Sáng nay (17/12), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Trường Đại học Văn Lang (VLU) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Tài nguyên giáo dục mở phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam: Từ chính sách đến triển khai”, tại TPHCM.
Hội thảo là một sự tiếp nối của dự án “Xây dựng khung pháp lý và nền tảng cho tài nguyên giáo dục mở dùng cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam”, do VLU chủ trì với nguồn tài trợ của AUF.
Nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho hay, năm 2024, nhà trường đã triển khai thử nghiệm tích hợp Coursera vào giảng dạy với hơn 1.000 SV VLU thuộc 23 khoa tham gia 273 khóa học. Cũng trong năm này, đã có gần 2.000 SV nhà trường tham gia và hoàn thành chương trình Phát triển nhân tài số, do Nhà trường phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia triển khai.
Về đội ngũ giảng dạy, trong năm học 2022 - 2023, Nhà trường đã triển khai xây dựng khung năng lực số dành cho CB-GV-NV, nhằm đảm bảo nâng cao năng lực đội ngũ và đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Nhờ đó, đến nay đã có gần 1.500 GV – NV tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng Microsoft cơ bản đến nâng cao.
“Chương trình đào tạo AI Studio của Viện Khoa học Tính toán và Trí tuệ nhân tạo – VLU tổ chức năm 2023 đã được hưởng ứng và tham dự của gần 700 GV-NV. Đến năm 2024 đã có hơn 1.500 GV-NV nhà trường tham gia các khóa học liên quan đến chuyển đổi số trên Coursera với gần 20.000 giờ học”, bà Diệu thông tin.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, Nhà trường đã trang bị hơn 60.000 tài khoản Microsoft cho GV và SV mỗi năm để phục vụ học tập và giảng dạy. Ngoài ra, Trường cũng trang bị tài khoản Adobe Sign cho các Đơn vị, bắt đầu từ năm 2021 với trung bình 5.000 tài liệu/ năm.
Nhiều đề xuất quan trọng về Tài nguyên giáo dục mở
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cũng đề xuất nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Tài nguyên giáo dục mở (OER). Trong đó, đề xuất đầu tiên và đặc biệt quan trọng là Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế cho OER.
“Bộ GD&ĐT cần xây dựng và ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn về OER trong giáo dục đại học, bao gồm các quy định về bản quyền, tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế thẩm định và khen thưởng. Việc này sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc phát triển và ứng dụng OER, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan. Đặc biệt, sẽ góp phần nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của giáo dục đại học Việt Nam” - bà Mỹ Diệu khẳng định.
Các đề xuất tiếp theo liên quan đến OER được Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang đề cập gồm: Phát triển nguồn OER đa dạng và chất lượng; Phát triển đội ngũ cho OER; Đầu tư và huy động nguồn lực cho OER, trong đó kể cả việc sẵn sàng bố trí ngân sách Nhà nước đầu tư cho các dự án, chương trình phát triển OER trong giáo dục đại học.
Tại hội thảo, ông Lê Trung Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và phát triển tài nguyên giáo dục mở cũng có những chia sẻ gợi ý triển khai OER tại các trường đại học theo Quyết định số 1117/QĐ-TTg.
“Có thể nói, sự ra đời của Quyết định 1117/QĐ-TTg là một bước ngoặt, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn ứng dụng và phát triển OER một cách tự phát, và mở ra một thời kỳ mới đầy hứa hẹn cho ứng dụng và phát triển OER tại Việt Nam” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, trên thực tế, việc ứng dụng và phát triển OER tại Việt Nam nói chung còn ở vào giai đoạn sơ khai và chưa được như mong đợi. Ngay cả trong giáo dục đại học, ở thời điểm hiện tại, có lẽ có rất ít cơ sở có chính sách OER ngay cả ở cấp khoa/phòng/thư viện của trường; số cơ sở có chính sách OER ở mức toàn trường còn hiếm hơn nữa.
“Trong những năm tới, việc ứng dụng và phát triển OER tại các trường đại học Việt Nam không chỉ nhằm triển khai thực hiện thành công Quyết định 1117/QĐ-TTg ngày 25/09/2023, mà còn góp phần để thúc đẩy triển khai nhanh nội dung được nêu ở trên trong kết luận của Bộ Chính trị số 91-KL ngày 12/08/2024. Vì lý do này, có cơ sở để tin tưởng rằng việc ứng dụng và phát triển OER tại Việt Nam sẽ khởi sắc và tăng tốc từ nay cho tới năm 2030 và những năm tiếp sau.
Điều quan trọng là để ứng dụng và phát triển tốt OER, các bên liên quan nên bám sát theo 5 lĩnh vực hành động được nêu trong Khuyến nghị OER 2019 của UNESCO, gồm: (1) Xây dựng năng lực các bên liên quan; (2) Phát triển chính sách hỗ trợ; (3) Truy cập hiệu quả, toàn diện và công bằng tới OER chất lượng; (4) Nuôi dưỡng sự sáng tạo các mô hình bền vững cho OER và giám sát tiến độ; và (5) Thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế.
“Các cơ sở giáo dục nên nghiên cứu kỹ các tài liệu chi tiết hóa các hoạt động của từng trong số 5 lĩnh vực hành động đó đã được UNESCO xuất bản năm 2024; sau đó tùy chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam cả ở mức quốc gia và cơ sở giáo dục, tuyệt đối tránh ‘làm lại cái bánh xe’ từ đầu” - ông Nghĩa khuyến nghị.