Đề xuất chi gần 60 tỷ đồng để nâng chuẩn giáo viên

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất phê duyệt Kế hoạch nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên.

Giáo viên Tiểu học TPHCM tham gia Tập huấn sách giáo khoa mới.
Giáo viên Tiểu học TPHCM tham gia Tập huấn sách giáo khoa mới.

Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản trình UBND TP phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tổ chức thực hiện năm 2022.

Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương, giao cho Trường ĐH Sài Gòn theo phương thức giao nhiệm vụ theo quy định để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.

Đồng thời, Sở GD&ĐT TPHCM cũng đề xuất giao Sở Tài chính tham mưu UBND TP bố trí dự toán kinh phí ngân sách nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo nâng cao trình độ chuẩn giáo viên hàng năm cho Trường ĐH Sài Gòn.

Đối tượng tham gia nâng chuẩn trình độ gồm giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên và tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên dạy cấp tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 8 năm công tác đối với giáo viên có trình độ trung cấp và đủ 7 năm công tác đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Thống kê, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM có 1.402 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cần tham gia nâng trình độ chuẩn được đào tạo. Trong đó, mầm non là 705 giáo viên, tiểu học là 455 giáo viên; THCS là 242 giáo viên. Mức dự toán kinh phí nâng trình độ chuẩn đào tạo cho tổng số giáo viên trong giai đoạn này là hơn 58,8 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1 (từ ngày 1/1/2021 đến hết 31/12/2025), TPHCM bảo đảm ít nhất 60% giáo viên mầm non được cấp bằng cao đẳng sư phạm hoặc cử nhân, ít nhất 50% giáo viên tiểu học và 60% giáo viên THCS được cấp bằng cử nhân.

Kinh phí thực hiện nâng chuẩn trình độ cho giáo viên giai đoạn 2021-2025 được lấy từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP (ngày 30/6/2020) của Chính phủ.

Đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng chuẩn trình độ.

Bên cạnh đó, các quận huyện và UBND TP Thủ Đức có trách nhiệm quản lý, theo dõi và đánh giá kết quả đào tạo của cán bộ quản lý và giáo viên tại địa phương, tổ chức sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả định kỳ thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.