Tranh cãi ở Quốc hội
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 10/2, vấn đề xử lý các trường hợp vi phạm hành chính được đưa ra bàn thảo. Theo đó, Chính phủ đã đưa ra đề xuất buộc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước của người vi phạm hành chính để phục vụ hoạt động cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Có đề xuất này là bởi, hiện tại có đến 10% quyết định xử lý vi phạm hành chính không được thực hiện. Đây là báo cáo do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu ra trong phiên họp.
Đề xuất có tính tranh cãi bởi đối tượng vi phạm hành chính là cá nhân, trong khi đó quan hệ hưởng quyền lợi đối với các hợp đồng điện, nước lại là hộ gia đình. Đó cũng là lý do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, đã bác bỏ đề xuất trên.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm ủy ban này lý giải tại phiên họp, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp cắt điện, nước.
Như vậy, ông Tùng khẳng định việc vi phạm hành chính không liên quan đến hợp đồng dân sự của người vi phạm với một cơ quan/ tổ chức/ đơn vị cung cấp dịch vụ khác. Tuy nhiên, ông Tùng cũng đã đưa ra phương án mở, theo đó có thể sử dụng việc “ngừng cung cấp điện, nước” như một biện pháp ngăn chặn vi phạm, chứ không xem việc này như là một biện pháp cưỡng chế thi hành pháp luật.
Ông Tùng cũng đưa vào điều kiện cần và đủ để áp dụng biện pháp này là các hành vi vi phạm hành chính bị xử lý phải liên quan đến giao dịch dân sự điện, nước. Đồng thời, ông cũng đề xuất việc ngăn chặn phải không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động của cá nhân, tổ chức khác.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng việc cắt điện, nước có thể hiệu quả trong một số trường hợp như vi phạm trật tự xây dựng. Nhưng nếu coi đây là biện pháp cưỡng chế để áp dụng cho tất cả các vụ vi phạm hành chính thì chưa phù hợp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lại cho rằng, đề xuất này là hợp lý nếu xem điện, nước là một phần của quản lý Nhà nước và có thể can thiệp bằng hành chính. “Nếu coi điện nước là hợp đồng dân sự cũng đúng. Nhưng từ góc độ khác như hiệu lực quản lý Nhà nước thì quan hệ thị trường hay dân sự đều có thể can thiệp bằng hành chính”, ông Lê Thành Long nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị cân nhắc đề xuất nêu trên để “không hành chính hóa quan hệ dân sự”. Theo bà, Chính phủ cần làm rõ bản chất của việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay ngăn chặn, từ đó quy định cho phù hợp.
Người dân nói gì?
Khi được hỏi về vấn đề liệu có nên xem việc cắt điện, nước là các biện pháp hành chính để xử lý cưỡng chế trong các vụ việc vi phạm hành chính hay không, một số người dân trên địa bàn Hà Nội đã có bình luận, nhưng đồng nhất quan điểm là đề xuất này chưa phù hợp.
Ông Trần Duy Sơn (trú tại tổ 24, Định Công, Hoàng Mai), cho rằng, đề xuất này không hợp lý bởi vi phạm hành chính có thể chỉ là một cá nhân. Trong khi đó người hưởng thụ giá trị của điện, nước lại thường là gia đình, tập thể.
“Nếu tôi vi phạm hành chính, chẳng lẽ vợ con tôi cũng phải nhịn điện, nhịn nước? Nhà nước nếu cần đạt tỷ lệ cưỡng chế vi phạm hành chính cao hơn cần có cơ chế quản lý cá nhân từng công dân cao hơn. Không nên lựa chọn các biện pháp có thể gây ảnh hưởng tới những người không liên quan”.
Trong khi đó, theo anh Phan Minh Sáng ở Thanh Hà (Hà Đông), quy định cưỡng chế cắt điện, nước chỉ phù hợp với các đơn vị có vi phạm luật xây dựng, đất đai. Nó không phù hợp với các vi phạm hành chính khác. “
Khi anh có vi phạm về đất đai và xây dựng thì tài sản trên đất cũng như các giao dịch dân sự trên đất và công trình xây dựng trái phép cũng là sai. Lúc này cơ quan quản lý Nhà nước có quyền để cưỡng chế vi phạm. Chứ trong các trường hợp khác, việc đưa một giao dịch dân sự không liên quan đến hành vi vi phạm hành chính vào để cưỡng chế xử lý vi phạm là ảnh hưởng tới quyền công dân rồi”.
Ông Ngô Dương - chuyên viên luật tại Viện Nhà nước và Pháp luật chia sẻ quan điểm: “Đề xuất này dĩ nhiên gây ra những tranh cãi bởi tiếp cận các dịch vụ cơ bản là quyền con người cần được Nhà nước bảo đảm.
Việc cung cấp hay cắt các dịch vụ cơ bản kia dựa trên quan hệ giữa người vi phạm và một tổ chức khác. Nhà nước yêu cầu dừng cung cấp dịch vụ là ảnh hưởng đến quyền lợi của bên cung cấp. Nếu hợp đồng giữa họ hoàn toàn hợp pháp thì không có lý do để dừng hợp đồng giữa họ với nhau”.
“Điều này chỉ đúng khi có những quy định riêng, chẳng hạn địa điểm cung cấp là nơi ở bất hợp pháp, nơi đã giải phóng mặt bằng nhưng người ta vẫn ở đó và việc cung cấp dịch vụ thường xuyên, theo kênh truyền dẫn chính thức của bên cung cấp dịch vụ (như đường ống, đường dây) sẽ trở nên bất hợp pháp. Đương nhiên, nếu là việc kéo dây, nối ống trộm thì không cần phải bàn bạc gì thêm – nó bất hợp pháp từ đầu và dừng dịch vụ là có cơ sở.
Ngoài ra, trường hợp cá nhân vi phạm nhưng dừng dịch vụ của cả gia đình người ta – gồm cả những người không vi phạm, sẽ rất không ổn”, ông Ngô Dương cho biết.