Trước thực trạng này, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng phương án trình TP lắp đặt camera phạt nguội các vi phạm lòng đường, vỉa hè.
Sau 2 năm “giải cứu” vỉa hè lại bị tái chiếm
Kể lại thời điểm lực lượng chức năng quyết liệt “đòi bằng được” vỉa hè cho người đi bộ hồi tháng 3/2017, anh Phạm Thế Quyết (sống tại Xã Đàn, Đống Đa) cho rằng, sự quyết liệt của các cấp chính quyền khi đó được nhiều người ví như một cuộc “giải cứu vỉa hè”. Lúc đó, từng mét hè phố khu vực nhà tôi bị chiếm dụng đều được thu hồi. Nhiều phương tiện dừng, đỗ trái phép cũng bị đưa lên xe về trụ sở công an.
“Thậm chí, những bậc tam cấp lấn chiếm ra ngoài dù chỉ tính bằng vài chục centimet cũng bị phá bỏ. Các tuyến phố: Tây Sơn, Xã Đàn và nhiều tuyến phố cổ khác như một đại công trường rầm rập tiếng máy móc, khoan cắt trong nhiều ngày”, anh Quyến chia sẻ.
Tuy vậy, những ngày đầu tháng 4/2019, trở lại một số tuyến phố từng là tâm điểm trong chiến dịch lấy lại vỉa hè 2 năm trước, PV Báo Giao thông bất ngờ khi hiện tại, vỉa hè bị lấn chiếm trở lại một cách công khai.
Trục đường Tây Sơn kéo dài từ Đại học Công đoàn đến ngã tư Tây Sơn và các tuyến Nguyễn Lương Bằng - Hồ Đắc Di, vỉa hè ở đây chỉ rộng chừng hơn 1,5m, song hàng loạt cửa hàng vẫn ngang nhiên chiếm dụng toàn bộ diện tích làm chỗ để xe, dựng những tấm biển quảng cáo chắn ngang vỉa hè, không chừa một lối đi nào. Hầu hết người đi bộ, trong đó có rất nhiều người cao tuổi phải lưu thông dưới lòng đường đông đúc xe cộ, nguy cơ va chạm, mất ATGT luôn tiềm ẩn.
Đáng chú ý, dù các bậc tam cấp lấn chiếm ra ngoài đã bị dỡ bỏ, nhưng hiện có rất nhiều bốt điện trên phố Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng đang chình ình trên vỉa hè, chiếm gần hết lối đi lại.
Cách đó không xa, tuyến phố Xã Đàn cũng trong tình trạng tương tự. Quán cà phê ở số 257 chiếm gần hết vỉa hè để xe cho khách. Vỉa hè phía dãy số chẵn từ số 254 - 270, nhiều cửa hàng cũng lấn chiếm làm chỗ để xe.
Tại khu vực phố cổ Hà Nội, dù là quận có nhiều tuyến phố kiểu mẫu, song ghi nhận của PV, hầu hết các tuyến phố cổ đều trong tình trạng có vỉa hè cũng như không. Điển hình là vỉa hè phố Hàng Chiếu bị các hộ kinh doanh vô tư chiếm dụng toàn bộ làm nơi giao thương các mặt hàng túi, bạt nilon; vỉa hè phố Hàng Mã được trưng dụng cho các thứ đồ hàng, trò chơi trẻ em. Vỉa hè phố Hàng Lược, Hàng Cá ngập ngụa quán ăn, quán cà phê…
Những tuyến vỉa hè trên đều có diện tích khá rộng, khoảng 4-5m và được đầu tư tôn tạo, lát đá tự nhiên rất khang trang. Tuy vậy, mỗi ngày, hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến Hà Nội vẫn phải chấp nhận đi dưới lòng đường chật hẹp, đông đúc phương tiện.
