Để đá nở hoa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong cuộc đời có biết bao chuyến đi, bao cuộc gặp gỡ để lại trong tâm hồn những điều bé nhỏ, bình dị mà lấp lánh như một viên ngọc quý…

Đôi mắt trong veo của trẻ em vùng cao. Ảnh: Hà Minh Hưng
Đôi mắt trong veo của trẻ em vùng cao. Ảnh: Hà Minh Hưng

Mùa này, con đường từ nhà đến công ty tôi có những đoạn ngập nước mà mọi người hay gọi đùa là: “vũng đèn đỏ”, “biển siêu thị điện máy” hay “kênh Viettin bank”… Ở thành phố dễ mưa, mưa là ngập, người ở phố mà có những lúc chẳng khác nào dân vùng chiêm trũng.

Vậy mà, khi lên vùng cao nhắc đến mưa, tôi bắt gặp ánh mắt thật lạ của cả cô và trò. Những ánh mắt, hồn nhiên, trong trẻo như nước suối, nhưng suối ở đây lại đang cạn kiệt. Chỉ cần nghe một tiếng xe ben đổ đá vọng vào núi, tiếng mìn phá đá từ xa vang tới giữa giờ học là cả cô trò đều giật mình ngỡ là tiếng sấm. Cô giáo bảo nơi núi đồi này hiếm mưa lắm, ở đây người ta mong mưa đến thế mà sao mưa lại ít về.

Thời trẻ, mẹ tôi cũng là giáo viên “cắm bản”. Bà thường kể cho tôi nghe về những lần băng rừng uống nước suối, uống nước trong thân nứa hay ăn quả rừng cho đỡ khát rồi bị say. Người giáo viên lên đến đây phải tâm huyết vì sự nghiệp lắm mới trụ lại được. Sự cách trở, cô đơn và cả khô hạn chính là thử thách lớn nhất nhưng cùng tôi rèn lên cốt cách người thầy.

Kể từ khi có những hồ chứa nước, bể nước, cô trò và bà con đã bớt khó khăn hơn nhưng gặp những năm hạn nỗi lo ấy vẫn còn đeo bám. Đất nước cần những bản làng bình yên bám trụ để giữ đất, giữ biên cương; bản làng cần những thế hệ con em có tri thức để trở về xây dựng miền đất này nhưng con đường để thực hiện điều đó đầy chông gai bởi có những thách thức đặt ra với cả địa cầu này.

Tôi từng chứng kiến cảnh các em chia nước, chắt chiu từng gáo nước để vệ sinh cá nhân và tưới rau. Ở đây từng cây rau cũng đồng cam cộng khổ cùng con người để vượt qua cằn cỗi mà xanh tươi, mà ngọt ngào trong từng câu nói, từng nụ cười.

Khi được thấy bà con phơi váy thổ cẩm trên những phiến đá, gợi cho tôi xúc cảm về sự diệu kì của tâm hồn người miền núi để đá nở hoa. Dù sương muối hay nắng nỏ, dù lũ quét hay cháy rừng… người dân vẫn kiên gan bám trụ, vẫn nghĩ về cuộc sống này với những điều tươi sáng nhất. Điều đó đã thành vẻ đẹp, thành cốt cách để có những em bé mắt trong như nước suối làm mát dịu tâm hồn ta.

Đã từng sống trên đất này, từng cảm nhận mùa gió Lào rát mặt, từng chứng kiến cảm nhận sự mát dịu khi sương đêm rơi trên tán lá ngoài hiên trong đêm qua thắp đèn học bài, tôi càng thấu hiểu ước mơ của những bạn nhỏ. Trong bài giảng của các thầy cô từ đồng bằng lên đây dạy học có cánh đồng, dòng sông, bến cảng, cánh buồm và những hòn đảo đánh dấu mốc chủ quyền.

Những cô bé, cậu bé tóc vàng hoe bởi nắng rừng và bụi đỏ hàng ngày vẫn chăm chú nghe như uống từng lời của cô. Các em chưa được đi thực tế trải nghiệm, chưa được tiếp cận với các thước phim và hình ảnh nên háo hức lắm. Có một cơn khát những chân trời trong đôi mắt ngây thơ, từng câu chữ cũng là hạt mưa quý giá trên mảnh đất này.

