(GD&TĐ)-Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của những giáo viên dạy giỏi trên khắp mọi miền đất nước ở các bậc học đều gặp nhau một điểm: cần có tâm và thực sự yêu, gắn bó với nghề; đạt được danh hiệu giáo viên giỏi đã khó, nhưng giữ vững được danh hiệu đó lại càng khó hơn.
Cô trò Trường mẫu giáo Chim Non - Hai Bà Trưng - Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn |
Giáo dục học sinh bằng tình thương yêu, sự công bằng và trách nhiệm
Cô giáo Phạm Thị Tố Vui - giáo viên lớp 5, Trường tiểu học Thuận Bình – huyện Thạnh Hóa – tỉnh Long An chia sẻ: Tôi ra trường năm 1993, công tác tại một trường vùng sâu biên giới của huyện Thạnh Hóa nên gặp không ít khó khăn. Đời sống người dân nghèo, trình độ dân trí thấp, ít quan tâm tới việc học tập của con em. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu. Sĩ số học sinh ít nên phải dạy lớp ghép, một số học sinh phải đi học xa, đi bằng xuồng, qua đò qua sông.
Ngay từ đầu các năm học, sau khi nhận lớp, tôi đã phân loại học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện học tập của từng em để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ, tìm biện pháp thích hợp trong việc tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các em trong học tập nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Tôi đã không ngừng học hỏi bạn bè đồng nghiệp, tự nghiên cứu sách báo, tài liệu liên quan đến công tác chuyên môn, truy cập mạng internet để tham khảo nhằm tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Bên cạnh việc tiến hành họp phụ huynh học sinh, bàn biệp pháp phối hợp, quản lí giáo dục học sinh học tập ở nhà, tôi cũng thường xuyên giữ mối liên lạc với phụ huynh học sinh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của phụ huynh học sinh; tổ chức cho học sinh yếu học phụ vào các buổi chiều; hỗ trợ các học sinh nghèo tập vở, bút, cặp sách và quần áo; tổ chức nhiều hoạt động, thay đổi các hình thức dạy học, cuốn hút học sinh tham gia vào các hoạt động học tập cũng như các phong trào thi đua do trường, Đoàn, Đội phát động; xây dựng môi trường lớp học thân thiện giữa cô và trò, giữa trò với trò; trung thực trong báo cáo kết quả giảng dạy, đánh giá học sinh công bằng, khách quan.
Cô giáo Phạm Thị Tố Vui cho hay, ngoài việc hết lòng giảng dạy và giáo dục học sinh bằng tình thương yêu, sự công bằng và trách nhiệm của một nhà giáo, người thầy cần có thức tự học tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; luôn tìm cách đổi mới phương pháp dạy học, khai thác và sử dụng triệt để đồ dùng dạy học được cấp phát, tăng cường tự làm đồ dùng dạy học ... Bên cạnh đó, tích cực tham gia các phong trào do nhà trường, ngành giáo dục phát động, tổ chức.
Không truyền được lửa đam mê cho học trò thì người thầy đã thất bại
Với cô Đặng Thị Mai Thủy, Trường THPT Vĩnh Thạnh (Bình Định), một trong những bài học cô tâm đắc nhất là việc nâng cao nhận thức, gắn các cuộc vận động, các phong trào lớn của Ngành vào việc giảng dạy và giáo dục học sinh ở một trường miền núi. Cô Thủy cho rằng, người thầy, dù giảng dạy ở bất kì bộ môn nào, đều phải là tấm gương đạo đức để tạo được uy tín, sự kính trọng đối với học sinh của mình. Nâng cao nhận thức của bản thân về các cuộc vận động, các phong trào lớn của ngành bằng cách không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng, tích lũy kiến thức phù hợp với năng lực chuyên môn. Biến những cái mình đã có thành tri thức cụ thể, thiết thực đến với học sinh. Phải biết học sinh mình dạy cần học gì và mình phải dạy gì cho phù hợp với mục tiêu giảng dạy đề ra. Thông qua một giờ dạy, giáo viên không chỉ trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản mà còn phải bồi dưỡng tâm hồn các em điều hay, cái đẹp của cuộc sống cũng như trang bị cho các em những kĩ năng sống cần thiết.
Nói như thế, nhưng thực hiện được điều này không phải dễ. Bởi đối tượng học sinh của trường, phần lớn năng lực tiếp thu kiến thức còn chậm; các em hiền, ngoan nhưng rất nhút nhát, thiếu tự tin; chưa được tiếp xúc, giao lưu nhiều với các phong trào, cuộc thi lớn. Trước lực cản đó, bản thân tôi phải nắm bắt được tâm lí các em, biết động viên đúng lúc, đúng đối tượng; khích lệ các em mạnh dạn phát biểu ý kiến cá nhân, trao đổi suy nghĩ của mình trong mỗi tiết học.
