Để “ông 30” không còn là thú cưng

GD&TĐ - Môi trường không phù hợp, chế độ ăn uống không đầy đủ, buồn chán và căng thẳng là tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như phúc lợi của hổ bị nuôi nhốt.

Biển cảnh báo về những “thú cưng” hoang dã tại Mỹ.
Biển cảnh báo về những “thú cưng” hoang dã tại Mỹ.

Điều này thường dẫn đến các hành vi lặp đi lặp lại hoặc tự gây thương tích ở hổ. Những hành vi này xuất hiện khi động vật cố gắng đối phó với sự thất vọng. 

Nuôi hổ là... “chuyện nhỏ”?

Tình trạng hổ “thú cưng” đã trở thành vấn đề đáng chú ý, khi bộ phim “Tiger King” của Netflix được phát hành vào năm 2020. Được xem bởi 64 triệu hộ gia đình chỉ trong bốn tháng đầu tiên, nhiều khán giả cho rằng, việc nuôi hổ như thú cưng là sự bóc lột thảm khốc. Tháng 3/2021, phim tài liệu “Tiger Kings - On The Trail” của ITV’s Britain (Anh) đã nêu bật những vấn đề mà hổ phải đối mặt khi được nuôi như thú cưng.

Nhiều tài liệu cho biết, số lượng hổ bị nuôi riêng ở Mỹ nhiều hơn số lượng còn lại trong tự nhiên. Thực tế, ở một số quốc gia hoặc tiểu bang, việc mua một con hổ có thể dễ dàng hơn so với nhận nuôi một chú chó.

Nhiều người cho rằng, những con hổ duy nhất ở Anh đang sống trong các vườn thú được cấp phép. Đáng buồn, đây không phải là sự thật. Vào năm 2020, nghiên cứu của Born Free cho thấy, có ít nhất 8 con hổ được các cá nhân nuôi hợp pháp theo Đạo luật Động vật hoang dã  nguy hiểm năm 1976.

Diễn viên, phóng viên Ross Kemp đã nói rõ trong phim tài liệu “Tiger Kings”: “Khi lần đầu tiên bắt đầu làm những bộ phim này, tôi không nghĩ rằng có thể sở hữu riêng một con sư tử hay một con hổ ở đất nước này… Việc được nuôi làm thú cưng của ai đó hoặc huấn luyện để biểu diễn cho con người là hoàn toàn không thích hợp đối với những kẻ săn mồi thông minh. Hổ được tiến hóa để sống dựa vào trí thông minh trong môi trường hoang dã”.

Có lẽ, một số người coi việc sở hữu một "ông 30" là sự thể hiện địa vị, hoặc cảm giác hồi hộp khiến họ tăng adrenaline. Dù lý do là gì, hình ảnh và video về hổ trong nhà riêng ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới có thể được tìm thấy “nhan nhản” trên mạng xã hội. Song, môi trường không phù hợp, chế độ ăn uống không đầy đủ, các nhóm xã hội không tự nhiên, buồn chán và căng thẳng là tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và phúc lợi của hổ bị nuôi nhốt.

Điều này thường dẫn đến các hành vi “rập khuôn” ở hổ, như hành động lặp đi lặp lại hoặc tự gây thương tích. Những hành vi này xuất hiện khi động vật cố gắng đối phó với sự thất vọng. Bởi, bản năng săn bắt tự nhiên của chúng bị phủ nhận.

Những “kẽ hở” của luật

Môi trường sống không phù hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của hổ.
Môi trường sống không phù hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của hổ.

Trên hết, chủ sở hữu hổ nuôi thường thiếu kinh nghiệm. Đáng buồn thay, bất kỳ sai lầm nào trong quy trình chăm sóc đều có nguy cơ dẫn đến hậu quả chết người.

