Để trường học không phải chạy lụt lúc nửa đêm

GD&TĐ - Liên tiếp trong hai tháng 10 và 11, nhiều trường học ở vùng thấp trũng của Đà Nẵng bị ngập nước và bùn non.

Các thiết bị nghe nhìn ở thư viện Trường Tiểu học Hồng Quang được kê kích lên cao khi có mưa kéo dài. Ảnh: TG
Các thiết bị nghe nhìn ở thư viện Trường Tiểu học Hồng Quang được kê kích lên cao khi có mưa kéo dài. Ảnh: TG

Trước và sau mỗi đợt ngập, giáo viên đều phải di chuyển đồ lên cao rồi lại dọn xuống. Chưa kể, một lượng bùn non đọng lại tại lớp học, sân trường cần phải dọn dẹp.

Điệp khúc bưng lên dọn xuống

Tối muộn ngày 7/11, các giáo viên Trường Mầm non Tuổi Ngọc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vẫn tất bật dọn kê dọn đồ dùng dạy học, đồ chơi, chăn màn… lên các phòng học ở tầng 2. Trường Mầm non Tuổi Ngọc nằm ở nơi thấp trũng nên sau cơn mưa lớn kéo dài trong ngày 7/11, nước bắt đầu tràn vào sân trường và mấp mé đến các phòng học ở tầng trệt. Ban giám hiệu phải huy động giáo viên cùng phụ huynh ở gần trường hỗ trợ kê dọn đồ đạc, đồ dùng, dụng cụ học tập của trẻ.

Nhiều giáo viên Trường Tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cũng có một đêm chạy đua với nước lụt. Cô Lê Anh Đào - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khoảng 23 giờ ngày 7/11, thấy mưa càng lớn, không có dấu hiệu tạnh nên tôi cùng với một số giáo viên ở gần trường đến kiểm tra tình hình. Lúc này, nước đã tràn vào các phòng học ở tầng trệt”.

Cô Lê Anh Đào cùng với một số giáo viên và nhân viên bảo vệ kê cao một số đồ đạc tại các phòng học. Do thiết bị, máy móc được đưa lên cao từ đợt mưa lớn vào tháng 10 nên lần này, các thầy cô chỉ phải chuyển sách vở học sinh, đồ dùng bán trú như chăn gối...

Đồ dùng học tập của học sinh trong các lớp học ở tầng trệt của Trường Tiểu học Hồng Quang được di chuyển lên bục giảng. Ảnh: TG

Đồ dùng học tập của học sinh trong các lớp học ở tầng trệt của Trường Tiểu học Hồng Quang được di chuyển lên bục giảng. Ảnh: TG

Trong đêm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Quang đã xin ý kiến Phòng GD&ĐT Liên Chiểu để thông báo đến phụ huynh cho toàn bộ gần 1.500 học sinh nghỉ học vào sáng 8/11. Việc này để thầy cô giáo tập trung dọn dẹp, vệ sinh phòng học, bàn ghế và sân trường. Cùng với ngập nước, một lượng lớn bùn đất từ dãy núi phía sau trường đọng thành lớp ở sân trường và các lớp học. Vì lớp bùn non khá dày nên nhà trường phải nhờ đơn vị Đặc công 409 cùng xe bồn đến hỗ trợ dọn dẹp.

Trước đó, trong đợt mưa lớn vào tháng 10/2022, toàn bộ phòng chức năng, phòng học của học sinh, thư viện tại tầng trệt của Trường Tiểu học Hồng Quang bị ngập trong nước lũ. Hồ sơ sổ sách, các thiết bị điện tử, phòng máy tính hư hỏng nặng. Do tường rào bị sập nên đồ dùng phục vụ bán trú cho học sinh của nhà trường thất thoát khá nhiều, nồi cơm điện, nồi hấp… đều bị sóng đánh dạt và hư hỏng do ngâm trong nước. Hơn 500 ghế ngồi của học sinh, 150 bàn ăn bị trôi theo dòng nước lũ.

Bộ đội hỗ trợ cho giáo viên Trường Tiểu học Hồng Quang thau dọn lượng lớn bùn non đọng lại trên sân trường và các lớp học sau cơn mưa lớn ngày 7/11. Ảnh: TG

Bộ đội hỗ trợ cho giáo viên Trường Tiểu học Hồng Quang thau dọn lượng lớn bùn non đọng lại trên sân trường và các lớp học sau cơn mưa lớn ngày 7/11. Ảnh: TG

“Sống chung” mà không phải dọn dẹp

Cô Lê Anh Đào - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Quang cho biết, sau đợt ngập lịch sử năm 2022, với những phòng học ở tầng 1, toàn bộ CPU máy tính của giáo viên được để cố định trên cao. Đèn chiếu và tivi được gắn vào tường ở vị trí cao nên đảm bảo an toàn. Tủ đồ dùng dạy học của giáo viên cũng được kê cao lên và ngăn dưới cùng để trống để tránh bị ướt hồ sơ, sổ sách. Với tủ đựng đồ bán trú của học sinh như chăn, màn, gối ngủ, nhà trường cũng hướng dẫn các cô quản sinh chỉ xếp vào ngăn tủ trên cao để tránh bị ngập ướt.

Với Trường Mầm non Tuổi Ngọc, phòng GD&ĐT hướng dẫn ban giám hiệu bố trí lại các phòng học. Trong đó, ưu tiên sắp xếp phòng học ở tầng trên, tầng trệt chủ yếu dùng làm khu văn phòng.

Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết: Trường Mầm non Tuổi Ngọc nằm ở vùng thấp trũng nên nước thoát rất chậm. Về lâu dài, để hạn chế tình trạng ngập nước, phòng GD&ĐT đã kiến nghị với UBND quận nâng cấp hệ thống cống thoát nước trước khu vực trường.

Riêng với Trường Tiểu học Hồng Quang, theo cô Lê Anh Đào, công trình phòng học được đầu tư xây dựng mới trong năm tới, nhà trường kiến nghị để trống tầng trệt làm sảnh thể dục, sân chơi và khu vực ăn trưa cho học sinh bán trú. Bếp ăn cũng được di chuyển lên tầng 4 để tránh bị ngập nước.

Về giải pháp hạn chế bùn đất từ dãy núi phía sau Trường Tiểu học Hồng Quang tràn vào sân và các lớp học, ông Nguyễn Thanh Lịch cho biết, qua tìm hiểu, lượng bùn theo nước chảy vào trường chủ yếu là từ khoảng hở dành cho trang trí hoa văn ở 2 cánh cổng trường. Vì vậy, sẽ hàn tôn bịt kín khoảng hở này. Ngoài ra, nhà trường sẽ chuẩn bị thêm một lượng bao cát đủ để chắn dòng chảy. Như vậy, nếu có bị ngập nước cũng sẽ hạn chế được bùn non tràn vào các phòng học.

Trong đợt mưa lớn vào đầu tháng 10, rút kinh nghiệm từ trận ngập lịch sử năm 2022, Trường Tiểu học Hồng Quang, Trường Mầm non Tuổi Ngọc đã chủ động di dời thiết bị, nhất là máy tính, tivi, đồ dùng dạy học, sách vở của học sinh lên cao nên giáo viên chỉ vất vả khâu dọn rửa khi nước rút đi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.