Theo cô Thủy, chúng ta cũng đừng đòi hỏi một giờ học lí tưởng, cũng đừng độc đoán, áp đặt một chiều; đừng để giờ học quá gò bó trong một khuôn mẫu cứng nhắc, cũng đừng buộc các em phải làm thế này, các em phải thực hiện thế kia… những điều mà người lớn chúng ta thường hay làm. Bởi có những chuẩn mực đạo đức mà chúng ta được dạy dỗ trước kia giờ phải thay đổi cho phù hợp với thời đại. Trân trọng, yêu thương, khuyến khích các em học tập bằng ánh mắt, giọng nói và cách xử lí tình huống sư phạm khéo léo của mình là cách thức tốt nhất để học sinh thật sự hứng thú học tập, để các em khao khát và cảm thấy sung sướng khi được học giờ học do chính mình giảng dạy. Hãy tâm niệm rằng mỗi giờ học là một phần cuộc sống thu nhỏ của các em. Phải tạo được tâm thế ở mỗi tiết học, các em sẽ được nhìn thấy một phần của chính mình, rồi chiêm nghiệm đặt mình vào trong hoàn cảnh ấy. Cần làm cho trẻ trở thành một nhân cách cởi mở, sáng tạo, phát triển toàn diện.
Có người nói rằng, cũng nội dung ấy, phương pháp dạy học ấy nhưng sao dạy lớp này thành công, dạy lớp kia lại thất bại. Cô Thủy cho rằng, lí do là giáo viên không biết rõ đối tượng của mình, và lẽ đương nhiên, kiến thức của giáo viên phải thật sự uyên bác thì việc vận dụng phương pháp mới có kết quả.
Nhấn mạnh người giáo viên cần thay đổi tư duy, cô Thủy quan niệm mỗi giáo viên phải mạnh dạn, tự tin trong đổi mới PPDH. Cái ngại ngùng, cái e dè, không tự tin vào mình là lực cản vô hình ngáng trở sự phát triển giáo dục không chỉ của đơn vị mà còn của chung xã hội. Nhiều giáo viên tự an ủi, tự bằng lòng với cách dạy bấy lâu nay của bản thân, ngại sự thay đổi; không chỉ thế, đối tượng học sinh quá yếu cũng là nguyên nhân khiến người thầy bế tắc trong việc tìm phương pháp dạy học hiệu quả. Có nhiều giáo viên nghĩ đơn giản, đổi mới phương pháp dạy học là phải ứng dụng CNTT vào dạy học, tránh đoc-chép, …
Bản thân luôn tìm tòi, vận dụng những PPDH phù hợp với đối tượng học sinh của mình, cô Thủy cho rằng, phương pháp rất đa dạng, mỗi phương pháp có những ưu thế, hạn chế riêng. Để đảm bảo tính khoa học cho các giờ học thì sự vận dụng các PPDH phải thực sự linh hoạt sáng tạo. Đổi mới cách dạy không có nghĩa là giáo viên phải từ bỏ phương pháp giáo dục truyền thống để độc tôn cải tiến hoặc áp dụng một cách máy móc những PPDH hiện đại. Cũng không thể hiểu một cách chung chung về đổi mới PPDH là thầy giảng một nửa còn một nửa học sinh tự làm lấy. Sự vận dụng các PPDH phải đi từ cái học sinh đã có đến cái học sinh cần có, từ thực tiễn cuộc sống của học sinh tới kiến thức trong sách vở và quay trở về phục vụ cuộc sống.
Cô Thủy khẳng định: Nếu không truyền được ngọn lửa đam mê học tập thì người thầy đã thất bại trong việc thực hiện nhiệm vụ dạy học của mình. Đổi mới tư duy là đổi mới cách nghĩ, cách làm. Việc đổi mới bao giờ cũng có những khó khăn nhất định, đòi hỏi người giáo viên tự vượt qua rào cản suy nghĩ của chính mình. Đôi lúc sự đổi mới này đòi hỏi sự hi sinh vô điều kiện, cái tâm trong sáng, và cả niềm đam mê của bản thân đối với nghề. Đừng bao giờ than vãn rằng: “Học sinh bây giờ lười lắm, thực dụng lắm, vô cảm lắm ...” khi mà bản thân ta chưa nêu được tấm gương về lòng đam mê, tự học, sáng tạo, …
Hiếu Nguyễn (ghi)