoàng Phụ Huynh