Có thể nói, điện năng lượng mặt trời là một nguồn năng lượng sạch và không bao giờ cạn kiệt, đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tăng thu nhập cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình tham gia vào việc sản xuất điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực của nó thì vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết để đảm bảo việc sản xuất điện năng lượng mặt trời phát triển một cách bền vững.
Thứ nhất, việc sản xuất điện năng lượng mặt trời hiện nay phát triển tương đối “nóng”. Rất nhiều hộ gia đình, cá nhân đã lắp đặt những tấm pin điện mặt trời trên mái nhà. Điều kiện lắp đặt tương đối dễ dãi, thiếu sự ràng buộc chặt chẽ về quy chuẩn kỹ thuật và cam kết giữa bên mua và bên bán.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước chưa quy hoạch cụ thể vùng phát triển điện năng lượng mặt trời nên dẫn đến nhiều nơi người dân chặt phá cây cao su, cà phê,…để làm điện năng lượng mặt trời. Do đó, trong tương lai sẽ diện tích đất nông nghiệp sẽ suy giảm và có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Thứ ba, việc phát triển “ồ ạt” điện năng lượng mặt trời đi kèm với nó là tình trạng xả những tấm pin mặt trời hư, hỏng, đã qua sử dụng ra môi trường, pin này rất độc hại, nhiều chất có trong pin có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Vì vậy, cần phải đề ra biện pháp xử lý khoa học, an toàn, hiệu quả. Phải có quy trình xử lý khép kín, có thể tái tạo, tận dụng nguồn nguyên liệu sau tái chế.
Thứ tư, cần phải quy định cụ thể trong việc thỏa thuận đấu nối giữa khách hàng bán điện cho ngành điện và ngược lại, cụ thể như thủ tục pháp lý, hướng dẫn cách tính, thanh toán mua bán điện giữa ngành điện và khách hàng; hướng dẫn về giá điện cũng như thuế của khách hàng khi phát điện ngược lên lưới điện để bán cho ngành điện. Và hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp phát sinh và trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa các bên có liên quan.
Chính vì vậy, cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ việc phát triển điện năng lượng mặt trời hiện nay, nhất là khắc phục những nhược điểm của nó như: giảm chi phí lắp đặt; tăng hiệu quả thu thập năng lượng điện mặt trời; hạn chế tốn kém khi lưu trữ điện năng; tiết kiệm không gian lắp đặt và bảo vệ môi trường,…Có như vậy, việc phát triển điện năng lượng mặt trời mới có thể bền vững, góp phần phát triển kinh tế- xã hội đất nước.