Việc cấp phép đối với việc nuôi các loài động vật hoang dã nguy hiểm, bao gồm cả hổ, ở các cá nhân tại Vương quốc Anh được điều chỉnh bởi Đạo luật về động vật hoang dã nguy hiểm năm 1976. Luật thừa nhận sự cần thiết phải bảo vệ sự an toàn của công chúng.

Song, luật không bảo đảm được sự an toàn của chủ sở hữu, khi những rủi ro tiềm ẩn đối với công chúng có thể xảy đến nếu hổ trốn thoát. Luật đồng thời chưa giải quyết được nạn buôn bán - hành vi có khả năng làm tổn hại đến việc bảo tồn các loài trong tự nhiên và phúc lợi của động vật hoang dã. Bởi, những loài động vật này cần được đáp ứng các nhu cầu phức tạp về hành vi, môi trường, xã hội và dinh dưỡng.

Trước đó, cả nước Mỹ “rúng động” khi một con hổ trốn thoát trong khu phố ở Houston. Các chuyên gia cho biết, số lượng hổ bị nuôi nhốt ở Mỹ nhiều hơn so với hổ tự nhiên trên khắp thế giới. Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) ước tính, có khoảng 5.000 con hổ sống trong điều kiện nuôi nhốt trên khắp nước Mỹ. Song, các chuyên gia về quyền lợi động vật cho biết, rất khó để đưa ra con số chính xác. Trong khi đó, số hổ hoang dã trên thế giới được ước tính là khoảng 3.900 con.

WWF cho biết, hầu hết hổ ở Mỹ được nuôi nhốt trong sân sau, các cơ sở chăn nuôi và tại những công viên giải trí nhỏ, hoặc điểm tham quan ven đường. Theo nhóm này, có khoảng 6% hổ sống ở các vườn thú được công nhận.

Cần hành động nhiều hơn

Bà Leigh Henry - Giám đốc chính sách về động vật hoang dã của WWF - cho biết: “Mỹ có trách nhiệm quản lý 5.000 con hổ bị nuôi nhốt trong biên giới của mình”.

Trong khi đó, bà Carole Baskin - người sáng lập Big Cat Rescue, khu bảo tồn động vật ở Florida - chia sẻ, số lượng hổ thực tế được nuôi nhốt ở Mỹ có thể cao hơn. Bởi, có hàng trăm con hổ được nuôi mỗi năm để làm công cụ thu hút động vật hoang dã. Quyền sở hữu cá nhân đối với hổ từ lâu đã bị những người ủng hộ động vật chỉ trích là liều lĩnh và vô nhân đạo.

WWF cho biết: “Nhiều chủ sở hữu hổ không được đào tạo bài bản để chăm sóc động vật hoang dã, khiến chúng dễ bị ngược đãi và khai thác. Thường thì những cơ sở này sẽ cho phép công chúng tiếp xúc với hổ, bao gồm các hoạt động chụp ảnh và chơi với hổ con”. Trong khi đó, bà Baskin nhấn mạnh: “Không có con hổ nào thuộc về sân sau hoặc tầng hầm. Lý do duy nhất mà mọi người nuôi hổ làm thú cưng là để cố gắng khoe khoang với người khác”.

Thực tế, ở nhiều tiểu bang tại Mỹ, việc nuôi hổ hoàn toàn hợp pháp. Khoảng 20 tiểu bang cấm sở hữu cá nhân đối với các loài động vật hoang dã, bao gồm hổ. Các tiểu bang khác yêu cầu cư dân phải có giấy phép để sở hữu những động vật như vậy. Song, ở những nơi khác, bao gồm Alabama, Nevada, North Carolina và Wisconsin, không có luật cấm nuôi động vật hoang dã nguy hiểm làm thú cưng.

