Đến với bài thơ hay: Sắt son tình đồng chí

GD&TĐ - Trong những bài thơ viết về bộ đội, tôi đặc biệt ấn tượng với bài thơ: “Đồng đội trên điểm cao” của nhà văn Phan Thái.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Phan Thái

Đồng đội trên điểm cao

Tiểu đội 12 người

Bạn AK, RPD, mình B41

Đồng đội cùng nhau chốt giữ nơi này.

Điểm cao như tạc vào mây

Bốn mùa hứng cơn gió thổi

Cái rét tái rịm chiều sương muối

Áo lính xanh lên đá núi mưa rừng.

Bát cơm bưng

Ngỡ và cả vào lòng mây trắng.

Những nỗi niềm riêng lắm

Ở nơi này ai nỡ giấu ai

Nhà âm dương ngủ đêm không dám say

Tiếng thú rừng kêu chập chờn tưởng địch

Thằng bạn ốm đêm nằm còn nghịch

Vẽ râu nhau nham nhở nhọ nồi.

Bài hát “Bèo dạt mây trôi”

Bạn hát bâng quơ, mình thì xao xuyến nhớ...

Bữa cơm nhiều hơn là măng giang măng nứa

Bát canh tàu bay ngọt cả tiếng nhau cười.

Tiểu đội 12 người

12 miền quê cùng về họp mặt

Phiên trực chiến nói với nhau bằng mắt

Cây súng bên mình ánh thép chạm vào trăng!

Phiên trực chiến nói với nhau bằng mắt

Cây súng bên mình ánh thép chạm vào trăng!

Bài thơ “Đồng đội trên điểm cao” được nhà văn Phan Thái sáng tác trong những năm tháng khoác áo lính tham gia chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng năm 1979. Bài thơ đăng trên Báo Quân khu I khi tác giả vừa 19 tuổi.

Những năm tháng trong quân ngũ đã rèn giũa, bồi đắp cho tác giả Phan Thái vốn sống đầy ắp những chiêm nghiệm, rắn rỏi pha nét lãng mạn, tài hoa. Bởi vậy, không lạ khi người đọc cảm nhận được khí chất người lính thấm đẫm qua từng dòng thơ, câu văn của ông.

Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu bằng những câu từ liệt kê mộc mạc:

“Tiểu đội 12 người

Bạn AK, RPD, mình B41

Đồng đội cùng nhau chốt giữ nơi này”

Mười hai người ít ỏi trong tiểu đội với các loại súng trường được phát trên tay là mười hai chiến sĩ liên lạc trực chốt ở điểm cao có nhiệm vụ chủ yếu theo dõi diễn biến giữa quân ta và địch, đánh giá tình hình tương quan rồi truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy tới các vị trí chiến đấu.

Điểm cao đó có gì? Xung quanh chiến sĩ trẻ chỉ có mây bay, có bốn mùa “hứng cơn gió thổi” rát mặt. Khắc nghiệt nhất ở vùng biên ải phải kể đến mùa Đông, khi cái rét tái tê tràn về luồn qua tán cây, kẽ đá.

Cái rét được cơ thể cảm nhận rõ rệt. Tác giả đã dùng từ “tái rịm” để đặc tả cái rét vùng biên giới. Cả thiên nhiên cũng trở nên run rẩy, cóng tê. Nhiệt độ không chỉ giảm sâu về đêm khuya và sáng sớm mà duy trì cả ngày, có khi cả tuần.

Trời đã ngả sang chiều nhưng sương muối vẫn chưa tan. Cảnh vật mùa Đông vốn ảm đạm, buồn bã, mưa phùn gió bấc còn phủ thêm một lớp sương mây đặc sánh làm thu hẹp tầm nhìn thì màu áo đồng đội trở thành màu hi vọng và tràn đầy sức sống: “Áo lính xanh lên đá núi mưa rừng”. Từ màu xanh trẻ trung ấy, chỗ điểm cao chon von, chất thơ hiện lên từ những bữa ăn giản dị hàng ngày: “Bát cơm bưng/Ngỡ và cả vào lòng mây trắng”.

Xuất thân từ những người dân với ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước, lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó.

Cũng vì “từ nhân dân mà ra” nên bà con các dân tộc ở bản làng luôn là người chở che, nuôi dưỡng, cùng bộ đội chiến đấu và chiến thắng. Đáp lại tấm lòng, tình nghĩa của bà con, “vì nhân dân mà chiến đấu” đã trở thành nét đặc trưng nổi bật trong bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Phải là người từng trải qua những tháng năm gian khó ấy, tác giả Phan Thái mới chiêm nghiệm được tính cách mộc mạc, thật thà của bà con khi gặp bộ đội và sự tin tưởng của các anh dành cho bà con. Tình quân dân như cá với nước cho nên “những nỗi niềm riêng” không ai nỡ giấu đồng đội, giấu người già như bà, như mẹ luôn lo lắng, quan tâm. Trong căn nhà sàn lợp mái ngói “âm dương”, quân và dân cùng thức vì nhiều đêm: “Tiếng thú rừng kêu chập chờn tưởng địch”.

Sự cảnh giác luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là khoảng thời gian nghỉ ngơi tưởng chừng bình yên nhất. Tình đồng chí được khẳng định sắt son. Đồng chí - Có cả những trận ốm của đồng đội đến là thương nhưng đầy ắp sự tinh nghịch: “Vẽ râu nhau nham nhở nhọ nồi”.

Đồng chí - Có nỗi nhớ nhà xao xuyến khi bạn hát bâng quơ bài hát của vùng Đồng bằng Bắc Bộ: “Bèo dạt mây trôi”. Đồng chí - có bữa cơm thiếu thốn, đạm bạc rau rừng: Măng giang, măng nứa, canh rau tàu bay,... nhưng ngọt ngào tiếng cười sẻ chia.

den-voi-bai-tho-hay-sat-son-tinh-dong-chi-1.jpg
Minh họa/INT.

Ở khổ thơ cuối, tiểu đội 12 người được lặp lại lần nữa như khẳng định rằng: Chính chiến tranh đã đưa 12 chàng trai trẻ từ 12 miền quê ra trận cùng nhau, thân quen nhau và thân thiết như người một nhà. Bởi ở họ đều có một điểm chung là lòng yêu nước, quyết sống chết có nhau.

Dưới ngòi bút tài hoa của tác giả, cuộc sống chiến đấu gian khổ của các chiến sĩ trên điểm chốt biên giới được khắc họa bằng hai câu thơ vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu trưng: “Phiên trực chiến nói với nhau bằng mắt/ Cây súng bên mình ánh thép chạm vào trăng!”.

Trong không gian tĩnh mịch, người lính giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể. Ai cũng sẵn sàng bước vào cuộc chiến đầy cam go. Dưới ánh trăng, ánh thép vì công lý, vì bình yên biên giới đầy ẩn dụ về một khát vọng hòa bình, hiên ngang nhưng rất thơ. Hình ảnh người lính tạc vào đất trời còn mãi với thời gian.

Bài thơ “Đồng đội trên điểm cao” với câu từ giản dị, nhẹ nhàng; thể thơ tự do thể hiện cảm xúc khi hóm hỉnh, bay bổng khi kỷ luật, suy tư qua năm tháng vẫn chiếm vị trí trong lòng người đọc. Chúng ta càng thêm quý phẩm màu áo xanh đã và đang vì nhân dân quên mình. Các anh luôn bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.