Các em học sinh tại Sìn Hồ tận dụng tất cả những gì có thể đựng được nước. Ảnh: Phòng GD&ĐT Sìn Hồ

Các em học sinh tại Sìn Hồ tận dụng tất cả những gì có thể đựng được nước. Ảnh: Phòng GD&ĐT Sìn Hồ

Có một bé gái khi về học trường dân tộc nội trú của tỉnh đã cho tôi xem những nét vẽ rất đẹp. Em hay vẽ trên giấy nháp bằng cây bút chì. Nhiều lần em đã vẽ mặt hồ đầy nước, có những vòng sóng và có các em bé đang nô đùa trên mặt nước. Có lẽ, đó là ước mơ đã theo em trong suốt những năm tháng tuổi thơ, mặc dù với học trò thành phố đôi khi đã trở thành điều nhàm chán. Ở đâu khó khăn và thiếu thốn, ở đó lại nảy mầm xanh hy vọng và những bông hoa mơ ước.

Tôi bắt gặp những đôi mắt dịu dàng như hạt nước mưa khi các em tập các bài dân vũ. Các em còn nhỏ nhưng giọng hát còn pha giữa tiếng địa phương và ngữ âm bản địa nên đôi lúc chưa tròn vành rõ tiếng. Nhưng bù lại là sự hồn nhiên, say mê khi được hát về chính quê hương, về dân tộc mình, về cô giáo, về trường lớp. Chắc hẳn, cách đây nửa thế kỉ, khi các nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, nhạc sĩ Văn Ký viết các ca khúc này họ cũng đã từng đi thực tế, thăm hỏi và cảm nhận được những khó khăn và vẻ đẹp tâm hồn của con người nơi đây. Những bài hát ấy như nói hộ tấm lòng của các em nhỏ.

Khi sắp sửa phải xa vùng đất này, phía cuối rừng vang lên tiếng sấm đầu mùa mưa. Những giọt mưa nóng ấm, những giọt mưa ngọt ngào đang tưới trên nương cao, ruộng thấp và giòn tan như tiếng cười thơ bé. Các em và thầy cô vui lắm, mưa như một món quà mà đất trời ban tặng để ngô lúa tốt tươi, để những bể nước mưa lại đầy ắp. Các bé lại được tắm gội, giặt giũ, mưa tưới mát những giấc mơ về những chân trời xa trong tâm hồn trẻ nhỏ.

Bất giác, tôi bắt gặp những giọt nước mưa long lanh trên chiếc lá đầu cành đang nghiêng vào mái hiên lớp học. Giọt mưa trong veo, tròn và sáng như ngọc, lấp lánh như đôi mắt các em, hình như giọt mưa cũng đang hát, bài hát ngân lên trong chính tâm hồn mỗi người. Không ở đâu mưa quý giá và đáng yêu như thế, mưa của những khát khao, mưa của lòng ao ước, mưa của sự thánh thiện và trong trẻo.

Tạm biệt các em và thầy cô. Xe đã chuyển bánh, các em vẫn đứng trên sườn đồi nhìn theo đầy lưu luyến. Với một người đã từng đi nhiều nơi, những cuộc chia tay như thế hết sức bình thường. Đi để trở về, đi để học hỏi và tích lũy. Thế nhưng, với mái trường nơi bản vùng cao này tôi biết rằng sẽ còn phải lâu lâu nữa mới có dịp trở lại bởi những bộn bề công việc. Tự nhủ rằng, dẫu có xa xôi vẫn sẽ giữ mãi trong lòng những hình ảnh đẹp nhất về những em bé có đôi mắt trong như giọt nước mưa, những giọt nước mưa quý giá trên cao nguyên này.

Trong cuộc đời có biết bao chuyến đi, bao cuộc gặp gỡ để lại trong tâm hồn những điều bé nhỏ, bình dị hàng ngày mà lấp lánh như một viên ngọc quý…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.