Ở Texas, một người dân có thể sở hữu hổ nếu có giấy chứng nhận đăng ký do văn phòng kiểm soát động vật địa phương cấp và ít nhất 100.000 USD bảo hiểm trách nhiệm để chi trả cho thiệt hại về tài sản hoặc thương tích. Bởi vậy, có thể nói, tình trạng hổ bỏ trốn không phải là một cảnh tượng hiếm gặp. Bà Baskin cho biết, đã có gần 800 vụ việc liên quan đến hổ bị nuôi nhốt ở Mỹ kể từ năm 1990.

Vào tháng 2/2021, các nhà chức trách ở Texas đã giải cứu một con hổ trong trận bão tuyết gần San Antonio. Họ đặt tên con hổ này là “Elsa”, dựa theo tên nhân vật trong bộ phim “Frozen” của Disney. Hổ Elsa được phát hiện là thú cưng của ai đó khi đeo dây cương. Người chủ của Elsa đã bị kết tội. Sau đó, con hổ đã được đưa đến một khu bảo tồn động vật.

Vào năm 2011, chủ một khu bảo tồn động vật hoang dã ở Zanesville, Ohio (Mỹ) đã thả hàng chục con hổ, sư tử, gấu và các loài động vật hoang dã khác để chúng lang thang trong rừng và các khu dân cư gần đó. Những gì xảy ra tiếp theo được mô tả là “kinh hoàng và hỗn loạn”, khi 49 con vật - bao gồm 18 con hổ và 17 sư tử bị bắn chết, nhằm bảo vệ những người dân gần đó.

Sau vụ việc, Ohio đã thông qua luật cấm sở hữu các loài động vật hoang dã nguy hiểm, bao gồm hổ. Những người sở hữu chúng trước năm 2014 phải đăng ký với nhà nước và tuân thủ các quy định về an toàn.

Vào tháng 12, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật - Đạo luật An toàn Công cộng Hổ. Từ đó, ngăn những người không có giấy phép sở hữu hổ, sư tử, báo đốm và các động vật hoang dã khác. Đạo luật này được đưa ra sau khi “Tiger King” - bộ phim tài liệu về một người nuôi hổ ở Oklahoma, thu hút sự chú ý về vấn đề này.

“Hổ là động vật hoang dã không thuộc về cá nhân, sân sau hoặc vườn thú ven đường kém chất lượng”, nghị sĩ Mike Quigley ở Illinois - tác giả chính của dự luật cho biết.

Trong khi đó, Hiệp hội Luật sư thành phố New York đã ủng hộ các biện pháp được đề xuất. Hiệp hội này cho rằng, quy định hiện tại về hổ ở Mỹ là sự chắp vá của luật tiểu bang. Do đó, cần một giải pháp liên bang để bảo vệ an toàn công cộng, thúc đẩy phúc lợi động vật và bảo tồn động vật hoang dã, cũng như chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. Năm 2016, Mỹ đã thắt chặt các quy định về quyền sở hữu hổ nuôi nhốt theo Đạo luật về các loài nguy cấp. Nhờ đó, khiến hổ khó bị gài bẫy để buôn bán bất hợp pháp.

Bà Leigh Henry thuộc Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết, Mỹ đã dẫn đầu trong việc bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu. Tuy nhiên, những biện pháp vẫn là chưa đủ để theo dõi số lượng hổ và đảm bảo rằng, loài vật này không bị buôn bán bất hợp pháp. WWF bày tỏ hy vọng, Đạo luật An toàn Công cộng Hổ sẽ giúp chấm dứt quyền sở hữu cá nhân đối với các loài động vật.

“Việc thông qua đạo luật sẽ đạt được tiến bộ nhanh chóng về một vấn đề từng khiến chính phủ không hành động. Đồng thời, sẽ trao quyền cho Mỹ để trả lời các câu hỏi quan trọng, như có bao nhiêu con hổ sống ở đây, chúng ở đâu, khi nào chúng được bán và điều gì sẽ xảy ra. Nếu không có luật liên bang, các loài động vật sẽ vẫn dễ bị ngược đãi và bóc lột”, bà Henry nhận định.

Theo CNN; Bornfree

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.