Đất nước này dường như kiềm chế được các ca mắc mà không cần áp dụng các biện pháp hạn chế mà hàng triệu người nơi khác phải trải qua. Thế nhưng sau đó, làn sóng dịch thứ 2 đã tấn công nước này.
Kể từ ngày 17/3, số ca mắc virus corona ở Singapore tăng từ 266 lên 6.588 (với số ca tử vong hiện là 11).
Trong khi các nước khác ở tây Âu và Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, hàng ngàn ca mắc được báo cáo hàng ngày, Singapore với dân số 5,7 triệu người với diện tích khoảng 700 km vuông (nhỏ hơn thành phố New York) thì số ca mắc trên được coi là nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Singapore có những lợi thế mà nhiều nước lớn hơn không có. Nước này chỉ có một biên giới đất liền chủ yếu với Malaysia và có thể kiểm soát chặt chẽ người đến bằng máy bay. Singapore cũng có hệ thống y tế đẳng cấp quốc tế và những quy định, chính sách nghiêm ngặt có thể giúp chính phủ kiểm soát đại dịch.
Vậy điều gì đã xảy ra?
Câu trả lời dường như nằm ở những ổ dịch bị bỏ qua trong lượng người lao động nhập cư sống trong các ký túc xá chật chội, đồng thời do việc đánh giá thấp tốc độ lây lan của những ca mắc này trong khắp thành phố - nơi lệnh phong tỏa chưa được áp đặt.
Cuộc sống diễn ra như bình thường
Lúc đầu, vị thế của một quốc đảo nhỏ bé dường như giúp ích trong việc kiểm dịch. Singapore đã có thể ngăn chặn được làn sóng những ca mắc từ Trung Quốc bằng cách tiến hành kiểm dịch, truy tìm dấu vết để đảm bảo bất kỳ ai đến bằng đường không đều bị cách ly và theo dõi.
Khi đó, Singapore đã đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để khuyến khích người dân thận trọng. Các khu cách ly được thiết lập ở nhiều bệnh viện sau đại dịch SARS năm 2003 cũng có nghĩa là bệnh nhân được điều trị theo cách an toàn nhất thế giới, ngăn nhân viên y tế khỏi bị nhiễm bệnh.
Theo Chủ tịch Dale Fisher về kiểm soát lây nhiễm của bệnh viện ĐH Quốc gia Singapore, điều quan trọng nhất là “Singapore không để những bệnh nhân dương tính trở về cộng đồng”. Những người có ít hoặc không triệu chứng nhưng dương tính đều phải nhập viện cho tới khi âm tính, theo ông Fisher.
Bằng cách xét nghiệm rộng rãi và cách ly những người có khả năng lây nhiễm, Singapore vẫn tương đối mở cửa và tiếp tục hoạt động như bình thường.
“Ở Singapore, chúng tôi muốn cuộc sống diễn ra bình thường” – ông Fisher nói vào tháng trước, trước khi có số ca tăng vọt gần đây – “Chúng tôi muốn doanh nghiệp, nhà thờ, nhà hàng và trường học mở cửa. Đó được xem là thành công. Mọi thứ tiếp diễn với sự điều chỉnh cần thiết và tiếp tục làm như vậy cho tới khi có vaccine hay một phương pháp điều trị”.
Phương pháp này trái ngược với Hong Kong – nơi các trường học phải đóng cửa từ tháng 2 và nhân viên chính phủ được khuyến khích làm ở nhà mặc dù mọi người vẫn đi lại khá tự do trong thành phố. Những biện pháp mới cũng được đưa ra sau khi có số ca mắc ngoại nhập vào tháng trước.
Hong Kong đã thành công hơn rất nhiều trong việc ứng phó với làn sóng thứ 2.
Singapore mới chỉ đóng cửa trường học và một số nơi làm việc trong tháng này sau khi số ca mắc mới tăng vọt.
Những trì hoãn trên đã khiến số ca mắc mới ở Singapore có lúc tăng gần 1.000 ca/ngày. Trong khi đó hiện nay Hong Kong chỉ có 4 ca mới trong ngày.
Singapore đã lỡ bước?
Những ổ dịch mà việc xét nghiệm của chính phủ dường như bỏ lỡ bắt đầu tăng mạnh số ca nhiễm hàng ngày.
Thái độ nới lỏng của Singapore so với các nước khác chỉ có thể khả thi nếu các ca mắc ngoại nhập được ngăn chặn và các trường hợp nghi nhiễm được phát hiện và xử lý nhanh chóng.
Một khi phương pháp trên thất bại, tốc độ lây lan virus giữa người và người sẽ lớn hơn so với ở một nơi mà biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt.
Nhiều ổ dịch mới liên quan tới số lao động nhập cư lớn của Singapore, đặc biệt là khi họ (chủ yếu đến từ Nam Á) sống ở những ký túc xá chật hẹp, không được xét nghiệm đầy đủ. Hiện nay nhiều ký túc xá đã được cách ly và chính phủ đang tăng cường xét nghiệm cho mọi người lao động.
Hiện chưa rõ những ca nhiễm đó có phải từ người lao động nhập cư từ bên ngoài vào hay liệu virus đang lây lan trong số những người chưa được xét nghiệm trong một khoảng thời gian. Điều rõ ràng là những điều kiện mà người lao động này sinh sống khiến cho việc giãn cách xã hội hay cách ly “tại nhà” gần như không thể thực hiện, khiến virus dễ dàng lây lan.
“Những ký túc xá đó như một quả bom hẹn giờ chờ phát nổ” - luật sư Tommy Koh nói – “Cách Singapore đối xử với người lao động nước ngoài không phải như ở thế giới thứ nhất mà là thế giới thứ 3. Chính phủ cho phép nhân viên của mình vận chuyển họ trên những xe tải không có ghế ngồi. Họ ở trong những ký túc xá quá đông đúc với 12 người/ 1 phòng”.
Khi các ca tăng đột biến, Singapore đã đưa ra một gói các hạn chế và quy tắc mới, kết hợp với hình phạt khắc nghiệt nhằm chặn làn sóng lây nhiễm mới và giúp kiểm soát được dịch.
Singapore đã có cơ hội tốt để kiểm soát mọi thứ nhờ diện tích nhỏ bé, chính phủ mạnh mẽ, hệ thống y tế được tài trợ tốt. Thế nhưng những ca mắc tăng vọt gần đây ở Singapore là bài học cho phần còn lại của thế giới.