Cần tiến hành rà soát một cách tổng thể việc thực hiện chính sách
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội) đánh giá cao kết quả chỉ đạo, lãnh đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nỗ lực làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong một khoảng thời gian rất ngắn. Theo đó, chỉ hơn 5 tháng đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn với tinh thần trách nhiệm cao, đã tiến hành rà soát một cách tổng thể việc thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch từ cấp Trung ương cho đến từng địa phương.
Đồng thời xây dựng được hệ thống báo cáo rất cụ thể, chi tiết về kết quả giám sát. Trong đó đã chỉ ra nhiều vấn đề còn bất cập, hạn chế đang là điểm nghẽn làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lập, phê duyệt hệ thống quy hoạch quốc gia và tổ chức thực hiện các quy hoạch đã có. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc Luật Quy hoạch chậm đi vào cuộc sống và việc để xảy ra chậm trễ trong quá trình lập, thẩm định và quyết định phê duyệt quy hoạch thời gian qua.
Quan trọng hơn, trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ ra được một loạt các kiến nghị, giải pháp cụ thể có giá trị thực tiễn cao nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cũng như cho việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực này.
Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung nhận xét, đánh giá được nêu trong báo cáo kết quả giám sát.
Tuy nhiên, đối với phần nhận định về tồn tại, hạn chế, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng cần phân tích, đánh giá xác định rõ hơn đâu là những hạn chế, bất cập, có tính thời điểm.
Bởi đây là lần đầu tiên thực hiện việc lập quy hoạch cho phương pháp tích hợp có sự phối hợp đa ngành và đâu là điểm hạn chế, bất cập, chưa phù hợp sẽ có tác động ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng, hiệu quả của công tác lập, quyết định, tổ chức thực hiện quy hoạch để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính quốc gia và từng địa phương là vấn đề còn thiếu sót trong quy định của pháp luật về công tác quy hoạch cần có sự bổ khuyết kịp thời nhưng chưa được nhắc đến trong báo cáo kết quả giám sát cũng như trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Theo đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung nội dung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính quốc gia, quy hoạch đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào hệ thống quy hoạch quốc gia hoặc bổ sung nội dung quy hoạch này thành một nội dung tích hợp trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh để làm cơ sở định hướng cho việc sắp xếp, bố trí không gian phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tổ chức bộ máy quản lý hành chính các cấp và trực tiếp làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 trên phạm vi cả nước đúng với tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo
Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, cần rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch và phát triển đô thị, giữa pháp luật về quy hoạch đô thị với quy định về quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng nhà ở.
Thống nhất với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, thực tế khi địa phương triển khai lập quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013 và quy hoạch đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị thì đã phát sinh mâu thuẫn dẫn và khó khăn trong quá trình thực hiện như mục đích sử dụng đất ở một số vị trí không thống nhất với nhau. Điều này dẫn tới người sử dụng đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, việc cấp phép xây dựng thì lại phải phù hợp với quy hoạch đô thị.
Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, về nguyên tắc, việc quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị phải có sự thống nhất cả về không gian, thời gian, phù hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại quy hoạch nhưng hiện nay chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này.
Mặt khác, công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng có những điểm khác biệt nhau, gây khó khăn cho công tác quản lý và thực hiện như về thời gian quy hoạch không thống nhất.
Để giải quyết những vướng mắc trên, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch và phát triển đô thị; giữa pháp luật về quy hoạch đô thị với quy định về quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho Chính phủ và cả cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch. Cần tăng cường vào thực hiện thường xuyên công tác giám sát của Quốc hội để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, tháo gỡ đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy hoạch cấp Trung ương và địa phương.
Đại biểu Phạm Đình Thanh cũng đề nghị Chính phủ tổ chức rà soát và kịp thời có các biện pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch nói chung; công tác thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch giai đoạn 2021-2030 nói riêng, trong đó cần quan tâm bố trí thỏa đáng với nguồn lực của Nhà nước để phục vụ tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt, công bố các quy hoạch; đồng thời sớm ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn để huy động các nguồn tài chính khác nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ công tác quy hoạch, đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 119 ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lấp các quy hoạch thời kỳ 20212030.