Anh Vũ Hữu Đông, khách du lịch ở Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi lần này ra Hà Nội không còn thấy sự thú vị, đặc trưng của phố cổ Hà Nội nữa. Nhìn bốn xung quanh ngập hàng hóa, trông giống khu thương mại hơn là khu du lịch”.
Tương tự, tại tuyến đường La Thành, cả hai bên vỉa hè đều bị các hộ gia đình sử dụng làm nơi buôn bán vật liệu xây dựng, hàng ăn, hành nghề cơ khí. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường dẫn đến tình trạng lộn xộn. Ngay tại đường Lê Văn Lương dù vỉa hè rộng khoảng 7m nhưng cũng bị nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm, buộc người đi bộ thường xuyên phải đi xuống lòng đường. Cụ thể, đoạn gần ngã tư Tố Hữu - Vạn Phúc còn xuất hiện hàng loạt các xe chở hoa quả, người bán hàng chiếm dụng hết vỉa hè. Ngay cả cửa hàng rửa xe ô tô còn lấn chiếm toàn bộ vỉa hè làm chỗ rửa xe, đỗ đến 5-6 chiếc ô tô cùng lúc.
Trên một số tuyến phố khác như: Phủ Doãn (đối diện Bệnh viện Việt Đức, quận Hoàn Kiếm), Bệnh viện Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), đường Láng (quận Đống Đa), Cầu Giấy, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy)… tình trạng xâm lấn vỉa hè làm quán nước, để xe cũng tái diễn nghiêm trọng.
Vỉa hè bị chiếm dụng đẩy người đi bộ xuống lòng đường (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Lương Bằng)
Lắp camera phạt nguội vi phạm vỉa hè
GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT nhìn nhận, việc phát động phong trào lập lại trật tự vỉa hè rất tốt, song do mong muốn giành lại vỉa hè và thực tế sử dụng vỉa hè ở nước ta có khoảng cách lớn nên hiệu quả chỉ tính bằng ngày, vừa rộ lên lại nhanh chóng chìm xuống. Người dân được yêu cầu ký cam kết, nhưng cuối cùng cam kết không được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến nhờn luật.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Quang Tâm, Phó phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết: “Trên địa bàn quận hiện có khoảng hơn 100 điểm vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm. Chúng tôi thường xuyên lập các tổ liên ngành kiểm tra trên các tuyến phố, thậm chí lập cả tài khoản Zalo để nhanh chóng báo cáo, phối hợp xử lý tại các điểm nóng. Nhưng tình trạng chung là khi lực lượng vừa dẹp xong, rút đi, vỉa hè lại nhanh chóng bị chiếm dụng trở lại”.
Cũng theo ông Tâm, Nghị định số 165 của Chính phủ cho phép sử dụng các phương tiện ghi hình để xử lý vi phạm giao thông. Hiện ở các nút giao thông, hệ thống camera đã xử lý rất hiệu quả. Vì vậy, quận Hoàn Kiếm đang đề xuất TP cho phép cảnh sát trật tự quận, phường sử dụng camera ghi lại hình ảnh nhà hàng, những điểm vi phạm để xử lý vi phạm mà không phải tổ chức “truy đuổi” như thời gian qua.
Liên quan đến vỉa hè có tình trạng cứ “giải cứu” xong lại bị tái chiếm ở Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, gần đây, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại diễn ra khá phổ biến ở hầu hết quận, huyện, thị xã. “Chúng tôi đang xây dựng phương án trình TP lắp đặt camera trên địa bàn các quận, huyện để có thể xử lý các vi phạm, trong đó có vi phạm lấn chiếm lòng đường”, ông Viện cho biết.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT, với hệ thống camera, việc giám sát thực hiện trật tự đường, hè phố sẽ hiệu quả hơn bởi không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng có mặt trực tiếp để xử lý. Việc xử lý vi phạm qua camera sẽ có sức răn đe hơn để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng vỉa hè làm của riêng như hiện nay.