Để có được niềm hạnh phúc bình thường nhưng đầy trân quý đó, những ngày qua, các trường học phải căng mình thực hiện song hành cả hai nhiệm vụ: Vừa dạy học, vừa chống dịch. Thực hiện tiêu chí về giãn cách, ở nhiều trường phổ thông, không ít lớp học phải chia đôi học sinh, và vì thế, giáo viên phải làm việc gấp đôi.
Trong khi quy định tối đa với 1 giáo viên THCS chỉ dạy 19 tiết/tuần thì nay, thầy cô phải tăng đến 30 tiết, có người lên tới 50 tiết. Chưa hết, để học sinh theo kịp chương trình, không chỉ dạy kín hai buổi sáng, chiều, nhiều giáo viên còn tranh thủ buổi tối để dạy trực tuyến. Ở các trường ĐH, bên cạnh tiếp tục duy trì một phần dạy học trực tuyến, nhiều trường còn bố trí việc học, thực hành vào buổi tối, cuối tuần để bảo đảm giãn cách.
Không chỉ đối diện với nhiệm vụ chuyên môn tăng gấp nhiều lần, chấp nhận làm ngoài giờ, đội ngũ cán bộ, giáo viên ở trường học còn thực hiện hàng núi công việc khác với cuộc sống học đường bình thường như: Đến trường sớm đứng ở cổng đo thân nhiệt, hướng dẫn học sinh kê khai y tế, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, thay mặt nhà trường thông báo, hướng dẫn các em những nội dung sinh hoạt khác…
Dù vừa dạy học, vừa chống dịch như chống giặc nhưng điều đáng ghi nhận ở số đông cơ sở giáo dục là tinh thần của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý luôn sẵn sàng, vui vẻ. Một giáo viên dạy lớp 12 tại TPHCM cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành nào, lĩnh vực nào cũng đối diện với khó khăn. Nhà giáo không phải đứng ở tuyến đầu chống dịch thì việc mỗi người cố gắng một chút để học sinh có được niềm vui đến trường, kiến thức là điều nên làm. Chúng tôi không nề hà về áp lực công việc. Được đến trường là thầy trò đều vui!”.
Nhịp sống học đường đang từng bước trở lại bình thường là niềm vui lớn. Nhưng niềm vui ấy hiện chưa thực sự trọn vẹn. Bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới ở một số nước còn nhiều. Tại Việt Nam, tuy dịch bệnh được kiểm soát tốt nhưng Chính phủ vẫn chưa thể công bố hết dịch, vì dòng người trở về từ nước ngoài còn nhiều, không ít ca bệnh dương tính trở lại. Trong bối cảnh này, việc mở cửa trường học, vừa dạy học, vừa sống chung với dịch, đòi hỏi trách nhiệm và sự nỗ lực cao của mỗi đơn vị, thầy cô giáo, cao hơn cả khi tạm nghỉ học phòng chống dịch.
Bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng, sự chung sức nhiều hơn của phụ huynh học sinh. Đặc biệt, để trường học trở thành nơi an toàn nhất, để niềm vui đến trường của thầy và trò được trọn vẹn, công tác kiểm tra giám sát phòng chống dịch trong học đường là nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm túc. Bởi thực tế cho thấy, trong đời sống xã hội đã có hiện tượng buông lỏng ý thức phòng dịch.
Cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Đáng chú ý, với 15 tiêu chí áp dụng cho trước - trong và sau khi học sinh học tập ở trường, nếu cơ sở giáo dục đạt từ 7 tiêu chí trở xuống sẽ bị đánh giá là “thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động”. Đây là cơ sở để mỗi nhà trường thường xuyên soi rọi, cân đo đong đếm và tìm giải pháp bảo đảm mức độ an toàn của đơn vị mình; đồng thời cũng là cơ sở cho các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, có cảnh báo và chế tài cần thiết.