Bộ Tư pháp đang thẩm định đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018 do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.
Tờ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 1.578 trang tin điện tử tổng hợp được cấp phép (còn hiệu lực). Số lượng trang tin điện tử tổng hợp được cấp phép mới hàng năm nhiều nhất ở Hà Nội và TPHCM (do Sở Thông tin và Truyền thông cấp).
Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp 461 giấy phép; Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cấp 435 giấy phép. Các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh còn lại có 321 giấy phép; Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp 361 giấy phép.
Lợi dụng kẽ hở, tự sản xuất tin bài như báo chí
Số lượng trang trang tin điện tử tổng hợp được cấp phép chỉ chiếm chưa tới 0,66% trên tổng số hơn 1 triệu trang web bằng tiếng Việt có tên miền và máy chủ ở trong và ngoài nước. Khá nhiều trang web cũng đang cung cấp nội dung thông tin tổng hợp, gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và khiến cho việc kiểm tra, xử lý tình trạng báo hóa gặp nhiều khó khăn.
“Tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp (các trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như cơ quan báo chí) là vấn đề nhức nhối, tạo phản ứng bất bình trong dư luận, gây khó khăn đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này”- Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Trước đây, các trang tin tổng hợp được khuyến khích phát triển nhằm trở thành cánh tay nối dài của báo chí góp phần vào việc truyền tải kịp thời thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước để đẩy lùi các thông tin xấu, tin giả trên mạng. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhiều trang tin tổng hợp đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để tự sản xuất tin bài như báo chí, đăng tải các nội dung có xu hướng tiêu cực, giật gân câu khách để tăng lượng truy cập phục vụ việc bán quảng cáo. Nhiều trang của doanh nghiệp có lượng truy cập còn vượt xa các báo điện tử có uy tín.
Nhóm doanh nghiệp có số lượng được cấp phép nhiều nhất và cũng là nhóm có nhiều sai phạm và phức tạp nhất, đặc biệt là một số trang có xu hướng “báo hóa”, sản xuất tin, bài, kể cả tin bài chính trị, kinh tế, xã hội và “rửa nguồn” qua cơ quan báo chí.
“Khi đăng tải, các trang này chỉ tổng hợp những tin “hot”, thậm chí còn xào xáo tin bài, đặt lại tít gây sốc gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó hoạt động cung cấp thông tin trên mạng là “dịch vụ” đặc thù có tác động ảnh hưởng lâu dài đến nhận thức xã hội. Vì vậy, cần quan tâm phát triển các sản phẩm có “chất lượng hơn phát triển số lượng”- báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Thực tế có những doanh nghiệp quản lý hàng chục trang tin về đủ các lĩnh vực, trong khi năng lực về nhân sự, kỹ thuật còn hạn chế, ý thức tuân thủ pháp luật rất kém. Khi có sai phạm, cơ quan quản lý có thẩm quyền liên lạc theo địa chỉ và điện thoại trên giấy phép cũng không liên hệ được, khiến cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn và bị kéo dài thời gian.
Bổ sung quy định để hạn chế tình trạng “báo hoá” trang tin
Chính vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất bổ sung quy định về liên kết sản xuất tin bài giữa trang tin tổng hợp với cơ quan báo chí. Trong đó, các trang tin liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ quan báo chí điện tử phải sử dụng tên miền thứ cấp của tên miền báo điện tử.
Hoạt động liên kết sản xuất tin bài báo chí chỉ giới hạn trong các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội theo quy định của Luật Báo chí.
Cơ quan báo chí là đơn vị thực hiện thủ tục xin cấp phép trang tin liên kết, và phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung trên trang tin liên kết của đơn vị mình.
Nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” trên trang thông tin điện tử tổng hợp sẽ bổ sung quy định: Tổng hợp thông tin chậm hơn 1 tiếng so với tin gốc; mỗi trang chỉ được tổng hợp thông tin về 1 lĩnh vực, trong số các lĩnh vực sau: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội và phù hợp với với ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; đặt link gốc ngay dưới bài dẫn lại.
Đồng thời có quy định cụ thể các nội dung phải có trong giao diện tiêu đề để tránh nhầm lẫn báo chí; chỉ được sử dụng tên miền .vn và không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang thông tin tổng hợp. Tách riêng chuyên mục hỏi đáp về các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
“Có văn bản của các báo cho phép/chấp thuận trích dẫn nguồn tin, quy định 1 số trách nhiệm cơ bản: thời hạn, nội dung tổng hợp, trách nhiệm các bên. Phải kết nối đến hệ thống giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi việc đăng tải tin bài trên trang tin tổng hợp, bảo đảm không vi phạm bản quyền và tin dẫn lại phải gỡ ngay sau khi tin gốc bị gỡ”- Bộ này đề xuất.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá, giải pháp trên sẽ tạo khung pháp lý để cho phép các cơ quan báo chí được liên kết và tự chịu trách nhiệm về hoạt động liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp ở phạm vi nhất định phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo và phù hợp chức năng nhiệm vụ của tổ chức, doanh nghiệp.
Giải pháp này cũng không gây xáo trộn trong dư luận xã hội. Việc đưa ra các quy định chi tiết, cụ thể, bổ sung thêm các yêu cầu về quản lý nội dung thông tin sẽ hạn chế việc các trang thông tin điện tử tổng hợp lợi dụng khe hở của pháp luật để hoạt động báo chí, vi phạm các quy định về bản quyền, quảng cáo.
Hơn nữa quy định về liên kết báo chí đã có tại Luật Báo chí nên giải pháp này không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.