Đề xuất Trung ương bổ sung nguồn tăng thu từ Dự án điện hạt nhân cho Ninh Thuận

GD&TĐ - Bộ Công Thương đề xuất Trung ương bổ sung 70% nguồn tăng thu từ Dự án điện hạt nhân cho Ninh Thuận nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 14/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội Tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thực hiện Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng làm Trưởng Ban tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/1/2025 để chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương triển khai, sớm đưa Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế, xã hội của Đất nước.

Ban Chỉ đạo đã họp Phiên thứ nhất hôm 15/1/2025 và Phiên thứ 2 hôm 4/2/2025 và thống nhất đưa vào vận hành trong năm 2030 để đảm bảo an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đề xuất, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Ninh Thuận 70% nguồn tăng thu từ triển khai Dự án nhà máy điện hạt nhân.

Theo Bộ trưởng, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước quy định ngân sách Trung ương trích một phần theo tỉ lệ không quá 30% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh,

Tại Điều 35 quy định các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% như thuế giá trị gia tăng thu từ hàng hóa nhập khẩu; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường thu từ hàng hóa nhập khẩu...

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư công để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh bình quân mỗi năm khoảng 5.000 - 5.500 tỷ đồng, sẽ khó khăn trong việc cân đối đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Để khuyến khích, tạo động lực cho địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; đồng thời, tạo nguồn lực bổ sung cần thiết cho tỉnh chủ động đầu tư thực hiện các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đề xuất cơ chế hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai Dự án nhà máy điện hạt nhân như thuế giá trị gia tăng; thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế bảo vệ môi trường... là cần thiết.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất cho tỉnh Ninh Thuận được vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Nội dung này căn cứ theo khoản 6 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước, tỉnh Ninh Thuận thuộc nhóm các địa phương có mức dư nợ vay không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Hiện nay, tỉnh đang đề xuất vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2025 - 2030 cho 7 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến 7.810 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vay lại 2.654 tỷ đồng. Mức dư nợ tối đa của ngân sách địa phương và hạn mức vay còn lại của tỉnh đến cuối năm 2024 là 144,751 tỷ đồng.

Để tỉnh có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế phân cấp cho chính quyền địa phương chủ động huy động nguồn lực, thay vì hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đề xuất cơ chế cho phép tỉnh nâng mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh đến 90%, dự kiến giai đoạn 2026-2030 được vay khoảng 9.000 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng của tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