Đề xuất thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên tiểu học

GD&TĐ - Thạc sĩ Huỳnh Thái Lộc - Trường CĐ Bến Tre - cho rằng: Chương trình đào tạo chuyên ngành sư phạm Giáo dục tiểu học trước đây được xây dựng dựa theo hướng tiếp cận nội dung, giáo viên tiểu học được đào tạo rất nhiều môn và phải dạy hết tất cả các môn học đó khi tốt nghiệp.

Đề xuất thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên tiểu học

Có những môn học sau khi học xong ít có điều kiện được phát huy ở nhà trường phổ thông. Điều này, tạo tâm lí rất nặng nề cho sinh viên và cho cả đội ngũ giáo viên tiểu học.

Bởi lẽ, mỗi người chỉ tồn tại một dạng năng lực nổi trội. Chẳng hạn, dạy Thủ công, Mĩ thuật thường rất khó cho giáo viên nam; ngược lại dạy môn Thể dục, kĩ thuật thường rất vất vả cho giáo viên nữ.

Song song đó, do học quá nhiều học phần nên giáo sinh không có điều kiện đào sâu nghiên cứu các học phần mang tính chủ đạo như phương pháp dạy học Toán, phương pháp dạy học Tiếng Việt, phương pháp dạy học Tự nhiên và xã hội,... cũng như không có thời gian thực hành và phát triển các kĩ năng mềm.

Như vậy, học theo hình thức này, sinh viên chủ yếu là tiếp nhận kiến thức, rất bị động và ít được chú trọng phát triển năng lực của mình.

Theo thạc sĩ Huỳnh Thái Lộc, hiện nay, các trường hầu như đều chuyển sang phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên chủ động hơn, có nhiều phương thức để lựa chọn, tăng cường kĩ năng tự học do việc rút ngắn thời lượng các tín chỉ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số học phần có tính ứng dụng thấp như: Xác xuất thống kê, Văn học, Cơ sở văn hóa Việt Nam,... hoặc những học phần đã có giáo viên chuyên được đào tạo ở trình độ CĐ, ĐH như: Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục,... nhưng lại chiếm thời lượng khá nhiều.

Vì thế, thạc sĩ Huỳnh Thái Lộc cho rằng, xây dựng lại chương trình đào tạo cần giảm bớt số tín chỉ ở các học phần này, thay vào đó tăng cường thời lượng cho các học phần chủ đạo mà giáo viên tiểu học chuyên trách và tạo điều kiện cho việc phát triển các kĩ năng như: Kĩ năng viết bảng, kĩ năng kể chuyện, kĩ năng đọc diễn cảm, kĩ năng giải quyết các tình huống sư phạm, kĩ năng sử dụng công nghệ,...

Ngoài ra, cần tăng thời lượng cho việc thực tập sư phạm thường xuyên, tạo điều kiện cho sinh viên cọ sát các hoạt động ở trường tiểu học. Bởi chỉ có tiếp xúc trực tiếp với môi trường nhà trường tiểu học, sinh viên sau khi ra trường mới không bị bỡ ngỡ và có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu công việc ngay lập tức.

Mọi sự đổi mới đều mang lại những cơ hội và thách thức mới, bên cạnh đó, nó còn mang lại biết bao điều “lạ” mà từ trước tới nay chưa từng xảy ra. Đại đa số những người chịu ảnh hưởng của sự đổi mới thường chỉ thấy mặt trái của nó, ít có ai nhìn thấy được những thời cơ và những kết quả tốt đẹp mà sự đổi mới mang lại.

Do đó, người làm công tác giáo dục cần phải chỉ ra những ưu điểm vượt trội, dự trù trước những khó khăn và cách xử lí chúng khi thực thi một vấn đề ngoài thực tiễn.

Thay đổi cách làm đã khó nhưng thay đổi tư duy nhận thức càng khó hơn, nhưng điều này lại mang tính quyết định đến sự thành bại của một chiến lược đổi mới, vì thế phải đặt vấn đề này lên ưu tiên hàng đầu.

Thạc sĩ Huỳnh Thái Lộc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