ĐH Quốc gia TP.HCM nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng đầy thách thức

GD&TĐ - Ngày 8/1, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM
Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM

Báo cáo với đoàn, theo lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM trong các năm 2016, 2017 và 2018, tỉ lệ giữa vốn ngân sách nhà nước cấp so với tổng kinh phí của đại học này có xu hướng giảm dần về mức dưới 30% (năm 2018 là 798 tỉ đồng). 

Với quy mô đào tạo 65.000 sinh viên, trong ba năm qua, chi phí các công tác phục vụ đào tạo là 24,8-28 triệu đồng/1 sinh viên/năm.

Lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng so với chi phí đào tạo của một số trường trong nước với cùng nhóm ngành đào tạo, chi phí này nằm ở mức trung bình, còn thấp so với mặt bằng chung. 

Đối chiếu với kinh phí bình quân cho một sinh viên đại học tại Singapore khoảng 21.853 SGD năm 2016/2017 (tương đương 350 triệu đồng) để thấy rằng với thành quả đã đạt được, ĐH Quốc gia TP.HCM thật sự cố gắng sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được cấp phục vụ cho công tác đào tạo trong thời gian qua.

Đồng thời cũng chỉ ra rằng chi phí này chưa hoàn toàn tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trở thành một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Chính phủ về ĐH Quốc gia TP.HCM.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đến thăm Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đến thăm Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phần ngân sách nhà nước được ĐH Quốc gia TP.HCM dành cho đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, các đề tài nhiệm vụ cấp quốc gia, sự nghiệp khoa học công nghệ cấp ĐH Quốc gia chiếm 20-25% tổng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị này.

Trung bình hàng năm mỗi cán bộ nghiên cứu ĐH Quốc gia TP.HCM nhận được kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 16 triệu đồng.

Kiến nghị với Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, Quốc hội cần có chủ trương tập trung nguồn vốn đầu tư cho một số đại học (ĐH Quốc gia, ĐH vùng...) để sớm trở thành các đại học lớn mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Đồng thời, xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng trung ương giai đoạn 2019-2020 để hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án đầu tư xây dựng ĐH Quốc gia TP.HCM vào năm 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ, với những thành tích mà ĐH Quốc gia TP.HCM trong thời gian vừa qua, đã cho thấy cơ hội và tiềm năng phát triển nhưng cũng đầy thách thức trong môi trường cạnh tranh với các đại học trong khu vực.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

"ĐH Quốc gia TP.HCM phải là hạt nhân lan tỏa, đảm nhận trách nhiệm đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ cho nhu cầu phát triển của TP.HCM và cả nước. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương tập trung phát triển ĐH Quốc gia, ưu tiên ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện Khu Đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM”, ông Nguyễn Đức Hải cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cũng lưu ý vấn đề tự chủ tài chính của ĐH Quốc gia TP.HCM, trong đó chú trọng hoạt động xây dựng thương hiệu, giảm dần sự phụ thuộc ngân sách nhà nước theo lộ trình phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