Đề cao ý kiến của phụ huynh HS trong thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Bắc Giang vừa ra văn bản đề cao ý kiến của phụ huynh HS và sự minh bạch thu - chi khi thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở GD mầm non, phổ thông, GD thường xuyên công lập.

Chọn SGK lớp 1 ở Bắc Giang (ảnh: minh họa)
Chọn SGK lớp 1 ở Bắc Giang (ảnh: minh họa)

Đảm bảo chi phí tiết kiệm nhất, mức thu thấp nhất

Hôm nay, 4/9, ông Trần Tuấn Nam - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang - vừa ký văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở GD mầm non, phổ thông, GD thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Sở GD&ĐT Bắc Giang hướng dẫn các đơn vị GD cụ thể các nội dung: Lập dự toán, thẩm định và phê duyệt  (Trình tự lập dự toán thu, chi; Tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh học sinh; Lập hồ sơ trình thẩm định; Thẩm định, phê duyệt nội dung, mức thu; Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ); Hạch toán kế toán và quyết toán; Chế độ báo cáo và tổ chức thực hiện.

Theo hướng dẫn trên, các cơ sở GD mầm non, phổ thông, GD thường xuyên công lập trên địa bàn Bắc Giang phải thành lập Tổ giúp việc xây dựng dự toán thu, chi của từng khoản dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động GD (gồm đại diện Ban giám hiệu, tổ trưởng các tổ, kế toán).

Tổ giúp việc xây dựng danh mục và dự toán thu, chi của từng khoản dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động GD trên cơ sở các căn cứ: Mức thu, nội dung thu (Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND); các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý GD để thực hiện hoạt động dạy và học của các cấp học, như quy định về dạy thêm học thêm; dạy kỹ năng sống, nghệ thuật, thể dục thể thao; hoạt động trải nghiệm; dạy tiếng Anh với người nước ngoài; dạy tiếng anh lớp 1, lớp 2; tổ chức thi thử, luyện kỹ năng làm bài thi; ăn ở bán trú; đồ dùng, dụng cụ, tài liệu (đối tượng, số tiết/buổi, số buổi/tháng, số đợt thi/năm, phô tô phiếu kiểm tra định kỳ...).

Các đơn vị GD phải căn cứ tình hình thực tế, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, thống nhất trong Hội đồng trường, thông tin tới tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường về dự thảo mức thu, mức chi, đối tượng thu và đối tượng hưởng lợi, hình thức tổ chức huy động đóng góp. Từ đó xác định cụ thể nội dung mức thu chi phù hợp nhằm đảm bảo dịch vụ phục vụ cho HS với chi phí tiết kiệm nhất, mức thu thấp nhất. Đồng thời, phải xin ý kiến góp ý của Ban đại diện phụ huynh HS trường (hiện tại) về dự thảo các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (bằng văn bản).

HS Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (ảnh: Nhà trường)
HS Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (ảnh: Nhà trường)

Xin ý kiến phụ huynh HS về khoản thu: Phải ghi rõ "đồng ý" hay "không đồng ý"

Riêng cung ứng sách giáo khoa, các cơ sở GD không xây dựng dự toán thu chi (vì danh mục sách đã có quy định, giá sách in tại bìa) và triển khai đối với phụ huynh HS đăng ký. Tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh HS. Giáo viên chủ nhiệm các lớp thông báo tới từng phụ huynh HS dự thảo các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục và xin ý kiến ghi rõ đồng ý hay không đồng ý hoặc ý kiến khác (bằng văn bản).

Trường hợp phụ huynh vắng mặt thì gửi dự thảo các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD để xin ý kiến phụ huynh vào văn bản dự thảo và gửi lại cho giáo viên chủ nhiệm tổng hợp.

Những khoản phụ huynh không đồng ý hoặc đồng ý với mức khác, cơ sở GD tiếp tục nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị; các ý kiến được phản ánh đầy đủ trong biên bản họp, làm cơ sở để cơ quan quản lý GD thẩm định.

Cũng theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, cơ sở GD sẽ lập Tờ trình đề nghị phê duyệt các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động GD của năm học (những khoản phụ huynh nhất trí) gửi Phòng GD&ĐT huyện, thành phố (trường mầm non, tiểu học, THCS) và Sở GD&ĐT (trường THPT và Trung tâm GDNN-GDTX).

Căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, sự phù hợp giữa các cơ sở giáo dục trong cùng địa bàn, mặt bằng chung về thu nhập của người dân, theo phân cấp quản lý Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT nghiên cứu hồ sơ trình duyệt để phê duyệt cụ thể mức thu của từng khoản thu đối với từng cơ sở GD, biên bản thẩm định.

“Trường hợp trong năm giá cả thị trường có biến động tăng hoặc giảm so với thời điểm duyệt đầu năm - các cơ sở giáo dục trình duyệt điều chỉnh cho phù hợp”- Sở GD&ĐT Bắc Giang nêu rõ.

Chậm nhất 3 ngày, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện công khai mức thu của từng khoản thu theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, niêm yết công khai trước bản tin, trên website đơn vị và thông báo tới phụ huynh học sinh, làm cơ sở cho kiểm tra, giám sát.

Cơ sở GD xây dựng chi tiết nội dung, định mức từng khoản chi từ nguồn thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục, tỷ lệ trích lập các quỹ phần chênh lệch thu chi (nếu có) để quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ ngay từ đầu năm học, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra theo quy định.

“Trường hợp có dịch vụ thuê ngoài, quy chế chi tiêu nội bộ phải cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các bên và giá trị phần việc thuê ngoài. Quy định về chấp hành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước nếu có (thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp). Phần công việc giáo viên nhà trường thực hiện cũng được quy định cụ thể cơ chế mức thụ hưởng”- Sở GD&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh.

Cơ sở GD hạch toán theo dõi thu, chi từng khoản, sử dụng đúng nội dung, mục đích và thanh quyết toán các khoản theo quy định hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.